Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở: Hình thành những giá trị chuẩn mực, đẩy lùi hủ tục

Thứ Sáu 26/08/2022 | 10:08 GMT+7

VHO- Nhiều hủ tục lạc hậu là rào cản cho sự phát triển của các cộng đồng, đặc biệt tại khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa hiện đã dần được đẩy lùi, hạn chế những biến tướng, phản cảm. Với tinh thần “lấy xây để chống”, những mô hình tiêu biểu, những giá trị văn hóa chuẩn mực tại các địa phương đã và đang tạo nên “sức đề kháng” để chống lại cũng như góp phần xóa bỏ hủ tục.

 Những giá trị bản sắc làm nền tảng đẩy lùi hủ tục (ảnh minh họa)

 Từ những giá trị chuẩn mực...

Trong bối cảnh đời sống hiện nay, nhiều hủ tục lạc hậu, không phù hợp đã và đang dần được đẩy lùi từ những nỗ lực của cộng đồng. Trên địa bàn tỉnh miền núi Hà Giang, định hướng giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trong nhiều năm qua luôn được chú trọng. Qua đó, tạo nên “sức mạnh mềm” để thanh toán hủ tục lạc hậu.

Một trong những nội dung trọng tâm trong định hướng bảo tồn là việc gìn giữ ngôn ngữ của các dân tộc. Trung tâm sản xuất chương trình PTTH tiếng dân tộc và Đài PTTH Hà Giang phổ biến sử dụng 3 thứ tiếng Tày, Mông, Dao để tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào. Phòng VHTT, Trung tâm VHTTDL cấp huyện tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị song ngữ tiếng phổ thông và tiếng DTTS tại địa bàn.

Chú trọng gìn giữ các giá trị truyền thống, Hà Giang cũng triển khai các chương trình đưa kỹ năng sống và văn hóa truyền thống các DTTS vào giảng dạy trong trường học. Lo lắng nguy cơ mai một những giá trị truyền thống, nhiều nghệ nhân tham gia truyền dạy nghề thủ công, văn hóa, tín ngưỡng truyền thống các dân tộc cho thế hệ trẻ thông qua các lớp như truyền dạy kỹ năng chơi, múa và nghề chế tác khèn Mông; truyền dạy bí quyết thực hành di sản lễ hội của các dân tộc…

Cùng nằm trên địa bàn Đông Bắc, Tuyên Quang có đông đồng bào DTTS sinh sống với nhiều nét văn hóa bản địa đặc sắc. Nhiều năm qua, quê hương cách mạng luôn chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của các dân tộc. Đến nay, tỉnh đã có 12 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nhiều lễ hội được phục dựng và tổ chức thường niên, thu hút đông đảo nhân dân và du khách.

Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, hình thành các giá trị chuẩn mực, Tuyên Quang đã đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa trọng điểm trên địa bàn; huy động các nguồn lực xây dựng nhà văn hóa, đến nay toàn tỉnh có 134/138 nhà văn hóa xã, phường, thị trấn; 1.641/1.733 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố. Phong trào TDĐKXDĐSVH được chỉ đạo thực hiện hiệu quả. Duy trì hoạt động của 10 mô hình Phòng chống BLGĐ, với 35 CLB, 25 nhóm phòng chống BLGĐ...

Thông qua từng hoạt động cụ thể, những giá trị văn hóa truyền thống được tôn vinh, đồng thời tạo sức mạnh và thể hiện quan điểm, thái độ đối với các tập tục lạc hậu cần cải tạo, xóa bỏ; định hướng đúng đắn cho cộng đồng, đặc biệt là lớp trẻ nhận diện rõ các phong tục tập quán tốt đẹp cần phát huy, gìn giữ và những tập tục lạc hậu cần đấu tranh cải tiến, xóa bỏ.

 Giữ nghề truyền thống tại HTX Dệt lanh Cán Tỷ (Quản Bạ, Hà Giang)

... đến đẩy lùi hủ tục

Ông Nguyễn Tiến Hồng, Trưởng phòng VH-TT huyện Quản Bạ (tỉnh Hà Giang) cho biết, với địa bàn một huyện vùng cao, có nhiều đồng bào các DTTS sinh sống, công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống luôn song hành với đấu tranh đẩy lùi hủ tục lạc hậu. Theo đó, vai trò của công tác vận động, tuyên truyền giữ vị trí quan trọng. “Đội ngũ cán bộ văn hóa dù còn mỏng nhưng đã nỗ lực thực hiện công tác vận động tuyên truyền dưới nhiều hình thức, tác động đến nhận thức của cộng đồng, từ đó tác động đến hành động. Nhờ vậy, nhiều hủ tục vốn tồn tại lâu năm, ăn sâu trong tiềm thức và lối sống của người dân đã dần được đẩy lùi…”, ông Hồng chia sẻ.

