Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Du lịch cộng đồng tại xã Hòa Bắc: Nghề phụ, thu nhập chính

Thứ Tư 31/08/2022 | 21:48 GMT+7

VHO - Khuyến khích người dân cùng làm du lịch là hướng đi hiệu quả tại huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng), tại đây, mô hình du lịch cộng đồng được người dân tin tưởng, đánh giá cao, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho bà con dân tộc.

Để phát triển loại hình du lịch cộng đồng, từ tháng 5.2019, chính quyền huyện Hòa Vang đã thí điểm hỗ trợ gần 300 triệu đồng để xây dựng mô hình homestay ALăng Như của anh Đinh Văn Như ở thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc. Đây là xuất phát điểm để bà con cùng làm du lịch, cải tạo đời sống sinh hoạt. Tiếp theo, chị Đỗ Thị Huyền Trâm (thôn Nam Yên) cải tạo lại khu vườn của gia đình trước đây bỏ hoang để làm homestay với mô hình nhà sàn gỗ 2 tầng khang trang, sạch đẹp bên dòng sông Cu Đê thơ mộng của thôn Nam Yên (xã Hòa Bắc).

Du khách đến khám phá Hòa Bắc, Hòa Vang ngày càng đông

Chia sẻ về hướng đi mới để phát triển kinh tế cho bà con xã Hòa Bắc, ông Đỗ Thanh Tân - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Hòa Vang cho biết: “Homestay của anh A Lăng Như là công trình tiên phong đã giải quyết lao động tại chỗ là 5 người, còn lao động cộng đồng gián tiếp là khoảng 50 người. Các điểm du lịch cộng đồng khách thì gồm có đông đảo bà con chuyên cung cấp nông sản cho du khách. Bình thường họ vẫn sống bằng nghề làm nông làm rừng nhưng có khách du lịch thì họ quay ra phục vụ các mặt hàng nông sản sạch sẵn có như gà, vịt, rau sạch, chè dây, mật ong... Từ khi du lịch phát triển, bà con nuôi con gà con vịt đều tiêu thụ được hết, những nông sản của bà con khách du lịch họ mua về rất nhiều đặc biệt là trong những dịp lễ ”.

Tham gia mạng lưới du lịch cộng đồng gần 3 năm nay, già làng Bùi Văn Siêng thường có mặt tại những buổi kể chuyện cộng đồng, mong muốn trao truyền các giá trị văn hóa, dân tộc của người Cơ Tu để du khách tìm hiểu. Mỗi tháng già Siêng nói chuyện với khách vài lần, dẫn khách đi tham quan nhà nhà Gươl, giảng giải về phong tục tập quán, giải thích những biểu tượng, hình ảnh của bà con người dân tộc. Thu nhập từ công việc làm du lịch tuy không thường xuyên nhưng cũng đã góp phần cải thiện sinh hoạt cho già Siêng cũng như nhiều người dân cùng làm du lịch cộng đồng trong thôn, xã.

Người dân giới thiệu ẩm thực địa phương đến các đoàn khách

Già làng Bùi Văn Siêng nói: “Trước đây cuộc sống của bà con rất khó khăn, chủ yếu đi làm rừng, làm nương rẫy không có thu nhập, từ khi tham gia làm du lịch cộng đồng bà con có thêm công việc mới để làm, không phải dầm mưa dãi nắng ngoài trời, thỉnh thoảng dẫn khách đi tham quan, nấu nướng trong nhà, đỡ vất vả hơn rất nhiều, con gà, con cá, mớ rau, quả mít cũng bán được hết. Mừng hơn nữa là nhờ du lịch mà quảng bá được văn hóa của dân tộc Cơ Tu đến với khách quốc tế, khi khách có nhu cầu, thanh niên thì múa cồng chiêng, phụ nữ thì múa  tungtung - dza dzá, bản sắc văn hóa vẫn còn được bà con giữ gìn rất tốt”.

