ĐBQH Bùi Hoài Sơn: Cần hướng tới việc tôn vinh áo dài nam một cách hiệu quả và thực chất

VHO- "Thay vì luật hoá hay có những quy định quá cứng nhắc về trang phục áo dài nam truyền thống, có lẽ chúng ta cần hướng tới việc tôn vinh áo dài nam một cách thực sự hiệu quả và thực chất…".

ĐBQH Bùi Hoài Sơn: Cần hướng tới việc tôn vinh áo dài nam một cách hiệu quả và thực chất - Anh 1

ĐBQH Bùi Hoài Sơn cho rằng, cần hướng tới việc tôn vinh áo dài nam một cách hiệu quả và thực chất. (Nguồn: Đại biểu nhân dân)

Đó là quan điểm của ĐBQH. Bùi Hoài Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam; Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội với báo Thế giới và Việt Nam xung quanh câu chuyện áo dài nam giới.

Trong khi áo dài của phụ nữ được tôn vinh thì lễ phục áo dài, khăn xếp của nam giới lại có không ít ý kiến trái chiều. Góc nhìn của ông thế nào?

Theo tôi, có khá nhiều lý do khiến cho trang phục nam của người Việt Nam ít được chú ý.

Thứ nhất, các lý do mang tính truyền thống và phổ biến. Nữ giới thường được gọi là phái đẹp, vì thế, trang phục nữ trên toàn thế giới đều được chú ý nhiều hơn, thể hiện cầu kỳ hơn so với nam giới nói chung.

Ngay ở Việt Nam ta cũng vậy, trong quá khứ, trang phục dành cho nam giới cũng đơn giản hơn trang phục nữ giới khá nhiều.

Thứ hai, ảnh hưởng của văn minh phương Tây đối với ăn mặc của chúng ta khá rõ, trong đó đặc biệt là đối với nam giới.

Nhiều quy định của Nhà nước, trong các văn bản khác nhau, có quy định nam giới ăn mặc lịch sự đồng nghĩa với việc mặc đồ Tây.

Trong cuộc cải cách ăn mặc đầu thế kỷ XX, áo dài của nữ giới đã trở thành một biểu hiện của sự tiếp biến văn hóa rất tốt. Qua đó, để những giá trị ấy được thể hiện một cách hiện đại và dần trở thành trang phục truyền thống cho nữ về sau này.

Trang phục là để phục vụ công việc, vì thế việc ăn mặc theo cách truyền thống, trừ trong những trường hợp đặc biệt, nhiều khi không phù hợp với công việc hiện đại.

Khi chúng ta đã quen với một cách ăn mặc nào đó thì quay trở lại với quá khứ cũng khó thuyết phục mọi người. Theo tôi, đó chính là những lý do căn bản khiến lễ phục áo dài, khăn xếp của nam giới ít thông dụng và thường gặp tranh luận.

Theo ông, vì sao áo dài nam giới phải chịu nhiều định kiến như vậy?

Chúng ta lưu ý rằng, chịu ảnh hưởng của văn minh Pháp, trang phục nước ta đã có sự biến đổi theo hướng Âu hóa, đặc biệt là đối với trang phục nam.

Thậm chí, vào đầu thế kỷ XX, chúng ta đã có một hiện tượng về cải cách trang phục nằm trong tư tưởng “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” của cụ Phan Chu Trinh.

Tuy vào những năm 1930 - 1950, âu phục đã rất thông dụng nhưng áo dài nam vẫn được xem là loại trang phục thể hiện sự nghiêm cẩn, trang trọng, mang tính biểu tượng và phù hợp nhất trong các sự kiện quan trọng của quốc gia cũng như của mỗi cá nhân.

Tuy nhiên, trải qua sự biến động của lịch sử, vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có cả lý do về xu hướng giản lược hóa trong ăn mặc, sự phát triển của cuộc sống đô thị, khiến cho âu phục chiếm vị trí thống trị trong cách ăn mặc của người Việt Nam.

Do đó, nhiều người xem việc nam giới mặc áo dài truyền thống là cổ hủ, lạc hậu, níu kéo tàn dư phong kiến. Đó là một số những lý do khiến cho áo dài nam bị nhiều định kiến.

ĐBQH Bùi Hoài Sơn: Cần hướng tới việc tôn vinh áo dài nam một cách hiệu quả và thực chất - Anh 2

Việc mặc trang phục truyền thống như một cách thể hiện sự trân trọng đối với lịch sử, thể hiện sự tự hào dân tộc. (Nguồn: FB Bạch Ngọc Chiến)

Cần thiết có sự công nhận chính thức và quy định rõ ràng về lễ phục nam giới hay không, thưa ông?

