Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

“Đo lường” đóng góp của văn hóa, vì sự phát triển bền vững

Thứ Hai 19/09/2022 | 14:08 GMT+7

VHO- Hội thảo "Báo cáo kết quả dự án triển khai thí điểm Bộ Chỉ số Văn hóa|2030 của UNESCO tại Việt Nam và TP. Huế” do Viện VHNT quốc gia Việt Nam phối hợp với Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ VHTTDL) và Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức đã diễn ra sáng 19.9 tại Hà Nội và Huế, với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Các chuyên gia trong nước và quốc tế nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án, từ đó hướng đến xây dựng Bộ chỉ số về văn hóa quốc gia, vì sự phát triển bền vững.

Hội thảo diễn ra tại đầu cầu Viện VHNT quốc gia Việt Nam (Hà Nội)

Tầm quan trọng của Bộ chỉ số Văn hóa

 PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam cho biết, từ thời điểm hội thảo khởi động dự án được tổ chức vào tháng 11.2021 cho đến nay là khoảng thời gian của những nỗ lực và cố gắng không ngừng nghỉ của nhóm triển khai dự án ở cả cấp quốc gia và tại TP. Huế, cùng với sự hợp tác, hỗ trợ tích cực của rất nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân các chuyên gia trong nước và quốc tế.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Bộ Chỉ số Văn hóa|2030 của UNESCO là một khung chỉ số chuyên đề nhằm đo lường và giám sát tiến độ đóng góp của văn hóa trong việc triển khai các mục tiêu thuộc Chương trình Nghị sự 2030 vì Sự Phát triển bền vững tại cấp quốc gia và các địa phương.

“Với 22 chỉ số được chia thành 4 nhóm bao quát các phương diện quan trọng nhất của phát triển bền vững, từ môi trường đến kinh tế và xã hội, Bộ chỉ số Văn hóa|2030 giúp đánh giá vai trò của văn hóa, vừa như một lĩnh vực độc lập và vừa như một thành tố xuyên suốt trong các lĩnh vực khác. Việc triển khai dự án được thực hiện theo các phương pháp và nguyên tắc mà UNESCO đề ra, đặc biệt là việc đảm bảo sự liên kết các nguồn dữ liệu do các cơ quan, đơn vị khác nhau nắm giữ...”, bà Phương nêu.

Để đảm bảo nguyên tắc này, nhóm triển khai dự án của Viện VHNT quốc gia Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị liên quan để thu thập và xử lý các dữ liệu định lượng, định tính cần thiết cho 22 chỉ số, gồm: đầu tư cho di sản, quản lý di sản bền vững, thích nghi và ứng phó với biến đổi khi hậu, thiết chế văn hóa, đóng góp của văn hóa vào GDP, việc làm trong lĩnh vực văn hóa, các doanh nghiệp văn hóa, chi tiêu của hộ gia đình cho văn hóa, kinh doanh hàng hóa và dịch vụ văn hóa, đầu tư công cho văn hóa, quản trị văn hóa, giáo dục văn hóa-nghệ thuật, giáo dục vì phát triển bền vững, giáo dục đa ngôn ngữ, đào tạo văn hóa, văn hóa vì sự gắn kết xã hội, tự do nghệ thuật, tiếp cận văn hóa, tham gia văn hóa và các quá trình tham gia.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương phát biểu tại Hội thảo

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cũng cho biết, với nguyên tắc và phương pháp xuyên suốt của Bộ chỉ số Văn hóa 2030, các kết quả của dự án có được là nhờ sự đóng góp, chia sẻ về tri thức và chuyên môn của rất nhiều tổ chức, cơ quan, và cá nhân các chuyên gia thống kê, chuyên gia văn hóa.

“Những phản hồi quý báu sẽ giúp nâng cao chất lượng của các sản phẩm dự án, từ đó giúp Việt Nam có thể đóng góp hiệu quả hơn vào bức tranh chung về hiện trạng văn hóa toàn cầu được trình bày trong báo cáo toàn cầu của dự án Chỉ số Văn hóa 2030 sẽ được công bố tại Hội nghị Thế giới về Chính sách văn hóa và Phát triển Bền vững của UNESCO (Mondiucult 2022) diễn ra vào ngày 28 và 29.9 tại Mexico”, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương nói.

Phó Tổng Giám đốc phụ trách văn hóa của UNESCO Emesto Ottone R nhấn mạnh ý nghĩa của những kết quả thực hiện Dự án. Đây sẽ là dữ liệu hình thành cái nhìn tổng quan toàn cầu về những đóng góp của văn hóa trong sự phát triển chung.

Phó trưởng Ban Hợp tác, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Jesús Lavina cũng khẳng định ý nghĩa của Bộ Chỉ số Văn hóa|2030 của UNESCO. Đặc biệt trong việc cho biết sự tiến bộ của văn hóa, đóng góp của văn hóa đối với phát triển, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Theo ông, dự án thu thập được nhiều dữ liệu hữu ích cho bộ chỉ số này.

