Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Trao 39 HCV tại Hội thi múa không chuyên toàn quốc 2022

Thứ Hai 06/06/2022 | 09:12 GMT+7

VHO- Sau 5 ngày diễn ra sôi nổi tại  tại Đài PTTH tỉnh An Giang (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang), tối 5.6, Hội thi múa không chuyên toàn quốc năm 2022 đã khép lại với nhiều dấu ấn ngọt ngào.

Phát biểu tổng kết Hội thi, ông Nguyễn Công Trung, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Phó trưởng BTC thường trực, Trưởng BGK Hội thi nhấn mạnh, việc tổ chức Hội thi Múa không chuyên toàn quốc định kỳ 3 năm là một hoạt động rất có ý nghĩa nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy nghệ thuật múa dân gian Việt Nam đặc sắc, tiêu biểu của các dân tộc, vùng miền trên cả nước. Đồng thời, tôn vinh sự đa dạng, phong phú của loại hình nghệ thuật múa trên cơ sở kết hợp hài hoà giữa truyền thống và hiện đại. Từ đó, định hướng bước phát triển nghệ thuật múa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hoá trong đời sống nhân dân, góp phần chấn hưng nền văn hoá dân tộc.

Trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho Sở VHTTDL tỉnh An Giang

Ông Trung phát biểu, những năm gần đây, các điệu nhảy hiện đại tràn ngập sân khấu ở Việt Nam đã làm lu mờ các điệu múa dân tộc. Sự giao lưu, trình diễn của nhiều ban nhạc trên thế giới, các kênh sóng truyền hình tràn ngập trên không gian mạng du nhập vào đời sống tinh thần người dân Việt Nam. Ngay cả các đơn vị nghệ thuật trong nước khi chỉ đạo, xây dựng phong trào cũng như xây dựng chương trình tham gia các Hội thi, Hội diễn, quá chú trọng vào thành tích nên cố gắng chiều lòng ý tưởng biên đạo và thị hiếu khán giả mà vô tình quên đi cái hay, cái đẹp của nghệ thuật múa truyền thống. Vốn quý của cha ông để lại đang dần bị biến tướng, mất dần bản sắc về chất liệu, ngôn ngữ, phong tục tập quán.

Trao HCV chương trình cho các đơn vị

“5 ngày diễn ra Hội thi là khoảng thời gian không nhiều, không gian không rộng, tại một tỉnh biên giới miền Tây Nam Bộ, nơi ngụ cư của các dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer… cùng nhau vun đắp hình thành và phát triển các giá trị cốt lõi bản sắc văn hoá độc đáo cho miền đất An Giang nói riêng, đồng bằng sông Cửu Long nói chung, đã thành công tốt đẹp”, Phó Cục trưởng khẳng định.

Dưới ánh đèn sân khấu, người xem chứng kiến hơn 100 tác phẩm múa đặc sắc, đó là những câu chuyện khác nhau về đề tài, nội dung và bố cục, được các biên đạo tư duy, sáng tạo, thông qua tài năng khéo léo của các vũ công tâm huyết, trình diễn, sắp đặt và kiến tạo bằng cả trái tim, bằng suy cảm tinh tế chứa đựng sâu thẳm trong đó tình yêu cháy bỏng với quê hương đất nước.

Trao HCV cho các tiết mục xuất sắc

 Theo BTC Hội thi, việc trình diễn các tác phẩm múa tại Hội thi lần này không chỉ thể hiện trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ đóng góp cho nền nghệ thuật nước nhà, mà còn là nơi các nghệ sĩ, diễn viên không chuyên được thi thố tài năng, được giao lưu gặp gỡ và học hỏi bạn bè để chắt chiu kinh nghiệm làm nghề.

 10 tiết mục đậm đà chất liệu dân gian của Lai Châu, Sơn La,  Tuyên Quang, Trà Vinh, Kiên Giang… với tính chất nhẹ nhàng, uyển chuyển, chậm rãi, có cấu trúc không ổn định như đặc trưng vốn có nhưng vẫn được trình diễn với kỹ thuật đồng đều, chững chạc và hoàn chỉnh để truyền tải thông điệp sát với thực tế, chân thực và hấp dẫn. Qua đó, người xem thấy được sức mạnh thần lửa trong đời sống tinh thần của đồng bào Pà Thẻn, tình yêu lao động của đồng bào Khmer, Dao, Mông, Khơ Mú, Mường, Thái… Đó chính là tính hiện hữu, giản dị đến tự nhiên, kết hợp sự hoà điệu tuyệt vời giữa vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên với gốc nền văn hoá đậm đà bản sắc riêng có.