Theo tôi, đây là một ý kiến chúng ta nên suy nghĩ cẩn trọng. Kinh nghiệm cho thấy, các quốc gia trên thế giới thường có một số hình thức khuyến khích người dân sử dụng trang phục truyền thống như một cách thể hiện sự trân trọng đối với lịch sử, văn hoá, thể hiện sự tự hào, tự tôn dân tộc.

Theo tôi, trừ các quốc gia có tôn giáo chi phối đời sống xã hội (như các quốc gia Hồi giáo chẳng hạn), chưa có quốc gia nào luật hóa, bắt buộc người dân phải mặc trang phục truyền thống trong những hoàn cảnh nhất định nào đó.

Một phần vì ăn mặc là chuyện có tính chất cá nhân, riêng tư nên các quốc gia không cứng nhắc trong việc sử dụng trang phục truyền thống mà chủ yếu đưa ra các điều cấm đối với các trang phục không phù hợp. Phần khác vì trang phục hay ăn mặc cần phù hợp với công việc.

Bối cảnh xã hội, công việc khác nhau đòi hỏi cách ăn mặc khác, phù hợp. Trong khi các trang phục truyền thống phần nhiều phù hợp với bối cảnh xã hội truyền thống, thường mang tính nghi lễ.

Chính vì thế, không phải trang phục truyền thống nào cũng phù hợp. Nếu muốn phù hợp thì trang phục truyền thống cũng cần cải tiến để vừa mang những giá trị truyền thống vừa phù hợp với tinh thần thời đại.

Trở lại trường hợp trang phục truyền thống nam của ta. Thực ra, không phải bây giờ chúng ta mới bàn về vấn đề này, cũng như không phải bây giờ mới mong muốn có một quy định rõ ràng, thậm chí luật hoá việc sử dụng trang phục truyền thống.

Những năm 1990, sau khi chúng ta có phong trào tìm về bản sắc văn hoá dân tộc, nhiều hội thảo, hội nghị về áo dài nam truyền thống cũng đã được tổ chức và cuối cùng vẫn không thể đi đến thống nhất về giải pháp cuối cùng là quốc phục.

Điều này không có nghĩa là chúng ta bế tắc, không thể xác định, thực hành mặc trang phục truyền thống mà vì việc làm này thực sự khó khăn khi xác định quốc phục.

Đặc biệt hơn là với bộ quốc phục đó thì ai mặc, mặc khi nào, mặc ở đâu, mặc như thế nào... Đấy là lý do, trong quy chế văn hoá công sở năm 2007, quy định lễ phục của nam cán bộ, công chức, viên chức: bộ comple, áo sơ mi, cravat.

Theo tôi, thay vì luật hoá hay có những quy định quá cứng nhắc về trang phục áo dài nam truyền thống, có lẽ chúng ta cần hướng tới việc tôn vinh áo dài nam một cách thực sự hiệu quả và thực chất.

Để từ đây, áo dài nam trở thành niềm tự hào tự thân của người mặc là nam giới. Chỉ khi việc mặc áo dài là nhu cầu tự thân, là niềm tự hào của chính người mặc thì việc mặc áo dài nam truyền thống mới trở nên bền vững.

Quốc phục là trang phục truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Cần có quy chuẩn gì, để quốc phục được số đông chấp nhận, theo ông?

Tôi cho rằng, để phù hợp với bối cảnh xã hội hiện nay, chúng ta vẫn cần có những sáng tạo để trang phục phù hợp với bối cảnh thời đại. Tất nhiên, sự sáng tạo đó phải dựa trên những giá trị truyền thống, những khuôn mẫu đã có sẵn, chứ không phải tạo ra những sản phẩm lai căng, pha tạp.

Có nghĩa là, khi nhìn vào sản phẩm áo dài mới, chúng ta vẫn thấy hồn cốt truyền thống trong đó. Ví dụ, việc sử dụng áo dài ngũ thân truyền thống để sáng tạo có thể được xem là một giải pháp để hình thành nên một quy chuẩn chung, được số đông chấp nhận. Nhất là mục đích mặc áo dài để quảng bá trang phục dân tộc ra với bạn bè thế giới thì càng nên khuyến khích.

Việc tôn vinh áo dài ngũ thân truyền thống là một việc làm hợp lẽ đạo đức. Vấn đề của chúng ta là làm sao thiết kế áo dài này phù hợp hơn với bối cảnh xã hội hiện tại, cân nhắc kỹ hơn nữa việc mặc khi nào, ở đâu, với ai để việc mặc bộ quốc phục lên người thực sự tôn vinh, là niềm tự hào của người mặc và của văn hóa dân tộc.

Xin cảm ơn ông!

Theo Báo Quốc tế

Ý kiến bạn đọc