Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Để doping không còn là vấn nạn của thể thao Việt Nam: Tất cả phải cùng vào cuộc!

Chủ Nhật 18/09/2022 | 17:30 GMT+7

VHO-Cái giá phải trả vì liên quan đến doping chắc chắn là rất đắt, nó ảnh hưởng đến sự nghiệp của chính các VĐV cũng như hình ảnh của thể thao. Thể thao Việt Nam cần làm thế nào trong công tác phòng, chống doping, để công sức của các VĐV, HLV và của thể thao nước nhà không bị đổ “xuống sông, xuống biển” bởi sự thiếu hiểu biết của một vài cá nhân.

Ngoài nhận thức của VĐV, HLV thì lãnh đạo các bộ môn, các trung tâm thể thao, địa phương cần tuyên truyền để giúp lực lượng VĐV, HLV hiểu thêm về doping (Ảnh mang tính minh họa)

Đầu tư cơ sở vật chất về y học thể thao

Cử tạ Việt Nam từng bị mất suất tại Olympic Tokyo vì liên quan đến doping. Vào năm 2019, 2 VĐV trẻ Nguyễn Thị Thu Trang và Bùi Đình Sáng bị Liên đoàn Cử tạ quốc tế thông báo có liên quan đến doping trong thi đấu. Sau đó vào năm 2020, 2 VĐV cử tạ khác bị đình chỉ thi đấu vì dính đến chất cấm là Trịnh Văn Vinh và Nguyễn Thị Phương Thanh. Theo quy định, bất kỳ quốc gia nào vi phạm doping từ 3 lần trở lên trong thời gian diễn ra vòng loại Olympic, bắt đầu vào tháng 11.2018 đều có thể bị mất số lượng hạn ngạch hoặc bị cấm tham dự. Sau việc đó, cử tạ Việt Nam từ chỗ có 3 suất dự Olympic chỉ còn lại 2 suất (Thạch Kim Tuấn và Hoàng Thị Duyên).

Là HLV có thâm niên trong làng cử tạ Việt Nam, HLV Huỳnh Hữu Chí của đội tuyển cử tạ TP.HCM, “thầy ruột” của đô cử Thạch Kim Tuấn cho biết, bản thân luôn rất cẩn thận trong việc xem xét, kiểm nghiệm về vấn đề dùng thuốc thang hay thực phẩm bổ sung của các học trò. “Từ trước tới nay, tôi chỉ cho các VĐV dùng thuốc của đội tuyển quốc gia hay tại đội tuyển TP.HCM cấp và tuyệt đối không dùng thuốc ngoài. Với các VĐV, đặc biệt là các VĐV nằm trong đội TP.HCM hay đội tuyển quốc gia khi bị ho hay sốt, tôi không cho các bạn dùng thuốc không rõ nguồn gốc. Tôi nói các bạn chờ tôi để tôi gọi lên phòng Y học Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia TP.HCM để hỏi nên dùng thuốc gì cho hợp lý. Thật ra bản thân tôi dù theo nghề khá lâu nhưng cũng chưa thể hiểu rõ nhiều về doping. Vậy khi cho VĐV dùng thuốc, tôi rất cẩn thận”.

 Tại Việt Nam, cơ sở vật chất về y học thể thao là khá hạn chế. Khi diễn ra một đấu nào đó, đặc biệt là các giải quốc tế hay đại hội thể thao, việc tiến hành kiểm tra doping sẽ ngẫu nhiên với các VĐV, đặc biệt là các VĐV giành thành tích cao. Việc lấy mẫu nước tiểu và máu phải do các chuyên gia trong ngành thực hiện. Các mẫu này sau đó được chuyển tới phòng xét nghiệm của Tổ chức phòng, chống doping thế giới (WADA) ở Bangkok (Thái Lan). Nước tiểu, máu được chia làm hai mẫu A và B. Mẫu A sẽ được xét nghiệm và công bố trước. Nếu mẫu A có kết quả dương tính mà VĐV muốn xét nghiệm lại mẫu B thì có thể tốn số tiền lên đến hàng trăm, thậm chí là nghìn USD. “Tôi mong rằng trong tương lai không xa, Việt Nam mình sẽ có một phòng xét nghiệm về doping đạt chuẩn để việc phòng, chống doping trong thể thao được đẩy mạnh hơn. Với các giải đấu trong nước, đặc biệt là các giải quốc gia nên đẩy mạnh việc xét nghiệm, lấy mẫu thử cho các VĐV trước và sau khi thi đấu. Tôi chỉ nói ví dụ việc một VĐV tranh chấp huy chương thôi, mà lỡ sử dụng chất cấm thì có nên không. Một tấm HCĐ ở các địa phương tiền thưởng chẳng là bao mà nếu bị phát hiện sử dụng chất cấm thì sự nghiệp sẽ đi xuống. Điều đó có đáng không? Điều này sẽ đánh vào tâm lý của các VĐV, HLV, họ sẽ thấy sợ và cẩn thận hơn với doping. Việc dùng thuốc hay thực phẩm bổ sung trong tập luyện và thi đấu sẽ được các VĐV, HLV thận trọng hơn”, HLV Huỳnh Hữu Chí cho biết thêm.

