Kỳ thi tốt nghiệp 2023: Tăng cường sử dụng công nghệ và yếu tố trải nghiệm

VHO- Trong 2 ngày 7 - 8.9, Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 đối với công tác thi và quản lý chất lượng đã được tổ chức tại TP Bắc Ninh. Với đòi hỏi ngày càng cao đối với Kỳ thi tốt nghiệp THPT, việc gia tăng về chất lượng và đổi mới về cách thức đã trở thành vấn đề chính được thảo luận tại Hội nghị.

Kỳ thi tốt nghiệp 2023: Tăng cường sử dụng công nghệ và yếu tố trải nghiệm - Anh 1

 Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 có mục tiêu định hướng cho người học phát triển năng lực, phẩm chất và sự sáng tạo (ảnh minh họa)

 Được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân cả nước

Báo cáo tại Hội nghị cho biết, năm 2022 là năm đầu Bộ GD&ĐT tổ chức đăng ký thi trực tuyến, có tới 93,12% thí sinh lựa chọn hình thức này. Hệ thống quản lý thi hoạt động ổn định, việc đăng ký dự thi của thí sinh diễn ra cơ bản thuận lợi, đảm bảo số liệu thi chính xác, tin cậy.

98,75% thí sinh đăng ký đã tham dự kỳ thi. Trên cả nước, có 2.243 điểm thi với 42.293 phòng thi được đặt tại địa phương nơi thí sinh theo học đã giúp các em không phải di chuyển xa, không phải lo chỗ ăn ở, tạo tâm thế bình tĩnh, tự tin hơn khi làm bài, đồng thời không gây áp lực về giao thông tại các thành phố lớn. Kết quả thi và kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT nhìn chung đảm bảo khách quan, công bằng, đánh giá sát trình độ thí sinh và phản ánh sát đúng thực tế dạy học của các địa phương trên phạm vi toàn quốc.

Kỳ thi được tổ chức thành công nhờ sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương cùng với nỗ lực của toàn ngành Giáo dục. Công tác chỉ đạo, tổ chức kỳ thi được triển khai đồng bộ, trách nhiệm, hiệu quả với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của các cán bộ, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và nhân dân cả nước.

Kỳ thi năm 2022 cũng cho thấy, công tác đề thi được thực hiện nghiêm túc, an toàn, bảo mật từ Trung ương đến địa phương. Đề thi cơ bản đáp ứng mục đích, yêu cầu tổ chức thi. Theo đánh giá của thí sinh, giáo viên và dư luận xã hội, đề thi năm nay nằm trong chương trình THPT, có sự phân hóa phù hợp bảo đảm kết quả chính xác, khách quan, dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Việc tổ chức coi thi bảo đảm an toàn, nghiêm túc, gọn nhẹ, thiết thực và cơ bản đáp ứng đúng kế hoạch đề ra. Ban Chỉ đạo thi các cấp đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức coi thi tại các Điểm thi, kịp thời phát hiện, nhắc nhở và hỗ trợ khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong quá trình tổ chức coi thi để tăng cường kỷ cương, giữ nghiêm kỷ luật. Các hành vi vi phạm quy chế của thí sinh đã được kịp thời phát hiện và xử lý theo đúng quy định của quy chế bảo đảm tính nghiêm minh của Kỳ thi.

Công tác chấm thi, phúc khảo bảo đảm thực hiện đúng tiến độ. Các Hội đồng thi đã thực hiện nghiêm túc quy trình đối sánh dữ liệu điểm thi, công bố kết quả thi và triển khai xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh đúng quy chế.

Kỳ thi năm 2023 theo hướng giữ ổn định như năm 2022

Tại Hội nghị, Bộ GD&ĐT cho biết, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ được tổ chức theo hướng giữ ổn định về cơ bản như năm 2022, bảo đảm kết quả thi phản ánh trung thực, khách quan, đúng trình độ, năng lực học sinh, có độ tin cậy và sự phân hóa để xét công nhận tốt nghiệp THPT và cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục, điều chỉnh quá trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong các trường phổ thông.

Quy chế thi, thời gian thi, cách thức tổ chức kỳ thi cơ bản giữ như các năm trước. Tuy nhiên, kỳ thi đã từng bước hướng đến đổi mới, với mục tiêu định hướng cho người học phát triển năng lực, phẩm chất và sự sáng tạo. Đổi mới dễ nhận thấy nhất là ở phương diện công nghệ, kỹ thuật và chuyển đổi số, học sinh được đăng ký dự thi trực tuyến.

Công tác ra đề ở một số môn có bước đổi mới, từ đội ngũ nhân lực làm đề đến yêu cầu của đề thi. Đặc biệt, hai môn Ngữ văn, Lịch sử có một số điều chỉnh theo hướng phát huy sự sáng tạo ở thí sinh hơn. Một định hướng nữa được đặt ra và cần có lộ trình, tránh gây “sốc” cho dạy và học, đó là đề thi chú ý đến những phương diện mà người học cần tăng cường sử dụng thiết bị và yếu tố trải nghiệm. Điều này sẽ dần dần khiến nhà trường phải tăng cường thiết bị dạy học, thầy và trò giảm dần yếu tố dạy và học chay.

Để làm được như vậy, cần chú trọng quán triệt ý thức trách nhiệm, yêu cầu trau dồi phẩm chất, năng lực và tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý thi các cấp. Tăng cường chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ ở trường phổ thông theo định hướng đánh giá năng lực, bảo đảm sự đồng bộ và góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức kỳ thi. 

 HOÀNG HƯƠNG 

Ý kiến bạn đọc