Môn lịch sử nửa bắt buộc, nửa lựa chọn: Vừa chạy... vừa xếp hàng

VHO- Sau 2 tháng loay hoay trước “cơn bão” tranh cãi về môn Lịch sử ở cấp THPT theo Chương trình 2018, Bộ GD&ĐT vừa quyết định sẽ có thêm chương trình Lịch sử 52 tiết/năm học dạy bắt buộc. Và thế là, kế hoạch mới bao gồm chương trình tổng thể và chương trình môn học được xây dựng bài bản nhất của nền giáo dục Việt Nam, kéo dài 6 năm, nay phải thay đổi, điều chỉnh trong hơn 1 tháng.

Môn lịch sử nửa bắt buộc, nửa lựa chọn: Vừa chạy... vừa xếp hàng - Anh 1

Cơ cấu môn học sau khi điều chỉnh khiến học sinh sẽ phải học nặng hơn trước (ảnh minh họa)

Chỉ nhìn vào khối lượng công việc và thời gian thực hiện ở 2 giai đoạn đã thấy bất cập. Bộ GD&ĐT tiếp tục “vừa chạy vừa xếp hàng” với tốc độ siêu nhanh mới có thể kịp triển khai trong năm học mới.

Chương trình 105 tiết định hướng nghề nghiệp phù hợp

Trước đó, theo thiết kế của Chương trình mới ở cấp THPT sẽ triển khai đầu tiên ở lớp 10 vào năm học tới, môn Lịch sử nằm trong nhóm môn học lựa chọn, được thiết kế với thời lượng 315 tiết cho 3 năm học (khoảng 105 tiết/năm học). Trong 105 tiết/năm học, có 70 tiết Lịch sử và 35 tiết chuyên đề chuyên sâu.

Khác với cấp học dưới, ở giai đoạn này môn Lịch sử được thiết kế theo các chủ đề, chuyên đề vừa củng cố, hệ thống hóa lại các kiến thức đã học, vừa đề cập sâu hơn. Có những nội dung trước đây chỉ dạy ở bậc đại học, nay được đưa vào cấp THPT, vì thế, nó không phù hợp để dạy bắt buộc (đại trà) mà dành cho nhóm học sinh lựa chọn theo sở thích, định hướng nghề nghiệp.

Chương trình được xây dựng, lấy ý kiến góp ý, thẩm định trong nhiều năm. Sau khi được phê duyệt, các đơn vị xuất bản sách giáo khoa đã tiến hành viết sách. Bộ GD&ĐT cũng triển khai tập huấn giáo viên và theo kế hoạch chỉ hơn 1 tháng nữa sẽ thực hiện khi vào năm học mới. Nhưng do vấp phải phản ứng nên nhiều đại biểu Quốc hội và một số chuyên gia cho rằng, không thể để Lịch sử là môn lựa chọn mà phải dạy bắt buộc.

Các ý kiến trái chiều gay gắt diễn ra trong hơn một tháng, là chủ đề nóng tại các phiên họp Quốc hội khiến cho việc chuẩn bị thực hiện chương trình ở các nhà trường phổ thông bị đình trệ. Nghị quyết Quốc hội kỳ họp thứ 3, QH khoá XV đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT phải lắng nghe ý kiến góp ý, xem xét điều chỉnh chương trình Lịch sử phù hợp. Nhưng với thiết kế như trên, thì quả là rất khó để có thể mang triển khai đại trà. Điều này cũng phá vỡ cấu trúc Chương trình THPT mới vốn xây dựng theo hướng mềm dẻo, phân hoá sâu, cho phép học sinh lựa chọn một số môn học khác nhau, tuỳ theo sở thích, định hướng nghề nghiệp tương lai.

Trong kế hoạch thực hiện chương trình môn Lịch sử của Chương trình GD phổ thông 2018 vừa được ký hôm 11.7, Bộ GD&ĐT quyết định môn Lịch sử sẽ có cả phần bắt buộc và lựa chọn. Theo đó, 100% học sinh sẽ phải học 52 tiết Lịch sử được chọn lọc từ nội dung 70 tiết của chương trình đã thiết kế. Những học sinh trước đây đã có định hướng chọn tổ hợp môn học có Lịch sử sẽ học chương trình 52 tiết và 35 tiết chuyên đề; còn những em có xu hướng chọn tổ hợp môn không có Lịch sử thì nay phải học bắt buộc 52 tiết nói trên và được bớt 1 trong 5 môn lựa chọn (chỉ chọn 4 môn).