Ngành thể thao, các địa phương và các VĐV, HLV cùng quyết liệt vào cuộc

Có thể nói, xe đạp là một trong những môn thường xuyên có các VĐV bị kiểm tra doping nhiều nhất, đơn giản đây là môn thể thao khắc nghiệt, vận động cao nên các VĐV thường xuyên sử dụng thuốc và thực phẩm bổ sung. Làng xe đạp thế giới từng “rúng động” khi tay đua từng 7 lần vô địch Tour de France - Lance Armstrong (Mỹ) dùng doping, tay đua này đã gần như đánh mất tất cả vì chất cấm. 

Là người lâu năm trong nghề trên cương vị HLV lẫn VĐV, HLV Đỗ Thành Đạt của đội xe đạp TP.HCM gửi lời khuyên đến các cua rơ nói riêng và các VĐV thể thao nói chung: “Việc VĐV dính doping có thể do chủ quan, nhưng cũng có nhiều trường hợp do khách quan, bị tai nạn do thiếu hiểu biết. Đây là câu chuyện chung của thể thao thế giới chứ không riêng Việt Nam. Việc VĐV dính doping là thực sự điều rất đáng tiếc, đáng buồn. Do đó, để tránh những vụ việc đáng tiếc, các VĐV nên cân nhắc trước khi dùng thuốc hay thực phẩm bổ sung, phải tìm rõ nguồn gốc và có sự đồng ý của Ban huấn luyện. Vì hiện nay, danh mục chất cấm trong thể thao thay đổi, bổ sung thường xuyên trong khi các VĐV hay HLV Việt Nam không theo kịp, rất có thể dẫn tới việc sử dụng thuốc không đúng chỉ dẫn hoặc vô tình mà không hề hay biết”.

HLV Đỗ Thành Đạt cũng cho rằng, việc tuyên truyền giúp VĐV, HLV hiểu rõ hơn về doping cũng rất quan trọng: “Để không còn những việc đáng tiếc xảy ra, các bộ môn, lãnh đạo các trung tâm thể thao, các địa phương cần giúp các VĐV, HLV hiểu rõ hơn về doping. Có thể hằng quý hay hằng năm mở các lớp học về cách phòng, chống doping, tác hại của chất cấm khi sử dụng trong thi đấu. Ở thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, các VĐV, HLV cũng có thể lên mạng tìm hiểu thêm về doping, cách sử dụng thuốc đúng cách khi thi đấu. Tự mỗi người trang bị cho mình kiến thức về doping thì sẽ rất tốt”.

