Thiếu vắc xin sản xuất trong nước vì vướng mắc thủ tục mua, bán

VHO - Những ngày gần đây, nhiều phụ huynh có con nhỏ tại TP.HCM và Hà Nội không thể đăng ký tiêm vắc xin sởi và DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván) trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại các trạm y tế vì được thông báo "hết vắc xin". Tình trạng này đã diễn ra hơn 1 tháng nay.

Vắc xin sởi và vắc xin DPT mũi 4 (phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván mũi 4 tiêm nhắc lại cho trẻ 18-24 tháng) là vắc xin được sản xuất trong nước, nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR). Trẻ em được miễn phí khi tiêm 2 loại vắc xin này.

Thiếu vắc xin sản xuất trong nước vì vướng mắc thủ tục mua, bán - Anh 1

Thiếu vắc xin miễn phí, nhiều phụ huynh phải bỏ tiền tiêm dịch vụ thì (ảnh minh họa)

Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều trung tâm y tế tại TP.HCM đã thông báo hết vắc xin sởi và DPT. Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản gửi đến Bộ Y tế, đề nghị chỉ đạo chương trình TCMR quốc gia phân bổ 2 loại vắc xin này để tiêm chủng cho trẻ em. Tương tự, tại Hà Nội, một số trạm y tế trên địa bàn Thủ đô cũng không có vắc xin DPT mũi 4 trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Vì đảm bảo lịch tiêm chủng, nhiều phụ huynh phải lựa chọn phương án tiêm dịch vụ cho con với chi phí đắt đỏ.

Giải thích về điều này, tối 14.9, Bộ Y tế cho biết, chương trình TCMR do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương làm đầu mối thực hiện, được triển khai ở Việt Nam từ năm 1981 có mục tiêu cung cấp dịch vụ tiêm chủng miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi, bảo vệ trẻ khỏi một số bệnh truyền nhiễm phổ biến và gây tử vong cao. Đến nay, đã có 11 vắc xin loại vắc xin (phòng lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib) được đưa vào Chương trình, góp phần quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe trẻ em.

Hằng năm, trên cơ sở nhu cầu của các đơn vị, địa phương, Bộ Y tế giao Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đặt hàng và ký hợp đồng với các đơn vị sản xuất vắc xin trong nước để cung ứng một số loại vắc xin (DPT, uống ván, BCG, viêm não Nhật Bản, viêm gan B, sởi, sởi-rubella, bOBV) phục vụ cho cho tiêm chủng mở rộng. Các vắc xin được quản lý, điều phối theo quy trình nghiêm ngặt để bảo đảm chất lượng giao cho các Viện Pasteur/Vệ sinh dịch tễ khu vực, sau đó cung cấp cho các địa phương, đơn vị triển khai tiêm chủng. Việc cung ứng vắc xin được thực hiện theo các quy định của pháp luật về giá và đặt hàng.

Năm 2022, Bộ Y tế đã có Quyết định giao dự toán kinh phí và phê duyệt kế hoạch đặt hàng vắc xin cho Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương. Theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và một số địa phương, hiện đang thiếu một số loại vắc xin: DPT, sởi do chưa hoàn thiện thủ tục đặt hàng, ký hợp đồng. Bộ Y tế đã và đang quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và các đơn vị sản xuất vắc xin khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đặt hàng để có vắc xin cung ứng cho công tác tiêm chủng; trong đó các đơn vị sản xuất vắc xin khẩn trương xây dựng phương án giá vắc xin năm 2022 để Bộ Y tế thẩm định, gửi Bộ Tài chính xem xét, phê duyệt, làm cơ sở thanh, quyết toán theo quy định.

Lý giải về điều này, bà Dương Thị Hồng - Viện phó Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho biết tình trạng thiếu vắc xin bắt đầu từ tháng 8. Đây là hai vắc xin trong nước, cung ứng theo đơn đặt hàng để các đơn vị sản xuất. Trong đó, vắc xin sởi do Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (POLYVAC) sản xuất; vắc xin DPT của Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC) sản xuất.

Theo bà Hồng, các nhà cung cấp này đều có sẵn vắc xin trong kho song không thể tiến hành mua bán, cung ứng do vướng mắc các thủ tục theo quy định hiện hành. Viện cũng đã báo cáo Bộ Y tế và đang nỗ lực thực hiện các thủ tục để cung ứng kịp thời vắc xin cho địa phương.

Q.HOA

Ý kiến bạn đọc