Đặc sắc lễ hội Đua thuyền mừng Tết Độc lập

VHO- Với người dân Quảng Bình, đua thuyền truyền thống là nét văn hóa dân gian đã ăn sâu vào tiềm thức, là hoạt động thể thao đoàn kết thể hiện khát vọng chinh phục sóng nước của cư dân ven sông, ven biển. Lễ hội đua thuyền truyền thống ở hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thuỷ mang đậm bản sắc văn hóa độc đáo và được duy trì từ lâu.

Đặc sắc lễ hội Đua thuyền mừng Tết Độc lập - Anh 1

Lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang diễn ra vào dịp Tết Độc lập lôi cuốn đông đảo nhân dân tham gia cổ vũ

 Ông Ngô Đình Hướng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Quảng Ninh cho biết, Lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Quảng Ninh phản ánh nhu cầu tâm linh và đời sống tinh thần của cư dân bản địa. Lễ hội ngày càng mở rộng về quy mô, số lượng, chất lượng, cũng như mục đích và ý nghĩa, trở thành sự kiện văn hóa, thể thao lớn nhất được huyện Quảng Ninh tổ chức trang trọng, chu đáo trong mỗi dịp Tết Độc lập. Tham gia lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Quảng Ninh năm 2022 có 22 thuyền đua của các xã, thị trấn tham gia, trong đó có 12 thuyền đua nam và 10 thuyền đua nữ. Lễ hội sẽ diễn ra vào sáng ngày 1.9, sông Nhật Lệ (đoạn cầu Quán Hàu).

Bắt nguồn từ nghi lễ cầu mưa thuận gió hòa, an cư lạc nghiệp, lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang, huyện Lệ Thuỷ đã trở thành lễ hội đua thuyền lớn nhất miền Trung diễn ra vào dịp Tết Độc lập. Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Đặng Thị Hồng Thắm cho biết: “Lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Nguồn gốc của lễ hội bắt nguồn từ xa xưa và đã được ông cha truyền lại cho con cháu. Ban đầu, lễ hội được tổ chức như một nghi thức để cầu cho mùa màng bội thu, thóc gạo đầy bồ, mưa thuận gió hòa… Về sau, cứ mỗi dịp Quốc khánh 2.9, bà con huyện Lệ Thủy lại nô nức tổ chức lễ hội để mừng Tết Độc lập và trở thành ngày hội lớn nhất trong năm ở địa phương”.

Dùng thuyền gỗ để thi đấu chính là nét đặc sắc của lễ hội đua thuyền Lệ Thủy. Thuyền đua, bơi được đầu tư bài bản và được “bắt” (đóng) bởi những yêu cầu nghiêm ngặt về kích thước và cả mức độ công phu, thẩm mỹ. Quãng đường tranh tài khoảng 24 km dành cho thuyền trai bơi và 18 km dành cho thuyền đua nữ, lấy ngã ba Mũi Viết (Thượng Phong) làm điểm buông phao xuất phát và về đích.

Lễ hội đua thuyền truyền thống ở hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thuỷ diễn ra vào dịp Tết Độc lập không chỉ là ngày hội văn hóa, thể thao đoàn kết mà góp phần bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa của địa phương, qua đó thúc đẩy phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” ngày càng phát triển ở trên địa bàn các huyện. 

 PHẠM PHÚ - TÂN BÌNH

Ý kiến bạn đọc