Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Những đảng viên trao truyền giá trị di sản văn hóa (Bài cuối): Những người “tiếp lửa”​​​​​​​ cho Nhã nhạc cung đình Huế và hát Xoan

Thứ Hai 22/08/2022 | 11:31 GMT+7

VHO- Không chỉ Quan họ Bắc Ninh, Đờn ca tài tử, Nhã nhạc cung đình Huế, hát Xoan và nhiều di sản văn hóa phi vật thể khác của dân tộc đang được lớp lớp nghệ nhân, trong đó có nhiều đảng viên, nỗ lực gìn giữ và trao truyền. Họ chính là những người đưa chủ trương, đường lối về văn hóa của Đảng vào cuộc sống, để bảo tồn và phát huy những tài sản vô giá tổ tiên để lại, như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

 Chương trình biểu diễn Nhã nhạc cung đình trong dịp Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm khu di sản Huế đầu tháng 8 vừa qua

 Miệt mài truyền nghề

Gần 20 năm sau khi được UNESCO ghi danh là Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, Nhã nhạc cung đình Huế đã được nhiều thế hệ nghệ nhân, trong đó có nhiều đảng viên, “tiếp lửa”, trao truyền, lan tỏa và mang lại nhiều thành công trên bình diện trong nước và quốc tế. Một trong số những đảng viên tiêu biểu ấy là nhạc công Huỳnh Đức Tiễn.

Hằng ngày, nếu không tham gia các suất diễn của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế, anh Tiễn lại có mặt tại căn phòng tập để truyền nghề cho các nhạc công trẻ. Lúc thì anh hướng dẫn bạn này cách đánh trống bản, lúc thì bày cho bạn kia các kỹ thuật diễn tấu đàn tam, đàn nguyệt, đàn tỳ… Một mình anh biểu diễn thành thục đến 7 loại nhạc cụ truyền thống, phần lớn là các nhạc cụ trong dàn nhạc cung đình. NSƯT Hoàng Trọng Cương, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế đánh giá, Huỳnh Đức Tiễn được xem là “truyền nhân” của các nhạc công cây đa cây đề trong Đoàn nghệ thuật Hòa Thanh - chuyên biểu diễn Nhã nhạc cung đình.

Không xuất thân từ gia đình có “vốn liếng” nghệ thuật, nhưng anh Tiễn lại đam mê các giai điệu, tiết tấu của âm nhạc dân gian. May mắn, anh đỗ vào lớp Nhạc công truyền thống khóa đầu tiên (1995-1998) của Trường Trung cấp VHNT Thừa Thiên Huế rồi về công tác tại Đoàn nghệ thuật truyền thống của tỉnh ngay sau khi ra trường. “Thời điểm đó, tôi may mắn được trực tiếp theo học các nghệ nhân, nhạc công hàng đầu như các cụ Trần Kích, Nguyễn Mạnh Cẩm, Trần Thảo… Trong đó, hai cụ Trần Kích và Mạnh Cẩm được xem là “báu vật” của Nhã nhạc cung đình xưa. Những kinh nghiệm, “ngón nghề” học được, tôi lại tiếp tục trao truyền cho các thế hệ trẻ sau này”, anh Huỳnh Đức Tiễn kể.

Năm 2005, khi được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng, nhạc công Huỳnh Đức Tiễn càng nhận thức sâu sắc hơn nhiệm vụ bảo tồn giá trị văn hóa của dân tộc; xây dựng và phát triển văn hóa làm động lực cho phát triển kinh tế, xã hội. Nhiều năm liền, không chỉ truyền nghề trong nhà hát, anh còn trực tiếp giảng dạy tại các lớp học âm nhạc truyền thống tại Trường Trung cấp VHNT tỉnh.

Ngay sau khi được UNESCO vinh danh, Bộ VHTTDL đã hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lớp truyền dạy Nhã nhạc (khóa 2003-2008) cho 20 học viên “nòng cốt” để gìn giữ và phát huy di sản. Khóa đào tạo do các nghệ nhân Lữ Hữu Thi, Trần Kích… truyền nghề và nhạc công Huỳnh Đức Tiễn là gương mặt trẻ hiếm hoi được mời đứng lớp.

Anh Tiễn chia sẻ, “Nhã nhạc cung đình Huế là di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được UNESCO ghi danh, dù mang tính chất lễ nghi và nghiêm trang nhưng nếu hiểu và yêu di sản này thì các bạn trẻ sẽ dễ dàng tiếp cận và biểu diễn. Tôi đang đề xuất Nhà hát mở chương trình truyền dạy về Nhã nhạc trong trường học để gieo tình yêu di sản cho các em và cũng là cơ hội trao truyền Nhã nhạc cho các nghệ nhân, nhạc công tiềm năng trong tương lai”.

