Phát huy giá trị các bảo vật quốc gia tại Bình Định

VHO- Sau khi được Thủ tướng Chính phủ công nhận, các bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh Bình Định được đặt trong chế độ bảo vệ, bảo quản đặc biệt, trang trọng, an toàn và phát huy tích cực giá trị lịch sử - văn hóa, góp phần làm phong phú kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.

Phát huy giá trị các bảo vật quốc gia tại Bình Định - Anh 1

Hai bảo vật quốc gia tượng Hộ pháp đang được lưu giữ tại Chùa Nhạn Sơn

Đến nay, tỉnh Bình Định có 9 hiện vật được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận bảo vật quốc gia. Các bảo vật quốc gia trên địa bản tỉnh Bình Định hầu hết là tác phẩm nghệ thuật điêu khắc Champa, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Bình Định (6 hiện vật); Chùa Phật Lồi, xã Nhơn Hội, TP Quy Nhơn (1 hiện vật); Chùa Nhạn Sơn, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn (2 hiện vật). Các bảo vật quốc gia góp phần khẳng định những giá trị lịch sử - văn hóa độc đáo của tỉnh Bình Định trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Sau khi các hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia, UBND tỉnh Bình Định giao Sở VHTT Bình Định chỉ đạo Bảo tàng Bình Định xây dựng chương trình, kế hoạch về bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị của bảo vật quốc gia.

Đối với các bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Bình Đinh, đơn vị này đã xây dựng phương tiện bảo vệ, bảo quản hiện vật, đầu tư mua sắm vật tư, thiết bị máy móc chuyên dụng để phục vụ công tác bảo. Trong đó, lắp đặt camera, báo động, báo cháy và phòng chữa cháy đạt tiêu chuẩn nhằm theo dõi thường xuyên, bảo đảm công tác an toàn, an ninh đối với hiện vật, bảo vật quốc gia. Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an địa phương trong việc thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn và công tác bảo đảm an ninh, an toàn đối với hiện vật bảo tàng nói chung và bảo vật quốc gia nói riêng.

Trong khi đó, đối với các bảo vật quốc gia hiện đang được lưu giữ tại Chùa Phật Lồi (TP Quy Nhơn), Chùa Nhạn Sơn (thị xã An Nhơn), Bảo tàng Bình Định đã làm việc với trụ trì các chùa, các cơ quan chức năng văn hóa, công an, chính quyền địa phương các cấp sở tại xây dựng kế hoạch liên ngành trong việc giữ gìn bảo quản an toàn bảo vật quốc gia. Tại chùa có bảo vật quốc gia đều được xây dựng khang trang, các bảo vật quốc gia hiện được đặt thờ trang trọng trong chánh điện của các ngôi chùa, gắn liền với tín ngưỡng tâm linh thành kính của người dân địa phương và du khách thập phương nên được giữ gìn, chăm nom thường xuyên.

Theo trụ trì Thích Thị Hoàng, năm 2019 hai tượng Hộ pháp chùa Nhạn Sơn được công nhận bảo vật quốc gia Chùa. Người dân thường gọi hai tượng là “ông Đen ông Đỏ”, bởi hai ngài rất linh hiển và dân chúng thường đến dâng lễ nguyện xin, nhất là gia đình khó nuôi con… “Chùa Nhạn Sơn là một tổ đình nơi có danh lam thắng tích. Năm 1977, đoàn khảo cổ xác định di tích này có từ thế kỷ thứ XIII. Chùa Nhạn Sơn được thành lập vào thế kỷ thứ XVI, được sắc từ thời Tự Đức năm thứ 17 và thời Bảo Đại năm thứ 18, do Ngài Hòa thượng Chi Mẫn khai sáng. Nơi đây đã xuất hiện nhiều danh tăng thạc đức”, trụ trì Chùa Nhạn Sơn thông tin thêm.

Phát huy giá trị các bảo vật quốc gia tại Bình Định - Anh 2

Phù điêu thần Hộ pháp (Dvarapala) được bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng Bình Định

Ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng Bình Định cho biết, các hiện vật được trưng bày, bảo quản trong Bảo tàng nói chung và các bảo vật quốc gia nói riêng luôn được bảo quản cẩn thận theo quy định của Bộ VHTTDL về bảo quản hiện vật bảo tàng. Hầu hết các bảo vật quốc gia tại Bình Định đều là những tác phẩm điêu khắc Champa bằng chất liệu đá, có niên đại từ thế kỷ XII - XIII. Các bảo vật quốc gia luôn được xử lý làm vệ sinh bảo quản hằng ngày. Hiện vật được trưng bày đặt trên bục, bệ trang trọng và đặt trong chế độ bảo quản đặc biệt; có hệ thống thông gió làm thông thoáng hiện vật nhằm chống hư hỏng, kéo dài tuổi thọ và làm tăng giá trị cho hiện vật.

Theo ông Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Đinh, vừa qua tỉnh đã có văn vản số 142/BC-UBND gửi Bộ VHTTTDL báo cáo thực trạng công tác bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh Bình Định. Để phát huy giá trị các bảo vật quốc gia, Bảo tàng Bình Định đã lập kế hoạch chỉnh sửa, nâng cấp các phòng trưng bày có bảo vật quốc gia và thực hiện phương pháp trưng bày tôn vinh hiện vật bằng hệ thống đèn chiếu sáng; tùy từng loại hình, hình dáng, kích thước hiện vật mà đưa ra phương tiện mỹ thuật trưng bày thích hợp. Xây dựng các etiket, giới thiệu ngắn gọn hiện vật bằng hai thứ tiếng Việt – Anh; đang đa dạng hóa hoạt động quảng bá bảo vật quốc gia bằng việc lồng ghép nhiều cuộc trưng bày chuyên đề lưu động, tại chỗ, xây dựng nhiều chương trình ngoại khóa đến các đối tượng học sinh, sinh viên, chú trọng thuyết minh chuyên sâu, có điểm nhấn để tạo sức hút….

Cũng theo ông Giang, thời gian qua, Bảo tàng Bình Định đã đón tiếp và phục vụ hàng triệu lượt khách đến tham quan, đón tiếp hàng trăm nhà khoa học trong và ngoài nước đến nghiên cứu, các cơ quan, thông tấn báo chí đến khai thác, viết bài và tạo nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với công chúng và du khách đến tham quan, nghiên cứu, học tập. Trong thời gian đến, Bảo tàng Bình Định sẽ đẩy mạnh triển khai chương trình số hóa thông tin các hiện vật, nhất là các bảo vật quốc gia để du khách dễ dàng tra cứu thông tin liên quan đến những hiện vật độc đáo này, phục vụ tốt công tác tuyên truyền, quảng bá và thu hút khách du lịch trong hành trình đến với di sản văn hóa Bình Định.

PHAN HIẾU

Ý kiến bạn đọc