“Truyền lửa” tình yêu nghệ thuật truyền thống đến với học sinh: “Mưa dầm thấm lâu”

VHO- Từ lâu nay, các cơ quan, đơn vị chuyên ngành văn hóa trên địa bàn TP Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực trong việc đưa các loại hình nghệ thuật dân gian vào đào tạo trong trường học, để từ đó khơi dậy niềm đam mê, hiểu biết, đánh thức các tài năng nghệ thuật truyền thống dân tộc…

“Truyền lửa” tình yêu nghệ thuật truyền thống đến với học sinh: “Mưa dầm thấm lâu” - Anh 1

 Nghệ thuật truyền thống cần phải được nhen nhóm, khơi gợi từ sớm, nhưng giữ được ngọn lửa ấy và lan tỏa trong cộng đồng là câu chuyện đường dài

Trong giai đoạn 2016-2020, Đà Nẵng đã nỗ lực lồng ghép nghệ thuật Bài chòi trong giờ hoạt động ngoại khóa tại các trường học trên địa bàn. Hằng năm, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh TP Đà Nẵng đều tổ chức các lớp tập huấn nghệ thuật hô hát Bài chòi cho hàng trăm giáo viên dạy âm nhạc, tổ chức các hội thi hô hát Bài chòi cho nhiều lứa tuổi. Ông Ngô Văn Bảy, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh TP Đà Nẵng cho biết: “Liên tiếp 2 năm 2019-2020, Trung tâm đã tổ chức Liên hoan Chúng em hát dân ca và Hô hát Bài chòi cho đối tượng học sinh. Năm 2022 và những năm tiếp theo, đơn vị cũng đã có kế hoạch tổ chức lại. Trước mắt là tập huấn cho đội ngũ giáo viên, tiến đến xây dựng các CLB Bài chòi trong các trường học. Sở GD&ĐT các quận, huyện sẽ chọn trường, đăng ký xây dựng CLB điển hình ở mỗi vùng miền để góp phần giữ gìn, phát huy và lan tỏa giá trị nghệ thuật Bài chòi đến thế hệ trẻ”.

Để tìm kiếm khán giả trẻ, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng) đã tích cực xây dựng các chương trình, trích đoạn hấp dẫn về lịch sử, anh hùng dân tộc gắn liền với tên tuổi các trường học để công diễn, khéo léo chọn trích đoạn phù hợp với từng trường như: Trưng Vương, Lê Lợi, Trần Quốc Toản, Trần Hưng Đạo..., phản ứng của học sinh rất tích cực và thích thú. Khi diễn viên Nhà hát hỏi câu nào các em cũng trả lời được, chứng tỏ nhà trường đã rất quan tâm, chuẩn bị cho chương trình. Nhận ra được giá trị của việc đưa nghệ thuật truyền thống đến với học sinh, đến nay nhiều trường đã chủ động mời Nhà hát Tuồng tới diễn. Các em học sinh sẽ được giao lưu với nghệ sĩ, trả lời câu hỏi về những nhân vật tuồng tiêu biểu, về nội dung vở diễn vừa được xem. Sự nhiệt thành đón nhận của các em là niềm động viên tinh thần rất lớn đối với các nghệ sĩ.

Ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát chia sẻ: “Đưa Tuồng vào học đường là cuộc chiến mưa dầm thấm lâu, là chiến dịch nuôi dưỡng tình yêu với Tuồng. Tuồng vào với lớp trẻ nhỏ bậc Tiểu học là để tạo sân chơi mới cho các em, thôi thúc các em tò mò khám phá cách diễn, cách hóa trang, giới thiệu nghệ thuật truyền thống cho các em biết; còn đối với lứa tuổi THPT đã am hiểu thì vừa có tác dụng nhen nhóm tình yêu nghệ thuật, qua đó tìm nhân tố tài năng mới cho Tuồng”.

Là địa phương có truyền thống trong việc lưu giữ, phát huy các hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian, nhiều năm qua, phong trào dạy và học hát dân ca trong các nhà trường của huyện Hòa Vang liên tục được duy trì và phát triển. Phòng VHTT huyện đã phối hợp với Phòng GD&ĐT triển khai chương trình đưa dân ca vào trường học, được học sinh hưởng ứng, say mê tập luyện, qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm và lòng tự hào của các em trong việc bảo tồn và lưu giữ các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Nhiều lớp học dân ca, Bài chòi miễn phí được mở ra với sự giảng dạy của các nghệ nhân, đơn cử như trường THCS Trần Quang Khải đã thành lập CLB Dân ca với khoảng 40 học sinh, tạo phong trào văn hóa tích cực, lan tỏa.

Tháng 5.2022, Liên hoan văn nghệ Em yêu làn điệu dân ca thành phố Đà Nẵng năm học 2021-2022 do Thành đoàn phối hợp với Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng tổ chức đã có sức hút đối với đông đảo các em thiếu nhi. Hơn 100 video clip dự thi đến từ các trường Tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn TP với những làn điệu dân ca quen thuộc như hò ba lý, lý thiên thai, hô hát Bài chòi, hò giã vôi… đã chứng tỏ sự quan tâm không nhỏ của các em đối với nghệ thuật dân gian. Phó Bí thư Thành đoàn Nguyễn Thị Anh Thảo bày tỏ: “Các cuộc thi sẽ truyền tải những điệu hát, câu hò đến với tầng lớp thanh thiếu nhi, để các em được nghe, được biết, được cảm nhận cái hay, cái đẹp trong những làn điệu quê hương. Từ đó bồi đắp lòng tự hào, giáo dục truyền thống văn hoá thông qua những hoạt động, sân chơi phù hợp, phát triển năng khiếu và định hướng nghệ thuật”.

Nghệ thuật truyền thống cần phải được nhen nhóm, khơi gợi từ sớm, nhưng giữ được ngọn lửa ấy và lan tỏa trong cộng đồng là câu chuyện đường dài, cần sự chung tay, hỗ trợ của nhiều cấp, ngành, chính quyền cùng với các nghệ nhân, nghệ sĩ. Không chỉ riêng Đà Nẵng, nhiều địa phương trên cả nước cũng đã chủ trương đưa các môn nghệ thuật truyền thống vào chương trình học ngoại khóa. Đây là cách để lớp trẻ yêu thích, say mê nghệ thuật dân tộc, tránh tình trạng bị thất truyền, mai một, đồng thời tạo lớp người kế cận cho tương lai. 

 MINH CHÂU

Ý kiến bạn đọc