Nói về nhạc công Huỳnh Đức Tiễn, NSƯT Hoàng Trọng Cương cho biết, đây là một nhạc công giỏi, đồng thời là một đảng viên gương mẫu luôn đi đầu và vận động quần chúng thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước. Anh đã nỗ lực cùng với đơn vị đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa Huế nói chung cũng như di sản Nhã nhạc cung đình Huế nói riêng.

 Ông Bùi Xuân Đông đã dày công gây dựng CLB hát Xoan tại xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy (Phú Thọ)

Nhiều biện pháp hỗ trợ các “báu vật nhân văn sống”

Nếu những nhạc công như anh Huỳnh Đức Tiễn đang ngày đêm trao truyền các giá trị của Nhã nhạc cung đình Huế, thì ở tỉnh Phú Thọ cũng có những đảng viên dồn tâm, sức suốt nhiều năm để phát huy giá trị của một di sản văn hóa phi vật thể khác - nghệ thuật hát Xoan. Có thể kể đến ông Bùi Xuân Đông, thường được bà con xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy nhắc đến với cái tên đầy thân thương: “Ông Đông hát Xoan”.

Đào Xá có 7 CLB hát Xoan, trong đó có một CLB cấp tỉnh quản lý và 6 CLB ở các khu dân cư do xã và huyện quản lý, tất cả đều do ông Đông gây dựng, hướng dẫn, truyền nghề. Là một đảng viên kỳ cựu, ông Bùi Xuân Đông đã có 34 năm công tác trong quân đội. Thời gian tại ngũ, ông thường xuyên đưa hát Xoan và một số hình thức văn nghệ dân gian vào công tác văn hóa - văn nghệ của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Nghỉ hưu từ năm 2009, ông lập tức tham gia các đợt tập huấn về hát Xoan tại tỉnh Phú Thọ. Đặc biệt từ sau khi hát Xoan được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2017, ông Đông lại càng tích cực hơn trong việc gây dựng phong trào tại địa phương. Để thành lập được CLB hát Xoan, ông Đông phải đích thân đi vận động từng người một. Mới đầu một số bà con cũng chưa nhiệt tình hưởng ứng, nhưng ông Đông đã thuyết phục, tuyên truyền về cái hay, cái đẹp của hát Xoan, nên họ dần ý thức được vai trò quan trọng của việc bảo tồn, phát huy di sản của quê hương và đồng ý tham gia CLB. Vừa vận động, ông vừa mày mò tìm cách làm sao để có thể truyền dạy hát Xoan cho dễ học, dễ làm theo nhất. CLB hoạt động ổn định, ông liền làm hồ sơ trình xã ra quyết định thành lập, sau đó tổ chức buổi ra mắt, giao lưu...

Để có kinh phí hoạt động, lúc bắt đầu thành lập, ông tự bỏ tiền mua sách, tăng âm, loa đài, đạo cụ... Khi đã hoạt động ổn định, mỗi lần tổ chức đi diễn trên tỉnh, CLB được địa phương hỗ trợ kinh phí; còn giao lưu trong huyện, xã hay giữa các CLB với nhau thì sẽ do các thành viên tự đóng góp hoặc các cá nhân, tập thể có điều kiện tài trợ.

Nói về những đảng viên nhiệt huyết, năng nổ như ông Bùi Xuân Đông, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy đánh giá, họ đã phát huy vai trò xung kích trong việc bảo tồn, trao truyền nghệ thuật hát Xoan. Sau khi được UNESCO ghi danh, tỉnh Phú Thọ đã ban hành “Đề án gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể hát Xoan giai đoạn 2020-2025”, trong đó có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các nghệ nhân, như xét tặng danh hiệu, thưởng 5 triệu đồng cho những người được phong “Nghệnhân hát Xoan Phú Thọ”; chi bồi dưỡng hằng ngày cho những “báu vật nhân văn sống” và học viên tham gia các lớp truyền dạy, đào tạo. “Các cấp chính quyền luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi, khuyến khích các nghệnhân phát huy tốt vai trò chủthểthực hành, trình diễn, truyền dạy hát Xoan”, ông Nguyễn Đắc Thủy nhấn mạnh.

Và không chỉ có Phú Thọ, nhiều địa phương khác trên dải đất hình chữ S, chính quyền, nhân dân - trong đó có vai trò gương mẫu, đi đầu của các đảng viên - đã luôn nỗ lực để “nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa của dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát triển”, như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, tổ chức vào ngày 24.11.2021, tại Hà Nội. 

THU SÂM - SƠN THÙY - TRÚC MAI

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top