Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Thiết chế văn hóa nhìn từ rạp hát (Bài 3): 44 tỉnh, thành không có nhà hát, rạp chiếu phim

Thứ Sáu 22/07/2022 | 10:42 GMT+7

VHO- Qua nắm tình hình thực tế cũng như thực hiện khảo sát mini “bỏ túi” về thực trạng nhà hát, rạp chiếu phim trên 63 tỉnh, thành phố, các phóng viên Văn Hóa đã ghi nhận những con số đáng ngạc nhiên: Chỉ có 19/63 tỉnh, thành có nhà hát, rạp chiếu phim với các quy mô khác nhau, và có tới 44/63 tỉnh, thành không có nhà hát, rạp chiếu phim. Đây thực sự là những con số biết nói.

Nhà hát Cao Văn Lầu (Bạc Liêu), một thiết chế văn hóa hiện đại hiếm hoi ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long

Có cũng như không!

Ở những số báo trước, Văn Hóa đã đề cập thực trạng nhà hát, rạp chiếu phim tại hai trung tâm văn hóa, kinh tế lớn nhất nước là Hà Nội và TP.HCM. Trên mảnh đất văn vật ngàn năm, được tiếng là có hơn chục nhà hát, rạp chiếu phim nhưng đa phần xuống cấp trầm trọng (bao gồm cả thiết chế do Trung ương lẫn Thủ đô quản lý).

Đặc biệt, cho đến nay, không có lấy nổi một nhà hát hiện đại, chuyên nghiệp, có tầm cỡ, biểu tượng văn hóa cho Thủ đô và quốc gia, đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân, đồng thời hướng tới xây dựng một nền công nghiệp văn hóa.

Còn tại TP.HCM, cũng có một số nhà có thể gọi đó là nhà hát vì có chữ “Nhà hát...” treo ở trước cổng, còn khi vào trong thì không biết gọi nó là nhà gì với những chiếc ghế cũ kỹ, hư hỏng, nền gạch bong tróc, tường nhà ẩm thấp, mốc meo... Dù sao có còn hơn không, có những nhà hát nhưng không có... “nhà” để “hát”, quanh năm suốt tháng đôn đáo đi thuê, “cò kè bớt một thêm hai” với chủ nhà để may chăng còn dư vài trăm lẻ bồi dưỡng cho anh chị em nghệ sĩ luyện tập, biểu diễn. Ngoài Hà Nội và TP.HCM, 17 tỉnh, thành khác cũng có nhà hát, rạp chiếu phim: Phú Thọ, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Bạc Liêu.

Tuy nhiên, phần lớn các nhà hát, rạp chiếu phim của các tỉnh, thành nói trên có điểm chung là quy mô nhỏ lẻ hoặc đã xuống cấp trầm trọng. Chẳng hạn tại Khánh Hòa hiện có hai nhà hát công lập: Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống tại số 70 Sinh Trung, TP Nha Trang và Nhà hát của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng tại số 128 Hoàng Văn Thụ, nhưng cả hai vừa nhỏ, cơ sở vật chất đang xuống cấp. Trước đây còn có một số nhà hát, rạp chiếu phim thuộc Sở VHTT tỉnh quản lý, tuy nhiên hiện nay đã bị chuyển đổi công năng, giao đất, cơ sở vật chất cho đơn vị khác và doanh nghiệp. Hay như tại tỉnh Thừa Thiên Huế, dù là địa bàn thường xuyên diễn ra các sự kiện về văn hóa, nghệ thuật song hiện nay thiết chế văn hóa ở trung tâm TP Huế lại quá lạc hậu. Hiện chỉ có Nhà hát sông Hương thuộc Bộ VHTTDL, nằm ở trục đường Lê Lợi vừa được xây dựng mới và trang bị khá hiện đại, còn lại là Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh tại đường Hùng Vương, rạp chiếu phim Đông Ba, rạp Trần Hưng Đạo ở bờ Bắc sông Hương… đều là các cơ sở đã được xây dựng từ rất lâu, trang thiết bị đã xuống cấp và lạc hậu so với nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả.

