Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Những họa phẩm sống mãi về truyền thống hiếu học

Thứ Năm 01/09/2022 | 10:00 GMT+7

VHO- Nhân kỷ niệm 77 năm ngày Quốc khánh 2.9 (1945- 2022) và chào mừng ngày hội khai trường 5.9, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mở cửa triển lãm chuyên đề đặc biệt mang tên Truyền thống hiếu học, giới thiệu nhiều tác phẩm mỹ thuật nổi tiếng. Triển lãm diễn ra từ ngày 31.8 đến hết ngày 11.9.2022.

 

Học thêu 2004. Vi Kiến Thành. Khắc gỗ

Tiến sĩ Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, triển lãm Truyền thống hiếu học trưng bày 50 tác phẩm thuộc các thể loại hội họa, đồ họa, điêu khắc, trên các chất liệu sơn dầu, sơn mài, lụa, khắc gỗ, màu nước, gỗ, thạch cao, gang… thể hiện sự phong phú và đa dạng trong sáng tác mỹ thuật từ những năm sau 1945 cho đến những năm gần đây.

Ngay sau ngày độc lập đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác giáo dục. Ngày khai trường năm học mới đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người đã gửi thư cho các em học sinh. Trong thư, Bác viết: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.

Lớp học bình dân. Nguyễn Thế Vinh (Nguyễn Vĩnh Nguyên), 1961. Khắc màu

Người cho rằng “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, vì vậy, để khuyến khích toàn dân học tập vào những năm 1945, hưởng ứng lời kêu gọi của Người, phong trào Bình dân học vụ với mục tiêu Diệt giặc dốt, Chống nạn mù chữ… là những bước đi đầu tiên, quan trọng, định hướng của Chính phủ Lâm thời Việt Nam cho việc tiếp nối truyền thống học tập. Điểm lại những dấu mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc gắn liền với tinh thần hiếu học, TS Nguyễn Anh Minh nhấn mạnh, vào những năm 1945, dưới sức nóng của phong trào Bình dân học vụ, với mục tiêu Diệt giặc dốt, Chống nạn mù chữ…, những họa sĩ thế hệ mỹ thuật Đông Dương đã theo các ngả đường, đi khắp các vùng miền để ghi chép, ký họa hình ảnh chân thực, sống động về giai đoạn lịch sử này. Tại trưng bày, công chúng sẽ được sống lại bầu không khí sống động ngày ấy được thể hiện qua các tác phẩm Lớp trung học đầu tiên của họa sĩ Diệp Minh Châu, Lớp học bình dân làng Bền của danh họa Trần Văn Cẩn, Bủ Đường biết đọc của danh họa Tô Ngọc Vân…

Trong công viên Thống Nhất, 1964. Nguyễn Phan Chánh

Vượt qua những khó khăn, tàn khốc của chiến tranh, các trường học phải sơ tán, thậm chí học dưới hầm nhưng sự nghiệp giáo dục không bị ngừng trệ mà còn phát triển, việc học luôn được quan tâm và triển khai rộng khắp. Không khí và tinh thần ấy được lưu mãi với thời gian trong từng tác phẩm: Lớp học miền núi (Hoàng Đạo Khánh), Lớp 5 dưới lòng đất (Ngô Tôn Đệ), Lớp học bổ túc ở Tây Nguyên (Nguyễn Thế Vinh), Giờ học văn hóa nữ du kích Củ Chi (Đào Hữu Phước),

 Giúp đỡ bạn (Cõng bạn đi học) (Đào Văn Can), Đi học đêm (Nguyễn Thế Minh)…

Khi đất nước hòa bình, thống nhất, học tập được mở rộng, không chỉ là việc học chữ của học sinh trên ghế nhà trường, của sinh viên trên giảng đường, mà còn là sự trao đổi kinh nghiệm giữa các đồng nghiệp, trao truyền tri thức, kỹ năng giữa các thế hệ… Truyền thống hiếu học không bị gò bó, khuôn hẹp hay hạn chế vì bất cứ ngăn trở nào. Học trong nhà trẻ, cắp sách tới trường cùng chúng bạn, rèn luyện, học tập bằng nhiều hình thức khác nhau như học nhóm, đọc sách, học vẽ… Tất cả những đề tài của muôn màu cuộc sống ấy đều được thể hiện rất sinh động qua bút pháp của các thế hệ họa sĩ. Đây cũng là mảng đề tài mà nhiều nghệ sĩ khai thác và thành công.

Lớp 5 dưới lòng đất, 1967, giấy chì. Ngô Tôn Đệ

Để tạo sức lan tỏa cho những tác phẩm mỹ thuật tôn vinh tinh thần hiếu học của dân tộc, thêm cơ hội trải nghiệm cho công chúng yêu nghệ thuật, trong thời gian triển lãm sẽ diễn ra chương trình tọa đàm, giao lưu với nhà nghiên cứu Mỹ thuật Nguyễn Hải Yến. Thông qua ngôn ngữ hội họa, dưới góc nhìn chuyên gia, nội dung giao lưu nhằm chuyển tải đến người nghe thông điệp truyền thống hiếu học góp phần làm nên sức mạnh của dân tộc. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến sẽ dẫn dắt người nghe đến với những nội dung về tinh thần hiếu học được thể hiện qua những tác phẩm hội họa tại trưng bày như: Ý nghĩa lịch sử của sự kiện Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời; tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề giáo dục; hệ thống giáo dục mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; học tập dưới nhiều hình thức; vượt qua mọi khó khăn để học; học để xây dựng và bảo vệ đất nước. Những tác phẩm mỹ thuật tiêu biểu, có sức sống trường tồn với thời gian về chủ đề hiếu học cũng sẽ được nhà phê bình phân tích dưới nhiều góc nhìn sâu sắc.

“Thông qua các tác phẩm trưng bày và hoạt động giao lưu, tọa đàm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hy vọng rằng, triển lãm sẽ là lời nhắc nhớ và khơi dậy niềm tự hào về truyền thống hiếu học tốt đẹp của dân tộc, động viên thế hệ trẻ tiếp nối cha ông, rèn luyện, phấn đấu để trở thành chủ nhân tương lai của đất nước…”, Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Anh Minh chia sẻ. 

 

 Người cho rằng “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, vì vậy, để khuyến khích toàn dân học tập vào những năm 1945, hưởng ứng lời kêu gọi của Người, phong trào Bình dân học vụ với mục tiêu Diệt giặc dốt, Chống nạn mù chữ… là những bước đi đầu tiên, quan trọng, định hướng của Chính phủ Lâm thời Việt Nam cho việc tiếp nối truyền thống học tập.

Vào những năm 1945, dưới sức nóng của phong trào Bình dân học vụ, với mục tiêu Diệt giặc dốt, Chống nạn mù chữ…, những họa sĩ thế hệ mỹ thuật Đông Dương đã theo các ngả đường, đi khắp các vùng miền để ghi chép, ký họa hình ảnh chân thực, sống động về giai đoạn lịch sử này.

 

 BẢO NGÂN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top