Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Nghề trông trẻ bán thời gian tại Hàn Quốc: Thu hút nhiều sinh viên “danh giá”

Thứ Tư 07/09/2022 | 11:05 GMT+7

VHO- Ở Hàn Quốc, phụ huynh sẵn sàng trả phí cao cho những sinh viên đang học tại các trường danh giá để chăm sóc con của họ theo giờ, vì vậy, nghề này đang rất hút các bạn trẻ…

 Sinh viên Hàn Quốc thích công việc bảo mẫu bán thời gian

Mức lương hậu hĩnh

Theo tờ Chosun Ilbo, đây là xu hướng phổ biến hiện nay tại xứ sở Kim chi. Mom-Sitter, dịch vụ chăm sóc trẻ em ra mắt vào năm 2016 tại Hàn Quốc, có 690.000 thành viên và 62,4% trong số đó ở độ tuổi 20-30. Được biết, số lượng người đăng ký nhận trông trẻ đã tăng gấp đôi trong ba năm qua.

Điểm hấp dẫn chủ yếu của công việc này đó là mức lương làm theo giờ cao hơn 30% so với mức lương tối thiểu của hầu hết các công việc bán thời gian khác. Sinh viên Kim Chae-rin (22 tuổi) bắt đầu nhận trông giữ trẻ theo giờ từ 2 năm trước. Cô cũng làm thêm cho một vài nơi khác nhưng trông trẻ là công việc thuận tiện nhất, giúp cô có thêm thu nhập đáng kể trong thời gian rảnh rỗi giữa các tiết học. Thông thường, cô nhận chăm sóc trẻ mẫu giáo, chơi với chúng và hỗ trợ các hoạt động học tập trong khoảng 3-4 giờ/ngày.

Nếu có thêm kỹ năng ngôn ngữ hoặc âm nhạc, nghề bảo mẫu có thể kiếm được từ 10.000 đến 60.000 won mỗi giờ (170.000 - 1 triệu đồng) tùy thuộc vào kinh nghiệm. Choi Min-ji (24 tuổi), sinh viên chuyên ngành Sáng tác âm nhạc, thường giữ trẻ trước khi lớp học bắt đầu lúc 9 giờ sáng chia sẻ: “Các bậc cha mẹ thích điều này khi tôi đưa con họ đến quán cà phê nhạc dành cho trẻ em và chơi với chúng”.

Choi Ji-young (29 tuổi) từng làm việc toàn thời gian tại một trung tâm giữ trẻ nhưng hiện tại cô chỉ nhận làm bán thời gian cho biết: “Tôi đủ khả năng kiếm sống bằng công việc giữ trẻ 20 giờ/tuần và có thể đi làm thêm nếu cần nhiều tiền hơn”.

Giáo sư Jung Jae-hoon (Đại học Phụ nữ Seoul) nhận định: “Tỷ lệ sinh thấp nên nhiều gia đình chỉ có một con và cha mẹ luôn sẵn sàng đầu tư lớn cho đứa trẻ. Điều này đã tạo điều kiện cho người trông trẻ có công ăn việc làm và thu hút nhiều người tham gia hơn”.

Không chỉ ở Hàn Quốc mà nghề bảo mẫu tại Mỹ cũng đang được ưa chuộng vì mức lương cao và các khoản trợ cấp hậu hĩnh. Một năm trước, mức phí để thuê bảo mẫu ở thành phố New York là 20-25 USD/giờ (469.000 - 586.000 đồng). Tuy nhiên, đến nay con số đó đã tăng lên 30-35 USD/giờ (703.000 - 821.000 đồng).

Theo một cuộc khảo sát do Dịch vụ trực tuyến dành cho bảo mẫu UrbanSitter thực hiện trên toàn quốc, tỷ lệ người chăm sóc trẻ em tăng chậm, đạt mốc 11% từ năm 2021 - 2022, đồng nghĩa với việc nhiều gia đình phải trả thêm tiền và đưa ra các lợi ích khác đi kèm để thuê người trông nom con cái. Điều đó đã đẩy mức lương của nghề này lên cao và là lý do khiến nhiều người rời bỏ công việc văn phòng. “Người giàu có thể chi hàng trăm nghìn USD cho việc học của con và giờ họ cũng chi mạnh tay để tìm được người chăm sóc ưng ý”, Florence Yazdanpanah, chủ công ty chuyên cho thuê bảo mẫu ở Manhattan cho biết.

Nữ sinh có bằng cấp được săn đón

Theo Lynn Perkins, Giám đốc điều hành của UrbanSitter, công việc chăm trẻ tạo ra nhiều cơ hội và lợi ích hơn: “Nhiều người đã rời bỏ nghề dạy học và điều dưỡng để chuyển sang làm bảo mẫu. Với tấm bằng tốt nghiệp hạng ưu, họ có thể yêu cầu mức lương mong muốn. Không ít người nhờ vậy mà đã có cuộc sống thoải mái”.

Các gia đình ngày càng chú trọng xem xét trình độ học vấn của bảo mẫu, đặc biệt là sau thời gian con cái họ phải học trực tuyến tại nhà. Nếu chẳng may đại dịch quay trở lại, các bậc phụ huynh mong muốn bảo mẫu có thể giúp trẻ làm bài tập cũng như học cùng chúng.

Yazdanpanah cho biết, những khách hàng của cô không ngại bỏ ra nhiều tiền để thuê bảo mẫu có trình độ, đặc biệt là những người có chuyên môn về nghiên cứu giáo dục hoặc sự phát triển của tuổi mới lớn. “Một người mẹ đã nói với tôi rằng, cô chỉ tuyển người có học thức và coi trọng giáo dục. Nhiều bậc cha mẹ có con trong độ tuổi học đường có xu hướng yêu cầu ứng viên phải sở hữu ít nhất một tấm bằng cử nhân”, cô nói. Do đó, nhiều người tốt nghiệp các trường đại học danh giá đã chọn công việc bảo mẫu thay vì đi làm nhân viên văn phòng.

Catherine Walpole (28 tuổi), đã làm bảo mẫu và giữ trẻ gần 10 năm, trước đó không hề nghĩ rằng mình sẽ gắn bó với nghề này sau khi lấy bằng cử nhân Tâm lý tại Trường Cao đẳng Hunter. Nhờ chuyên môn được học cộng với nhu cầu gia tăng trong đại dịch Covid-19 vừa qua, cô kiếm được 50 USD mỗi giờ (1,1 triệu đồng), cộng với các khoản trợ cấp khác. “Nhiều gia đình đã cung cấp dịch vụ bảo hiểm y tế, phương tiện đi lại, thời gian nghỉ phép có lương để thuê được tôi. Nhà nào không đủ khả năng thì sẽ đưa ra yêu cầu nhẹ nhàng hơn”, cô giải thích. 

 CHI MAI

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top