Cụ thể, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh nằm ở vị trí đắc địa của TP Huế, đã được xây dựng từ năm 1978 và hoàn thành vào năm 1980. Qua hơn 42 năm đưa vào sử dụng, công trình đã bị xuống cấp, dù được đầu tư tu sửa nhưng kiểu “chắp vá”, không đồng bộ nên thiết chế này trở nên lỗi thời, lạc hậu. Nhiều sự kiện lớn của tỉnh, các chương trình văn hóa nghệ thuật quy mô được tổ chức ở đây, nhưng nhiều năm qua, vẫn chưa được quan tâm xây dựng hoàn chỉnh, xứng tầm cho địa phương nổi tiếng về di sản văn hóa như Thừa Thiên Huế. Rạp chiếu phim Đông Ba thì còn xưa cũ hơn, với “tuổi đời” cũng ngót ngét 70 năm. Dù được đầu tư nâng cấp, chỉnh trang nhưng với kinh phí chỉ “nhỏ giọt” giành cho việc sửa chữa cơ sở vật chất, chưa trang bị được máy chiếu hiện đại, nên nhiều năm nay, rạp Đông Ba chuyên chiếu phim nhân các sự kiện quan trọng của quốc gia, địa phương hoặc các tuần phim phục vụ lực lượng vũ trang, cựu chiến binh, học sinh sinh viên… Với công suất tối đa khoảng 200 ghế, rạp phim này mỗi tháng chỉ mở cửa từ 10-12 buổi, những ngày còn lại gần như bỏ phí.

Cũng nằm ven bờ Bắc sông Hương còn có rạp Trần Hưng Đạo, nay thuộc Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao TP Huế. Rạp Trần Hưng Đạo cũng trở thành “dĩ vãng” của nhiều người dân Huế, bởi những năm sau này gần như chỉ sử dụng để phục vụ các chương trình văn hóa nghệ thuật, hoặc các sự kiện của địa phương. Công trình dù nằm ở vị trí đắc địa tại Huế nhưng quy mô, trang thiết bị, cơ sở vật chất cũng rơi vào cảnh lỗi thời, xuống cấp. TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT trăn trở: Hệ thống thiết chế văn hóa của tỉnh Thừa Thiên Huế còn rất khiêm tốn, chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển và tổ chức các hoạt động văn hóa; đặc biệt là thiết chế nhà hát, hệ thống bảo tàng, trung tâm văn hóa… xuống cấp, lạc hậu, manh mún, không xứng tầm của một “thành phố văn hóa và du lịch thông minh”, một trung tâm văn hóa như Cố đô Huế.

Còn tại TP Cần Thơ, địa phương này chỉ duy nhất có Nhà hát Tây Đô. Được xây dựng từ năm 1972, Nhà hát hiện đã xuống cấp trầm trọng. Hiện tại nơi đây định kỳ hằng tháng diễn ra chương trình nghệ thuật “Dạ cổ cầm thi” để phục vụ nhân dân, ngoài ra dùng cho các hoạt động hội họp.

Trong 44 tỉnh không có nhà hát, rạp chiếu bóng còn lại thì cũng có thể phân thành hai loại: Thứ nhất, có những địa phương từ trước tới nay gần như chưa có như ở một số tỉnh Tây Nguyên: Đắk Lắk, Đắk Nông hoặc một số tỉnh ở miền Tây Nam Bộ như Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng... Thứ hai, có những địa phương trước đây có nhưng nay bị “xóa sổ” do xuống cấp trầm trọng hoặc chuyển đổi công năng, phá bỏ, giao đất cho doanh nghiệp để xây trung tâm thương mại như ở tỉnh Ninh Thuận, Hậu Giang, Tiền Giang... Trên thực tế, đối với một số tỉnh không có nhà hát, rạp chiếu bóng cũng không đồng nghĩa không có nơi để tổ chức biểu diễn các chương trình văn hóa, nghệ thuật. Thay vào đó, các chương trình này thường được tổ chức lưu động tại chợ, sân vận động hoặc tại Hội trường, Trung tâm Văn hóa, Nhà Văn hóa lao động của tỉnh. Chẳng hạn, tại Đồng Tháp, Giám đốc Sở VHTTDL Nguyễn Ngọc Thương cho biết: “Đồng Tháp hiện chưa có nhà hát. Hoạt động biểu diễn nghệ thuật tổ chức tại Trung tâm Văn hóa và Nhà Văn hóa Lao động tỉnh. Thế nhưng hai nơi biểu diễn này không đúng với quy mô cấp tỉnh. Trung tâm Văn hóa thì quy mô rất nhỏ, không đáp ứng được yêu cầu”.