Trong hoạt động tuyên truyền xóa bỏ hủ tục lạc hậu, Quản Bạ tận dụng sức ảnh hưởng của những người uy tín trong các dòng họ, trong cộng đồng các dân tộc. Trước đây, trong các đám ma của một số dân tộc thiểu số trên địa bàn thường có tục để dài ngày, ăn uống linh đình, mổ nhiều bò, lợn... Nhờ công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, hiện nay những hủ tục này đã dần bị loại bỏ. Việc phát huy vai trò của Ủy ban MTTQ, huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị xã hội, đặc biệt là phát huy vai trò của đội ngũ những người uy tín trong dòng họ đã thực sự tạo nên một cuộc cách mạng về thay đổi nhận thức.

Bí thư Đảng ủy xã Đàm Thủy (huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) Lương Văn La cho biết, nhờ có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, tính đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã chỉ còn 8,9%. Chương trình phát triển du lịch cộng đồng tại xã Đàm Thủy đã gặt hái được nhiều kết quả đáng khích lệ. Cùng với đó, điều đáng mừng là những giá trị văn hóa truyền thống ngày càng được bà con chú trọng bảo tồn, những hủ tục lạc hậu dần bị đẩy lùi, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững. “Có những giai đoạn chúng tôi phải đối diện nhiều khó khăn để đồng hành, cùng người dân phát triển đời sống kinh tế - xã hội, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Khi hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng được hoàn thiện, các chính sách về an sinh xã hội, hỗ trợ người dân thoát nghèo... ngày càng được quan tâm hơn thì những hủ tục, biến tướng cũng dần được khắc phục...”, ông La cho biết.

Hình thành những giá trị văn hóa chuẩn mực, nâng cao chất lượng môi trường văn hóa cơ sở nhằm đẩy lùi các hủ tục không phải câu chuyện có thể thực hiện một sớm một chiều. Nhận thức rõ điều này, ông Nông Ích Đạt (Khuổi Ky, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) chia sẻ, giải pháp chưa bao giờ cũ vẫn là tuyên truyền, vận động. Mỗi cán bộ của xã sống cùng dân, vận động người dân giữ lại cái đẹp, bài trừ cái cũ và lạc hậu. Đến nay, địa phương đã không còn những đám ma kéo dài 5-6 ngày; không còn những đám cưới linh đình 3-4 ngày... mà hệ quả để lại là những món nợ không hề nhỏ cho mỗi gia đình. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được chú trọng thực hiện, ngày càng tạo nên những chuyển biến tích cực trên địa bàn. 

  Phát huy truyền thống trong xây dựng môi trường văn hóa

Thực hiện mục tiêu bảo tồn văn hóa truyền thống trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tỉnh Hà Giang những năm qua có nhiều chương trình hiệu quả, tạo sức lan tỏa rộng lớn trong cộng đồng. Kết quả đạt được của phong trào TDĐKXDĐSVH đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, thúc đẩy kinh tế phát triển, giữ gìn an ninh, trật tự xã hội, ổn định chính trị, xóa đói, giảm nghèo; làm lành mạnh môi trường văn hóa, nâng cao dân trí; giúp đỡ, tương trợ trong cộng đồng; làm cho chất lượng cuộc sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội.

Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực, kịp thời đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, hạn chế và đẩy lùi những hiện tượng tiêu cực, hủ tục lạc hậu. Phong trào xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở và phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng được duy trì và phát triển với nhiều hình thức phong phú và đa dạng. Đến nay, hệ thống Nhà văn hóa cộng đồng ở các xã, phường, thị trấn; thôn (bản, tổ khu phố) cùng các thiết chế văn hóa như thư viện, tủ sách pháp luật, bưu điện văn hóa xã… ngày càng phát huy hiệu quả, tạo sân chơi văn hóa bổ ích trong cộng đồng dân cư. Từ đó, tạo môi trường, động lực cho sự phát triển bền vững. THẢO PHƯƠNG

 MINH NGỌC

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top