Theo định hướng phát triển du lịch cộng đồng huyện Hòa Vang tiến tới năm 2030 sẽ hình thành 5 cụm, điểm du lịch cộng đồng, trở thành điểm đến hấp dẫn kết hợp sinh thái, cung cấp các dịch vụ du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng thuần chất văn hóa, bản sắc. Nhằm tạo điều kiện cho người dân địa phương tham gia làm du lịch, cải thiện đời sống, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế, huyện Hòa Vang đã đề nghị thành phố cho bà con vay vốn để khởi nghiệp. Ban đầu, khi người dân mới làm du lịch cũng có rất nhiều bỡ ngỡ, để giúp đỡ bà con tạo dựng cơ sở, Trung tâm Văn hóa Thông tin huyện đã phải đi xin vật dụng buồng phòng, bếp... của các khách sạn bỏ đi không dùng tới sau 2 năm dịch bệnh mang về hỗ trợ bà con. Điều đó đã giúp bà con đỡ đi một phần chi phí khi bắt tay xây dựng. Sau này người dân tự liên kết đón khách, bán nông sản cũng tạo được thu nhập không nhỏ để cải thiện cuộc sống gia đình. 

Phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Cơ Tu

Du lịch cộng đồng phát triển kéo theo hiệu quả xã hội, các nghề phụ trợ như giải khát, ăn uống, hướng dẫn, bán hàng nông sản... cũng tiêu thụ nhanh và mạnh, dần dần khẳng định hướng phát triển kinh tế rất tốt cho đồng bào dân tộc tại địa phương. Để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ các hoạt động du lịch một cách bền vững, huyện Hòa Vang đã phối hợp trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng đào tạo thuyết minh viên tại điểm, tổ chức cho các hộ dân làm du lịch cộng đồng đi tham quan, học kinh nghiệm tại một số địa phương như Quảng Nam, Quảng Bình, Sơn La, Hòa Bình. Tổ chức lớp đào tạo nguồn nhân lực quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống người Cơ Tu, mở lớp nâng cao nghệ thuật cồng chiêng và múa tungtung - dza dzá. Các hoạt động bước đầu đã đạt hiệu quả trong việc khuyến khích, kêu gọi người dân cùng làm du lịch cộng đồng, giúp bà con ổn định, cải thiện cuộc sống, từng bước thoát nghèo.

Ông Đỗ Thanh Tân - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Hòa Vang (bên phải ảnh) đang trao đổi, chia sẻ với bà con xã Hòa Bắc về cách làm du lịch cộng đồng

Bày tỏ sự tin tưởng vào hướng phát triển kinh tế dựa vào du lịch,  ông Đỗ Thanh Tân chia sẻ: “Bà con sẽ thành công với mô hình du lịch cộng đồng, vì Hòa Vang là vùng có phong cảnh đẹp, nhiều nông sản, lại giáp đô thị sôi động là Đà Nẵng. Với lượng khách lớn đến Đà Nẵng trước thời gian dịch, nếu làm một bài toán đơn giản, chỉ cần một lượng khách rất nhỏ của Đà Nẵng đi lên Hòa Bắc, khách tiêu 500 ngàn/ngày là bà con “dư sống”. Để khuyến khích mọi người cùng làm du lịch thì tất cả đều phải vào vào cuộc, song hành chỉ bảo, hỗ trợ người dân từ những hoạt động ban đầu, tiếp cận cộng đồng là không nói lý thuyết, không văn bản giấy tờ, mà chỉ luôn cho bà con cách làm, đưa mô hình kiến trúc cho họ thi công, dạy cách nấu ăn, trình bày đẹp đãi khách. Như vậy chỉ cần một thời gian ngắn là tự họ sẽ thành thạo. Qua theo dõi, đánh giá sơ bộ, người dân có nguyện vọng đăng ký làm du lịch cộng đồng ngày càng đông, điều này là tín hiệu hứa hẹn tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới lạ và độc đáo trong tương lai”.

NGỌC HÀ

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top