Còn tại tỉnh Cà Mau, theo Giám đốc Sở VHTTDL Trần Thiếu Hùng, địa phương không có nhà hát, chỉ có hội trường biểu diễn. “Cà Mau cũng không có nhà thi đấu, cũng không có nhà bảo tàng. Các hoạt động trưng bày hiện vật phục vụ tại phòng thư viện và thực hiện lưu động”, Giám đốc Sở VHTTDL Cà Mau cho biết.

 Trung tâm Văn hóa nghệ thuật Kinh Bắc, một trong những thiết chế văn hóa đang phát huy hiệu quả của tỉnh Bắc Ninh

Nên như thế nào?

Muốn xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, ngoài vấn đề sống còn nhân lực, vật lực thì không thể không tính đến hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao, trong đó có nhà hát, rạp chiếu phim. Nên chăng cần có một cuộc khảo sát, thống kê, đánh giá trên phạm vi toàn quốc về thực trạng này, từ đó xây dựng bản đồ quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao của cả nước theo hướng làm sao vừa phát huy được hiệu quả, công năng, đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật chính đáng của nhân dân, vừa không bị lãng phí.

Nói riêng về nhà hát, rạp chiếu bóng cũng vậy. Đối với Hà Nội, TP.HCM và các thành phố trực thuộc Trung ương đã đành, nhưng đối với các tỉnh, thành nguồn ngân sách còn eo hẹp, địa bàn miền núi, vùng xa, địa bàn dân cư còn ít, không tập trung... thì có nhất thiết phải có nhà hát, rạp chiếu bóng không? Nếu có thì rất có thể hoạt động không hết công suất, sẽ lãng phí. Nếu không, người dân thưởng thức các chương trình văn hóa, nghệ thuật ở đâu? Chẳng lẽ quanh năm suốt tháng ở chợ, sân vận động, hội trường? Rõ ràng, tùy từng vùng miền, từng địa phương, từ đặc điểm địa lý đến đặc trưng văn hóa, khu dân cư mà thiết kế, xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao cho phù hợp, phát huy hết công năng và không bị lãng phí. Đó cũng là lý do mà một số địa phương đang triển khai theo hai hướng: Xã hội hóa các thiết chế văn hóa - thể thao hoặc xây dựng các trung tâm văn hóa nghệ thuật đa năng.

Nói riêng về xã hội hóa. Đây là cách mà hiện rất nhiều địa phương đang áp dụng. Những nhà hát, rạp chiếu bóng xập xệ bị phá bỏ, đất vàng được giao cho doanh nghiệp để xây dựng các trung tâm thương mại, trong đó có rạp chiếu phim tư nhân hiện đại. Không ai nghi ngờ về tính hiện đại, chuyên nghiệp những rạp chiếu phim nằm trong những trung tâm thương mại- giải trí hoành tráng do tư nhân làm chủ, nhưng phục vụ ai và ai được phục vụ thì phải xem lại. Có lẽ đây là bài giải thiên về kinh tế hơn là văn hóa. Các rạp này liệu có phục vụ các nội dung mang tính tuyên truyền, giáo dục hay không hay chỉ đơn thuần giải trí thu tiền? Đông đảo nhân dân có vào đây không hay chỉ chuyên cho một bộ phận nào đó? Rõ ràng, câu hỏi cũng là câu trả lời.