Theo bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, dựa trên kết quả dự án thí điểm này, sẽ xây dựng bộ chỉ số văn hóa quốc gia vì sự phát triển bền vững. Bà Hòa nhận định, dự án đã cung cấp phương pháp luận, hiện trạng đóng góp của văn hóa ở cơ sở cũng như tăng cường năng lực cho đội ngũ chuyên gia để từ đó xây dựng bộ chỉ số quốc gia trong giai đoạn 2. “Mong rằng sau dự án, không chỉ Huế mà các tỉnh, thành khác cũng sẽ tham gia, cùng đánh giá vị trí của văn hóa trong sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương thông qua chính sách hỗ trợ vì mục tiêu phát triển bền vững...", bà Nguyễn Phương Hòa nhấn mạnh

Bà Phạm Thị Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, định lượng văn hóa là vấn đề rất quan trọng, để từ đó có sự quan tâm, đầu tư xứng đáng, tạo sức bật cho văn hóa trong sự phát triển bền vững của đất nước.

Còn đó những thách thức

Dự thảo báo cáo quốc gia từ kết quả dự án cho biết, việc triển khai Bộ Chỉ số Văn hóa|2030 là cơ hội cho Việt Nam  có được những hiểu biết thiết thực, nhằm củng cố sự gắn kết  giữa văn hóa và phát triển bền vững. Nhiều kết quả quan trọng từ triển khai dự án được báo cáo, theo đó khẳng định, di sản văn hóa đã và đang là một trong những trọng tâm của chính  sách văn hóa ở Việt Nam. Đầu tư cho di sản là trách nhiệm chung của cả Trung ương và địa phương. “Vai trò của cộng đồng như là những nhân tố tích cực định hình chính sách văn hóa và các biện pháp quản trị đã được cải thiện rất nhiều, đặc biệt trong lĩnh vực di sản văn hóa...”, báo cáo nêu.

Bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL), Thường trực Tiểu ban Văn hóa, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam

Dự thảo Báo cáo cũng cho biết những kết quả  nghiên cứu quan trọng khác như mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu và bảo tồn di sản; cơ sở hạ tầng văn hóa; số người làm việc trong các ngành văn hóa; xuất khẩu văn hóa của Việt Nam tạo ra những giá trị kinh tế quan trọng; đầu tư cho văn hóa; hệ thống chính sách văn hóa...

Các thách thức cũng được nêu rõ, với nguồn tài chính hạn chế, ngành văn hóa ở Việt Nam thiếu các nguồn lực cần thiết để thực thi vai trò quan trọng của mình. “Nhìn chung, cách tiếp cận của các nhà tài trợ công và các nhà hoạch định chính sách  vẫn mang tính chất từ trên xuống. Khu vực văn hóa vẫn chưa được coi là một ưu tiên chính yếu trong các chiến lược và chương trình phát triển”, báo cáo nêu.

Để văn hóa thực sự đóng góp vào sự tăng trưởng và phát triển về kinh tế,  chính văn hóa cần phải đảm bảo được sự bền vững của mình. Trên thực tế, các vấn đề như điều kiện làm việc, quan hệ lao động và an sinh việc làm của những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa  còn chưa được chú trọng trong các văn bản chính sách. Đồng thời, các tổ chức văn hóa hiện đang đối diện  với những khó khăn xuất phát từ việc cắt giảm  ngân sách cũng như các mô hình gây quỹ không phù hợp.

Sự cần thiết phải có tiếp cận liên ngành còn hạn chế. Những nỗ lực nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa hai khu vực văn hóa và giáo dục còn gặp nhiều khó khăn do thiếu vắng  cơ chế đối thoại hiệu quả, cùng những rào cản từ các thủ tục hành chính phức tạp. Bảo tàng, triển lãm nghệ thuật, thư viện... có nguồn lực văn hóa dồi dào và là  địa điểm quan trọng cho các hoạt động giáo dục. Tuy nhiên, nhiều tổ chức  chưa thực sự cởi mở và tạo điều kiện cho các trường học và cơ sở đào tạo tiếp cận các nguồn lực này.

Nhiều nội dung quan trọng đã được thảo luận tại hội thảo

Bên cạnh đó, mặc dù đã có những cải thiện đáng kể, hệ thống chính sách, đặc biệt là các chính sách liên quan đến công nghiệp văn hóa chưa theo kịp tốc độ phát triển của khu vực này

Việc thiếu vắng hệ thống thống kê và các nghiên cứu chuyên sâu ở cấp quốc gia là một trong những thách thức lớn đối với việc xây dựng và triển khai các chính sách mang tính thực tiễn và đáng tin cậy.

Từ những kết quả nghiên cứu, các chuyên gia đưa ra các giải pháp cho những bước tiếp theo. Theo đó, để văn hóa phát huy hết tiềm năng cho sự phát triển bền vững của quốc gia, Việt Nam cần đưa ra và thực hiện một số giải pháp dựa trên việc sử dụng công cụ thống kê của Bộ Chỉ số Văn hóa|2030. Điều đầu tiên là phải thiết lập một hệ thống báo cáo đồng bộ tại Bộ VHTTDL. Hệ thống thống kê cũng đặt ra yêu cầu đối với các đơn vị phải báo cáo và cập nhật thường xuyên để duy trì sức sống của cơ sở dữ liệu.

 Cần xây dựng cơ chế phát triển các quan hệ đối tác liên bộ và liên ngành với trọng tâm là chia sẻ và minh bạch thông tin. “Để phát huy đầy đủ tiềm năng của Bộ Chỉ số Văn hóa|2030, đánh giá và cập nhật thường xuyên phải được thực hiện cùng với việc đào tạo các bên liên quan về phương pháp và khung chỉ số”, dự thảo báo cáo quốc gia nhấn mạnh.

PHƯƠNG ANH; ảnh: XUÂN TRƯỜNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top