Chương trình 52 tiết/năm học

Ban đầu, Bộ GD&ĐT có phương án xây dựng chương trình Lịch sử bắt buộc (bên cạnh chương trình lựa chọn) chỉ với 35 tiết/năm học, được chọn lọc từ chương trình 70 tiết/năm học. Các chuyên gia tham gia xây dựng môn Lịch sử cả cũ và mới (chương trình hiện hành và chương trình 2018) đã ngồi với nhau để tính toán nội dung nào cần đưa vào. Nhưng sau khi nghiên cứu thì các chuyên gia này cho rằng, thời lượng 35 tiết là không đủ, đề xuất cần có chương trình 52 tiết cho mỗi năm học (trung bình 1,4 tiết/tuần), tương đương với thời lượng môn Lịch sử ở chương trình cũ (hiện hành).

Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, thời điểm này phải cấp bách làm một số việc: Xây dựng, lựa chọn, điều chỉnh, thẩm định (chương trình 52 tiết/năm học), tổ chức hội thảo xin ý kiến các tổ chức, nhà khoa học, giáo viên, tập huấn cho cán bộ quản lý, giảng dạy cốt cán để triển khai. Khối lượng công việc lớn này phải hoàn thành trước 25.8, có nghĩa còn hơn 1 tháng để thực hiện.

Về mặt pháp lý, Bộ GD&ĐT sẽ phải ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT về ban hành chương trình GD phổ thông 2018 theo trình tự rút gọn để đảm bảo thời gian triển khai.

Nhiều câu hỏi cần giải đáp

Ngoài nỗi lo về chất lượng, còn nhiều vấn đề khác Bộ GD&ĐT cần làm rõ như sách giáo khoa cho chương trình 52 tiết/năm sẽ biên soạn thế nào, sử dụng sách giáo khoa cũ hay mới, hướng dẫn giáo viên cách chọn lọc, xây dựng bài giảng ra sao, xây dựng sách/tài liệu thế nào mới là phù hợp?

Nhưng bất cập lớn hơn lại nằm ở khâu triển khai thực hiện và áp lực dồn lên học sinh. Theo thiết kế chương trình mới, cấp THPT bắt buộc học 7 môn/hoạt động, nay thêm Lịch sử (52 tiết) nữa là 8 và cả 4 môn lựa chọn trong số các môn còn lại.

Khi chủ động xây dựng các tổ hợp môn học lựa chọn, tương ứng với cơ cấu lớp, nhiều trường đã đưa Tin học vào tất cả các tổ hợp (dạy 100% học sinh, như môn học bắt buộc). Một số môn thuộc “nhóm yếu thế” nay càng yếu thế hơn như Nghệ thuật (gồm 2 phân môn Mỹ thuật, Âm nhạc), Công nghệ... Các môn như Sinh, Địa lý, GD kinh tế & Pháp luật cũng ít lựa chọn hơn sau khi Lịch sử trở thành môn vừa bắt buộc vừa lựa chọn. Cơ cấu môn học sau khi điều chỉnh có thể nhìn thấy học sinh phải học nặng hơn trước và ít lựa chọn hơn.

Việc triển khai gấp gáp, và theo lịch tới ngày 20.9, Bộ GD&ĐT mới tổ chức tập huấn giáo viên cốt cán để triển khai chương trình Lịch sử điều chỉnh, trong khi năm học bắt đầu trước đó 2 tuần cũng là một bất cập đáng nói khác. Với điều chỉnh trên, tới đây các trường THPT sẽ phải xây dựng lại tổ hợp môn học từng đã công bố trước đó. Lại là một sự xáo trộn khi nhiều cơ sở đã thực hiện xong việc tuyển sinh, xếp lớp.

Chương trình GD phổ thông 2018 ở cấp THPT được kỳ vọng là mềm dẻo, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu người học, nhưng trên thực tế, chính các em lại là đối tượng không có nhiều quyền chọn lựa! 

KỲ THANH

Ý kiến bạn đọc