Làng thuốc Nam xứ Quảng

VHO- Làng Phường Củi (thôn Trà Đóa, xã Bình Đào, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) nổi tiếng là nơi có nhiều cây thuốc Nam gia truyền và các loại cây lá “mùng 5” dùng để nấu nước vào dịp Tết Đoan ngọ - thức uống đặc trưng của người dân xứ Quảng Nam.

Làng thuốc Nam xứ Quảng - Anh 1

 Thu hoạch, trung chuyển thuốc Nam từ ruộng về

Quanh năm, cao điểm nhất là những ngày gần Tết Đoan ngọ, cả làng nhộn nhịp thu hoạch cây thuốc, tấp nập thương lái khắp nơi vào ra thu mua các loại cây lá “mùng 5” mang đi tiêu thụ trong cả nước.

Các bậc cao niên trong làng cho biết, đến giờ vẫn chưa ai rõ nghề trồng cây thuốc Nam của làng Phường Củi có từ khi nào. Xứ này vốn nổi danh với đặc sản khoai lang Trà Đóa. Tương truyền rằng, xưa làng là nơi thương lái ghe bầu xứ Quảng tới lui buôn bán, lấy nước ngọt, thu mua khoai lang, gạo nên có tên là “Phường Củi”. Ngoài ra, làng cũng có nhiều cái tên được gọi theo giới ghe bầu như Giếng Lách, Đồng Lành… Cứ vào khoảng giữa tháng 4 Âm lịch, làng bắt đầu vào vụ thu hoạch cây lá thuốc để bán vào Tết mùng 5 tháng 5. Dịp này, các thương lái ghe bầu cũng tấp nập đến thu mua thuốc mang đi bán lại khắp nơi. Nghề trồng cây thuốc Nam cứ thế phát triển, tiếp nối đến ngày nay.

Hiện tại, vườn nhà của người dân trong làng bao giờ cũng trồng các loại cây thuốc, thảo mộc như hoắc hương, rẻ quạt, rễ tranh sang, cam thảo dây, cam thảo đất, chè cát, măng sợi, cây hoa khóm… Ngoài ra, còn có nhiều loại cây dân dã dùng làm nguyên liệu nấu nước lá “mùng 5” - thức uống không thể thiếu của người xứ Quảng vào dịp Tết Đoan ngọ, có tác dụng chữa bệnh, thanh nhiệt, rất tốt cho sức khỏe.

Làng thuốc Nam xứ Quảng - Anh 2

 Những vườn cây lá thuốc ở Phương Củi được canh tác sạch, không sử dụng chất hóa học, chỉ dùng phân hữu cơ tự nhiên để tưới bón, chăm sóc

Người làng Phường Củi cho biết, những vườn cây lá thuốc đều được canh tác sạch, không sử dụng chất hóa học, chỉ dùng phân hữu cơ tự nhiên để tưới bón, chăm sóc. Nhiều loại cây khó chăm, phải vun trồng trên đất thịt, không lẫn đất cát, cộng với khí hậu, nước, thổ nhưỡng đặc trưng của làng, cũng như sự kỳ công tỉ mẩn của người trồng, không để quá nắng hay mưa nhiều thì mới ra hương vị đặc trưng, dược tính trong cây lá cũng cao và có tác dụng chữa bệnh nhiều hơn.

Có lẽ, chính vì những đặc trưng ấy, mà lá “mùng 5” của làng trở thành đặc sản có thương hiệu. Từ chỗ chỉ trồng cây thuốc Nam làm nguyên liệu nấu nước “mùng 5” bán vào dịp Tết Đoan ngọ, đến nay ngày càng nhiều thương lái đã tìm đến Phường Củi thu mua cây thuốc. Cùng với đó, nhu cầu tiêu thụ thuốc Nam của thị trường cũng ngày càng nhiều nên người làng chuyển sang trồng quanh năm, thu nhập từ cây thuốc cũng cao và ổn định, đảm bảo được kinh tế gia đình.

Anh Nguyễn Tấn Hùng, một người dân ở làng Phường Củi cho biết, vài năm trở lại đây, sức tiêu thụ lá “mùng 5” và các loại cây lá thuốc Nam rất mạnh, bán được giá cao hơn so với trước nên nhiều người dân đã chuyển đất trồng lúa sang trồng thuốc. So về kinh tế giữa trồng lúa và màu thì trồng cây thuốc mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Bình quân mỗi sào đất trồng thuốc Nam có thể thu nhập từ 25-30 triệu đồng/vụ, trong khi với chừng đó diện tích thì trồng lúa chỉ thu về khoảng 15 triệu đồng/vụ. Thời gian trồng cây thuốc Nam chỉ hơn 3 tháng là cho thu hoạch, nhưng thu nhập gấp đôi trồng lúa, nhiều gia đình có cả hecta đất trồng thuốc, thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi vụ.

Cùng với nghề trồng thuốc Nam, người dân ở các bìa rừng nơi các vùng quê Quảng Nam cũng có thêm công việc đi hái lá “mùng 5” để các thương lái đến thu gom mang đi phân phối các nơi. Có nhiều loại lá thuốc quý hiếm, khó trồng, người ta phải lặn lội vào những cánh rừng sâu để thu thập, tìm hái. Nghề hái lá giúp họ có thêm những khoản thu nhập đáng kể ngoài việc đồng áng. 

 Lá “mùng 5” là tên gọi chung cho tất cả các loại nguyên liệu để nấu nên một nồi nước lá như một thức uống truyền thống không thể thiếu của người dân xứ Quảng vào dịp mùng 5 tháng 5 Âm lịch. Tết Đoan ngọ của người xứ Quảng, ngoài các món đặc trưng như thịt vịt, bánh ú, bánh tro, tào xá, không thể thiếu ấm nước nấu bằng nhiều loại cây thuốc Nam như: Lá hoa trinh nữ, bầu đường (tác dụng an thần, giúp ngủ ngon); cây đậu sen, mã đề, rau mơ, cỏ ống (tác dụng lợi tiểu, bổ thận, giải nhiệt); cây é, tía tô, rau tần, bạc hà (tăng cường sức đề kháng, phòng cảm cúm). Ngoài ra còn nhiều loại thảo mộc có dược tính như cây hoa khóm, hoắc hương, rẻ quạt, cam thảo dây, cam thảo đất, măng sợi, chè cát, rễ tranh săng… có tác dụng chữa, phòng ngừa bệnh, rất tốt cho sức khỏe, giảm mỏi mệt

 THU HOÀI

Ý kiến bạn đọc