Nhận thức của người trong cuộc

Nhắc đến doping, tuyển thủ đội tuyển xe đạp Việt Nam Nguyễn Trường Tài vẫn không thể quên lần “dính chàm” vào năm 2013. Dù kết quả cuối cùng anh không hề dùng chất cấm nhưng những ngày tháng sống trong nghi vấn khi trở về từ Indonesia năm đó, tay đua sinh năm 1988 gần như “sống dở chết dở” trước sức ép của dư luận. Chuyện xảy ra vào tháng 6.2013 khi Trường Tài và các đồng đội trong ĐTQG thi đấu tại Tour de Singkarak (Indonesia). Trong những ngày diễn ra giải, Trường Tài là tay đua duy nhất của Việt Nam bị Liên đoàn xe đạp quốc tế (UCI) lựa nhọn ngẫu nhiên để kiểm tra doping. Sau giải đấu trên đất Indonesia gần 10 ngày, UCI có gửi mail thông báo nêu rõ về việc mẫu thử A của Trường Tài dương tính với chất prednisone, một chất nằm trong danh mục cấm của WADA. Mãi đến tháng 10, mẫu xét nghiệm B của Trường Tài được phân tích tại phòng thí nghiệm của WADA ở New Delhi (Ấn Độ) cho kết quả mẫu thử là âm tính, tay đua này mới được “trắng án”. “Trong suốt tour đấu, chế độ ăn uống của tôi cũng giống như những đồng đội khác trong đội, tôi chỉ dùng thuốc bổ và các vitamin, không dùng thuốc cấm nào. Những ngày tháng chờ đợi kết quả mẫu B thực sự dài đăng đẳng với tôi. Tôi phải sống trong sự kỳ thị, không có tâm trí nào luyện tập”, Trường Tài nhớ lại.

Trường Tài thổ lộ anh có sử dụng thuốc, nhưng chủ yếu là thuốc bổ vốn từ trước đến nay các đồng đội ở CLB hay đội tuyển vẫn dùng chứ không hề có ý định sử dụng chất cấm để tìm kiếm thành tích. “Từ sau vụ việc đó, tôi có ý thức hơn trong việc sử dụng thuốc và thực phẩm bổ sung. Các đồng đội tôi tại CLB và đội tuyển quốc gia cũng nhìn bài học của tôi mà rút kinh nghiệm. Tôi nghĩ rằng bản thân tôi (khi đó) và nhiều VĐV khác, đặc biệt là những người trẻ chưa có nhiều hiểu biết trong việc sử thuốc và thực phẩm bổ sung, nhiều khi vô tình trong đó có chất cấm mà mình không hay biết. Do vậy việc nhận thức của VĐV là rất quan trọng. Ngoài ra, bộ môn, lãnh đạo ngành, địa phương cũng cần tuyên truyền, giúp các VĐV hiểu biết hơn về chất cấm trong thể thao để không có thêm trường hợp đáng tiếc nào xảy ra”, Trường Tài chia sẻ.

Trong thời gian qua, những trường hợp VĐV Việt Nam liên quan đến doping thường được giải thích bởi khá nhiều lý do, trong đó phần nhiều là chuyện vô tình. Nhưng nhìn thẳng vào vấn đề thì chính các VĐV, HLV Việt Nam còn thiếu hiểu biết các kiến thức liên quan đến phòng, chống doping. Là một VĐV nổi tiếng của thể thao Việt Nam nhưng từng vướng vào nghi án doping, đô cử Hoàng Anh Tuấn (giành HCB tại Olympic Bắc Kinh 2008) chia sẻ: “Tôi cũng là người từng dính doping. Hiện tại, trên cương vị là HLV đội trẻ thì tôi đã có trao đổi với trung tâm phòng, chống doping và nhắc nhở VĐV nhiều vấn đề. Cụ thể, trong vòng 1 tháng trước khi thi đấu, họ phải báo với ban huấn luyện về những loại thuốc họ đang dùng để tránh những trường hợp ngoài ý muốn. Về thông tin các VĐV Việt Nam dương tính doping, tôi cũng rất lấy làm tiếc. Tôi nghĩ họ không may mắn thôi”.

Hoàng Anh Tuấn cũng hy vọng sau vụ việc này, các VĐV sẽ có ý thức hơn trong việc nhìn nhận, cách sử dụng thuốc đúng cách. Anh nói: “Các VĐV đã vượt qua nhiều khó khăn, ai cũng quyết tâm và cố gắng. Đây chỉ là tai nạn ngoài ý muốn. Thực tế, trong danh mục có đến hơn 200 chất cấm. Thậm chí, các thuốc phổ biến mình hay sử dụng cũng chứa những chất này. Tôi hy vọng, sau vụ việc này, các VĐV sẽ lưu ý, ghi chép lại những loại thuốc mình sử dụng để tránh những trường hợp như vậy”.

VĨNH HẢI – VŨ THANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top