Còn về các trung tâm biểu diễn văn hóa nghệ thuật đa năng, được hiểu là nơi tổ chức biểu diễn nhiều loại hình, loại thể nghệ thuật khác nhau, nhằm đáp ứng yêu cầu phong phú của đông đảo khán giả là hướng đi phù hợp nhất trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, thiết kế sao cho hiệu quả là vấn đề đáng lưu tâm. Đề cập vấn đề này, NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM cho rằng, xây dựng các trung tâm biểu diễn văn hóa nghệ thuật đa năng là hướng đi tốt. Tuy nhiên, không nên xây dựng theo kiểu nửa hội trường, nửa sân khấu, rất khó khai thác, vô hình chung bị lãng phí. Tương tự, đạo diễn Lê Quý Dương, Uỷ viên BCH Hiệp hội Sân khấu Thế giới - ITI/UNESCO cho rằng: Các thiết chế văn hóa nói chung và đặc biệt là hệ thống nhà hát, trung tâm nghệ thuật biểu diễn ở các tỉnh, thành hiện được quy hoạch, đầu tư và sử dụng chưa thực sự hợp lý để phục vụ một cách hiệu quả nhất cho nhu cầu sáng tạo và dàn dựng chương trình của các đạo diễn, nghệ sĩ biểu diễn cũng như nhu cầu thưởng thức ngày càng đa dạng của khán giả. Một trong những nguyên nhân là các chuyên gia am hiểu về thiết kế và kỹ thuật nhà hát, các đạo diễn và nghệ sĩ biểu diễn nhiều kinh nghiệm, dường như chưa và không có cơ hội chính thức được tham gia tư vấn, trao đổi, đề xuất trong quá trình hình thành và triển khai các dự án thiết kế và thi công. Thứ nữa là việc quy hoạch và đầu tư xây dựng các nhà hát và trung tâm biểu diễn nghệ thuật dường như chưa được nghiên cứu, khảo sát và thiết kế phù hợp với bản sắc văn hóa, đặc trưng nghệ thuật của từng địa phương, từng vùng văn hóa, dẫn tới việc hầu như các nhà hát và trung tâm biểu diễn đều được xây dựng giống nhau, trong khi mục đích sử dụng ở từng nơi lại rất khác nhau.

Đó cũng là ý kiến của TS Trần Thị Minh Thu, Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Theo TS Minh Thu, thiết chế nhà hát hiện nay của ta rất lạc hậu, tụt hậu so với các nhà hát hiện đại của quốc tế. Các nước họ có những trung tâm nghệ thuật biểu diễn đa năng có thể đáp ứng cho từng loại hình nghệ thuật từ hiện đại đến truyền thống, đồng thời ở các trung tâm nghệ thuật này còn có nhiều dịch vụ khác như vui chơi giải trí, mua sắm, ăn uống... tạo mọi điều kiện để người xem được đáp ứng một cách đầy đủ, thoải mái nhất. Hệ thống các thiết chế văn hóa, trung tâm trình diễn nghệ thuật đa năng phải được nhìn nhận như một phần cơ hữu của ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, bảo tồn các giá trị lịch sử, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy tính sáng tạo, cung ứng các loại hình nghệ thuật, góp phần phát triển du lịch. 

Theo Quyết định số 45/2008/QĐ-TTg ngày 28.3.2008, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển nghệ thuật biểu diễn Việt Nam đến năm 2010, Việt Nam sẽ có 23 nhà hát, trung tâm biểu diễn nghệ thuật. Trong đó, đáng chú ý là hai công trình nhà hát đa năng được đầu tư với quy mô lớn (khoảng 5.000 chỗ ngồi), hiện đại tại Hà Nội và TP.HCM.

Tiếp đó, ngày 19.8.2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1456/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Quy hoạch có đề ra mục tiêu xây dựng, từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển nghệ thuật biểu diễn; rà soát nâng cấp, cải tạo một số nhà hát đang xuống cấp tại các địa phương, tập trung đầu tư nâng cấp và trang bị mới hệ thống phương tiện kỹ thuật phù hợp; và xây dựng trung tâm biểu diễn nghệ thuật hiện đại. Tuy nhiên, việc thực hiện quy hoạch của Chính phủ, do nhiều nguyên nhân khác nhau, còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

 SÔNG THAI - THÚY HIỀN - THÙY TRANG - SƠN THUỲ

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top