Cần loại bỏ xúc động theo mẫu, tưởng tượng theo khuôn và tình cảm theo quy định

VHO- “Giáo dục Lịch sử là dạy cho học sinh những trải nghiệm, chứ không chỉ riêng tri thức; còn đối với môn Ngữ văn, cần loại bỏ xúc động theo mẫu, tưởng tượng theo khuôn và tình cảm theo quy định”, là khẳng định của đại diện Bộ GD&ĐT tại hội thảo Đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn, môn Lịch sử ở trường phổ thông được tổ chức mới đây, tại TP Hải Phòng.

Cần loại bỏ xúc động theo mẫu, tưởng tượng theo khuôn và tình cảm theo quy định - Anh 1

 

 Cần tạo điều kiện cho học sinh tự biểu đạt chính kiến của mình về các vấn đề Lịch sử (ảnh minh họa)

Có một thực tế là Lịch sử và môn Ngữ văn - những môn học cần rất nhiều cảm xúc, nhưng lâu nay lại được dạy và học theo kiểu thuộc lòng, tràng giang đại hải, ôm đồm kiến thức khiến người học mệt mỏi, chán nản, thậm chí coi như “cực hình”, dẫn đến kết quả là có những kỳ thi, tỷ lệ học sinh đạt điểm dưới trung bình môn Lịch sử rất cao. Riêng đối với môn Ngữ văn, vốn giàu trí tưởng tượng và tư duy hình tượng, nhưng lại bị “nhét” vào khuôn mẫu sáo rỗng, cùn mòn. Có bài kiểm tra Ngữ văn cả lớp làm y như nhau, đến từng dấu ngắt câu, vì tất cả cùng sao chép trong văn mẫu của thầy cô. Văn mẫu trở thành vũ khí đắc lực để thí sinh sử dụng triệt để nhằm vượt qua các kỳ thi một cách an toàn. Ngay cả giáo viên cũng không muốn mở ra những “chân trời mới” cho trí tưởng tượng của học sinh, vì sợ khi đi thi, bài làm của các em không khớp với barem thì sẽ không đạt điểm tốt.

Về môn Lịch sử, tại Hội thảo, các đề xuất tập trung vào việc đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy môn học này cần gắn chặt mục tiêu “dạy chữ”, “dạy người” và định hướng nghề nghiệp ở trường phổ thông; những biện pháp đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Lịch sử đảm bảo hiệu quả việc thay đổi từ chương trình tập trung vào nội dung sang chương trình hướng đến hình thành và phát triển năng lực của học sinh. Bên cạnh đó, cần đổi mới việc ra câu hỏi kiểm tra đánh giá nhằm khai thác các nguồn sử liệu, tranh ảnh, lược đồ, câu hỏi mở tạo điều kiện cho học sinh tự biểu đạt chính kiến của mình về các vấn đề Lịch sử, từng bước đánh giá phẩm chất và năng lực học sinh, khắc phục tình trạng ghi nhớ sự kiện một cách máy móc, thuộc lòng…

TS Nguyễn Đức Cương (Trường ĐHSP Huế) nhận định, cốt lõi của vấn đề là đổi mới về nhận thức, tư tưởng dạy học Lịch sử như thế nào, nó là cơ sở để đổi mới phương pháp và kiểm tra đánh giá. “Nếu ta không nhìn nhận đúng thì tất cả các bước thực hiện trong quá trình từ xác định mục tiêu dạy học tới thực hiện các bước dạy học sẽ không đạt mục tiêu”, ông Cương nhấn mạnh.

Một sáng kiến được nhiều học sinh trường THPT Yên Khánh A, huyện Yên Khánh (Ninh Bình) khen ngợi, đó là “Một số giải pháp mới trong dạy - học Ngữ văn bằng hình thức trải nghiệm sáng tạo, gắn với lịch sử, văn hóa địa phương” của thầy Phan Sỹ Quý, giáo viên dạy Ngữ văn của trường. Thầy Quý đã khéo léo lồng ghép các hoạt động trải nghiệm thực tế vào bài học lý thuyết để hình thành các chủ đề như: Tập làm hướng dẫn viên du lịch (dựa theo các bài học về Văn thuyết minh ở chương trình Ngữ văn lớp 10) và Em tập làm phóng viên (dựa theo các bài học về Phong cách ngôn ngữ báo chí ở chương trình Ngữ văn 11). Bằng cách chọn các hoạt động trải nghiệm lịch sử, văn hóa tại chính địa bàn huyện Yên Khánh - nơi học trò sinh ra và lớn lên, thầy Quý đã giúp các em hiểu sâu về phong tục, truyền thống văn hóa, từ đó bồi đắp tình yêu, ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của quê hương. Đây chính là cách đổi mới từ người thầy, từ phương pháp dạy học để kiến thức được truyền cho học sinh một cách tự nhiên và được các em tiếp thu một cách chủ động, hiệu quả.

Việc đổi mới dạy và học môn Lịch sử, Ngữ văn được xác định là phải từ người thầy. Đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định, giáo viên phải là người đổi mới trước - 1,6 triệu người có đổi mới thì mới thuyết phục được mấy chục triệu người đổi mới theo. 

HOÀNG HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc