Đã đến lúc phải xử lý hình sự với tin đồn thất thiệt

VHO- Liên quan đến sự việc một số tài khoản mạng xã hội lan truyền thông tin cấm xuất cảnh đối với ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup đã gây ra những hệ lụy rất lớn không chỉ đối với doanh nghiệp này mà đối với cả nhà đầu tư và nền kinh tế đất nước. Hiện những cá nhân tung tin đồn đã bị xử lý vi phạm hành chính.

Rõ ràng hành vi tung tin đồn thất thiệt, sai sự thật này là với dụng ý xấu nhằm bôi nhọ hình ảnh, thương hiệu của Tập đoàn Vingroup và cá nhân ông Phạm Nhật Vượng.

 Minh chứng là cổ phiếu của tập đoàn này cũng như nhiều doanh nghiệp liên quan có phản ứng tiêu cực ngay tức thì. Điều này trực tiếp gây ra thiệt hại lớn cho cá nhân và doanh nghiệp, mặt khác, gián tiếp ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của cả nền kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy, hành vi này không đơn giản là vi phạm pháp luật mà còn nguy hiểm cho xã hội, gây nên nhiều hệ lụy, tổn thất khó có thể đong đếm được.

Chỉ trong vài năm gần đây, hàng trăm đối tượng đăng tin đồn thất thiệt đã bị lực lượng chức năng truy tìm và xử lý. Nhưng, với quy định hiện hành thì những kẻ tung tin đồn thất thiệt, bịa đặt này chỉ bị xử lý hành chính. Việc pháp luật quy định như vậy là chưa thỏa đáng, không đủ sức răn đe, phòng ngừa, đặc biệt là chưa tương xứng với thiệt hại mà hành vi này gây ra. Cụ thể, trong vụ việc nêu trên, Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Tô Vĩ Hoàn (38 tuổi) với mức phạt tiền là 7,5 triệu đồng. Mức phạt này là quá nhẹ khiến dư luận băn khoăn, không đồng tình vì tính chất, mức độ nguy hiểm cũng như hậu quả tiêu cực, thiệt hại rất lớn đối với xã hội.

Theo quy định hiện hành, hành vi xúc phạm danh dự, nhâm phẩm của người khác trên mạng xã hội nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với Tội làm nhục người khác tại điểm e, khoản 2 Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm đối với hành vi: “Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội”. Hoặc có thể xử lý về Tội vu khống theo điểm e khoản 2 Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015, bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm đối với hành vi: “e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội”.

Tuy nhiên, việc áp dụng riêng rẽ đối với hành vi này lại chưa được cụ thể, rõ ràng nên thường chỉ dừng lại xử lý vi phạm hành chính với mức phạt tiền mà ít khi chuyển sang xử lý hình sự. Vì vậy, đã đến lúc cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xem xét bổ sung hành vi này là tội phạm. Theo đó, căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi, nhất là hậu quả mà nó gây ra như thiệt hại về kinh tế, mức độ ảnh hưởng đến nền kinh tế, xã hội để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những kẻ liên quan.

Bởi đây là loại tội phạm mới, rất nguy hiểm do mức độ thiệt hại mà nó gây ra cho xã hội. Đó là chưa kể đến việc các thế lực thù địch, phản động nước ngoài lợi dụng mạng xã hội để tung tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng, thiệt hại cho các cá nhân có ảnh hưởng đến kinh tế đất nước, từ đó gây bất ổn đến tình hình kinh tế - xã hội, sự phát triển của đất nước. 

THS PHẠM VĂN CHUNG

Ý kiến bạn đọc