Nhiều hộ dân ở​​​​​​​ TP Kon Tum sau 25 năm chưa được cấp "sổ đỏ": Chính quyền vẫn đang giải quyết để “có lý có tình”

VHO- Năm 1997, để giải quyết nhu cầu về đất ở cho các hộ dân thiếu đất tại thôn Kon Tum Knâm, UBND phường Thống Nhất, thị xã Kon Tum (nay là TP Kon Tum) xin chủ trương di dời mồ mả tại khu nghĩa trang của thôn để san ủi mặt bằng và tiến hành cấp đất cho 16 hộ dân thiếu đất sản xuất trong thôn.

Nhiều hộ dân ở​​​​​​​ TP Kon Tum sau 25 năm chưa được cấp

 Sau 25 năm được cấp đất, hiện 16 hộ dân thuộc diện giãn dân ở phường Thống Nhất, TP Kon Tum vẫn chưa được cấp “sổ đỏ”

Sau 25 năm, vì nhiều nguyên nhân đến nay những hộ dân này vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của các hộ dân.

Tuy nhiên, để được cấp “sổ đỏ”, người dân phải đóng một khoản tiền rất lớn, vượt khả năng của các hộ nghèo, đồng bào DTTS, khiến chính quyền địa phương loay hoay tìm cách tháo gỡ.

Năm 1997, do thiếu đất ở, đất sản xuất, chị Y Hyơn ở thôn Kon Tum Knâm được UBND phường Thống Nhất cấp đất để ổn định đời sống. Hai năm sau, gia đình chị tiến hành xây dựng căn nhà cấp 4 để có nơi ở, sinh hoạt. Đã 23 năm trôi qua, căn nhà đã xuống cấp nghiêm trọng, dột, nát và trở nên chật chội so với số lượng 9 nhân khẩu trong gia đình. Mặc dù biết rằng ở trong căn nhà như vậy sẽ nguy hiểm, nhưng việc sửa chữa lại nằm ngoài tầm tay của gia đình. Nguyên nhân bởi điều kiện kinh tế khó khăn, và quan trọng nhất, đến nay diện tích đất và nhà ở của gia đình chị vẫn chưa được cấp “sổ đỏ”.

Tương tự, chị Y Bech ở hẻm 7/8 Ngô Quyền, phường Thống Nhất, TP Kon Tum cũng nằm trong số 16 hộ dân được cấp đất năm 1997. Chị Y Bech tâm sự: “Rất khó khăn về kinh tế vì xoay sở không được, rồi không biết sau này con cháu mình sẽ sống ra sao, nếu có sổ đỏ thì mình yên tâm hơn. Không có sổ, vay vốn nhà nước cũng không được nữa. Nếu có sổ đỏ thì được vay vốn, con cháu mình đi học, rồi làm ăn cũng được”.

Theo UBND phường Thống Nhất năm 2007-2008, UBND phường Thống Nhất triển khai cho các hộ dân nơi đây tiến hành làm hồ sơ, thủ tục để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thế nhưng, việc này đến nay vẫn chưa được hoàn thành. Đến năm 2010, một lần nữa, UBND phường Thống Nhất lại tiến hành đo đạc, xác định diện tích của từng hộ. Tuy nhiên, việc tiến hành cấp “sổ đỏ” cho các hộ dân vẫn còn gặp nhiều rào cản, khó khăn.

Ông Phạm Văn Dũng, Chủ tịch UBND phường Thống Nhất cho biết, nguyên nhân chính khiến các hộ dân phải chờ đợi từ năm 1997 đến nay là bởi ngay từ đầu việc giao đất giãn dân cho các hộ không được thực hiện đúng quy trình. Cụ thể, việc cấp đất cho các hộ giãn dân tại khu nghĩa địa cũ của UBND phường trước đây chỉ giao trên thực địa, không có quyết định giao đất, không có biên bản giao nhận. Không chỉ vậy, tại thời điểm đó, theo quy định của Luật Đất đai, việc giao đất ở tại đô thị thuộc thẩm quyền của tỉnh chứ không phải của phường. Bởi vậy, để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng, các hộ dân này phải nộp tiền sử dụng đất.

Cũng theo Chủ tịch UBND phường Thống Nhất, đầu tháng 8 vừa qua, đại diện UBND TP Kon Tum và lãnh đạo UBND phường đã có buổi làm việc với các hộ dân để hướng dẫn làm thủ tục cấp “sổ đỏ”. Qua buổi làm việc, các hộ dân đã thống nhất, nhưng vướng mắc hiện nay là số tiền thu sử dụng đất quá nhiều, trong khi điều kiện của người dân đang gặp khó khăn. “Đơn giá tiền sử dụng đất trên địa bàn phường Thống Nhất hiện nay thấp nhất là 800 nghìn đồng/m2, cao nhất là hơn 4 triệu đồng/m2. Trong khi đó, diện tích được cấp cho người dân nhiều, ước tính mỗi hộ sẽ phải nộp số tiền sử dụng đất khoảng từ 400 triệu đồng đến gần 1 tỉ đồng. Trên thực tế, hầu hết các hộ này đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cho nên việc phải nộp số tiền lớn như vậy là rất khó”, ông Dũng nói.

NGỌC HÒA

Ý kiến bạn đọc