Ông Nguyễn Công Trung đánh giá, thành công của Hội thi là sự xuất hiện hùng hậu với 50 tác phẩm múa dân gian đương đại của các tỉnh: Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Phước, Đồng Tháp, Tây Ninh, Hà Nam, Quảng Ngãi, An Giang, Thanh Hóa, Bắc Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Gia Lai, Hải Phòng, Kiên Giang, Ninh Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Khánh Hoà. Với các đề tài vô cùng phong phú như khát vọng về cuộc sống tươi đẹp, ca ngợi tình đoàn kết giữa các dân tộc, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, tình yêu lứa đôi, xây dựng nông thôn mới, nếp sống mới… Từ chất liệu truyền thống nguyên bản, được thổi hồn vào đó hơi thở thời đại nhưng vẫn đảm bảo hàm chứa mong ước, khát vọng của cha ông. Rất nhiều trong số các tác phẩm kể trên đều bám sát vũ đạo gốc của múa dân gian để phát triển, trong đó các động tác, đội hình, tuyến múa, hình tượng và tình cảm được gửi gắm thêm nét tinh hoa các điệu múa trên thế giới với một kỹ thuật đồng đều, chững chạc, thuần thục, hoàn chỉnh và điêu luyện trong bộ trang phục phù hợp với nội dung tác phẩm. Đây là cố gắng rất đáng trân trọng với những đơn vị làm công tác quản lý, chỉ đạo múa phong trào.

 Thành công của Hội thi còn là sự xuất hiện không bất ngờ của các tác phẩm múa hiện đại của các đơn vị đến từ TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Khánh Hoà, Long An, Quảng Nam, Đồng Nai…  Điểm nổi bật là tác phẩm này rất gần gũi với cuộc sống. Các vấn đề nhân sinh quan trong tác phẩm xuất hiện và qua đi trong sự tự nhiên như vốn có trong xã hội hiện đại nhưng vẫn giữ được hồn cốt dân tộc. Bằng thủ pháp biểu đạt, các vũ công dùng chính cơ thể của mình để miêu tả màu sắc, đường nét, khung cảnh để đem đến tư duy liên tưởng sự việc, hiện tượng đang xảy ra một cách chân thực, cụ thể, sinh động. 

“Hơn 600 nghệ sĩ, vũ công thuộc 27 đơn vị tỉnh, thành trên toàn quốc đã cống hiến hết mình để có những chương trình hay, những tác phẩm đặc sắc. Kho tàng múa Việt Nam có thêm hơn 100 tác phẩm múa độc lập trong một thị trường dày đặc múa minh hoạ...”, ông Nguyễn  Công Trung nhấn mạnh.

Bên cạnh những thành công, BTC Hội thi cũng nêu một số băn khoăn, trăn trở. Đó là: số lượng tác phẩm múa dân gian dân tộc xuất hiện lẻ loi và lép vế so với làn sóng lấn lướt của múa dân gian đương đại; một số đơn vị có đông đồng bào sinh sống, nơi tiềm tàng các điệu múa dân gian đặc sắc của đồng bào các dân tộc chưa được khai phá đã không còn bình tĩnh trước trào lưu nghệ thuật múa đương đại; một số tác phẩm múa sử dụng âm nhạc, cốt chuyện sưu tầm trên mạng xã hội nên chưa phù hợp, kém hiệu quả, dễ dẫn đến rủi ro về vấn đề pháp lý và bản quyền tác giả; một số tác phẩm có kết cấu múa dễ dãi, ngôn ngữ lai tạp, khiên cưỡng cộng với kỹ thuật lạ lẫm…trong các tác phẩm múa dân gian.

Kết thúc Hội thi, BTC đã trao 10 HCV, 14 HCB cho các chương trình xuất sắc; 29 HCV, 46 HCB cho các tiết mục xuất sắc.  2 giải biên đạo xuất sắc và 3 giải diễn viên trẻ triển vọng đã được trao cho các cá nhân đến từ Đồng Nai, Kiên Giang,  Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Cũng tại lễ bế mạc, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ VHTTDL, lãnh đạo Cục Văn hóa cơ sở đã trao Bằng khen của Bộ trưởng cho Sở VHTTDL tỉnh An Giang, ghi nhận thành tích trong việc phối hợp tổ chức Hội thi Múa không chuyên toàn quốc năm 2022.

THẢO AN; ảnh: TUẤN LINH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top