Sẽ triển khai Bộ quy tắc phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc

VHO- Sau khi lấy ý kiến các Bộ, ngành, dự kiến cuối năm nay Bộ LĐ,TB&XH sẽ trình Bộ quy tắc phòng chống quấy rối tình dục (QRTD) tại nơi làm việc tới Ủy ban quan hệ lao động quốc gia để thông qua.

Sẽ triển khai Bộ quy tắc phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc - Anh 1

 Bộ quy tắc phòng chống QRTD nơi làm việc sẽ tạo môi trường lao động an toàn, lành mạnh

Bộ quy tắc được triển khai không chỉ nhằm tạo môi trường làm việc tốt hơn tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mà còn là tiêu chí để đáp ứng các điều kiện quốc tế khi Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại tự do và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Vì “nhạy cảm” của vấn đề nên nhiều nội dung không thể diễn đạt

Với trách nhiệm người đứng đầu cơ quan xây dựng dự thảo, ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ,TB&XH), cho biết phòng chống QRTD tại nơi làm việc đã được đề cập lần đầu tiên tại Bộ luật Lao động năm 2012 nhưng rất sơ sài, chỉ cơ bản 1 điều luật quy định cấm QRTD tại nơi làm việc. Đến Bộ luật Lao động năm 2019 đã căn bản đưa ra nhiều nội dung đề cập đến vấn đề này; sau đó Chính phủ ban hành Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động đã quy định rõ về phòng, chống QRTD tại nơi làm việc, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.2.2021, đã đưa ra những quy định quan trọng như định nghĩa về QRTD, nơi làm việc, xác định trách nhiệm mỗi bên trong đó người sử dụng lao động phải xây dựng giải pháp phòng chống QRTD nơi làm việc, và đưa nội dung này vào nội quy của đơn vị.

Tuy nhiên vì tính chất “nhạy cảm” của vấn đề nên nhiều nội dung không thể diễn đạt, cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật bởi khái niệm “nơi làm việc” và hành vi QRTD có phạm trù khác nhau. Vì có thể hành vi này với doanh nghiệp này là QRTD nhưng với doanh nghiệp khác là không, chỗ này là nơi làm việc của doanh nghiệp này, nhưng không phải là nơi làm việc của doanh nghiệp khác… Do đó Bộ luật Lao động năm 2019 giao cho doanh nghiệp tự xây dựng các quy định cụ thể về hành vi QRTD là gì, thế nào là nơi làm việc, trình tự thủ tục khiếu nại, tố cáo, xử lý, giải quyết liên quan đến hành vi QRTD… Bộ LĐ,TB&XH đã xây dự thảo Bộ quy tắc về phòng chống QRTD tại nơi làm việc dựa trên việc cập nhật và điều chỉnh phù hợp hơn với tình hình thực tiễn. Khi được thông qua, các doanh nghiệp sẽ dựa trên Bộ quy tắc phòng chống QRTD để đưa ra các quy định của mình.

“Việc xây dựng và triển khai thực hiện Bộ quy tắc có ý nghĩa quan trọng trong thời điểm hiện nay, khi Việt Nam đang trong giai đoạn thực thi các cam kết quốc tế về quyền con người, hay trong các hiệp định thương mại tự do cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều khách hàng quốc tế yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam phải có quy định phòng chống QRTD tại nơi làm việc mới ký kết đơn hàng. Chẳng hạn, Đức đã ban hành luật về chuỗi cung ứng, Liên minh châu Âu đang xây dựng quy định và luật hóa các yêu cầu phòng chống QRTD này. Do đó việc xây dựng và thực hiện Bộ quy tắc vừa là để thực thi các quy định của pháp luật (không những tạo điều kiện cho người lao động làm việc trong môi trường an toàn, mà còn tạo lợi ích lớn cho doanh nghiệp, như tăng năng suất lao động, tăng uy tín, năng lực cạnh tranh), và là đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp Việt Nam trong quan hệ với các đối tác quốc tế”, Vụ trưởng Vụ Pháp chế nói.

Phải nhận diện về các hành vi QRTD

Với vai trò hỗ trợ xây dựng Bộ quy tắc phòng chống QRTD tại nơi làm việc, ông Phillip, Giám đốc dự án NIRF Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Việt Nam khẳng định: Bạo lực và QRTD là mối nguy tại nơi làm việc và vi phạm quyền con người. Bộ quy tắc phòng chống QRTD được ban hành sẽ phản ánh cam kết của Chính phủ đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế về lao động. Bộ LĐ,TB&XH và các đối tác đưa bộ quy tắc vào thực tế càng sớm càng tốt. “Tất cả mọi người đều có vai trò nhất định trong phòng chống QRTD tại cơ quan, doanh nghiệp, nơi làm việc”, ông Phillip nhấn mạnh.

Theo ông Đoàn Xuân Trường, Đại học Luật Hà Nội, để phòng chống QRTD tại nơi làm việc thì phải nhận diện về các hành vi QRTD; có rất nhiều hành vi bị hoài nghi, nghi ngờ đó có phải là QRTD hay không như nháy mắt, vỗ vai… Do đó, từ các quy định của luật, có thể thấy hành vi QRTD gồm 3 loại: Hành vi mang tính chất thể chất (hành động, cử chi, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục); QRTD bằng lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục; QRTD phi lời nói là ngôn ngữ cơ thể, trưng bày, miêu tả trực tiếp hoặc phương tiện điện tử các tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục. Đồng thời, thái độ phản ứng của người tiếp nhận phải thể hiện đang bị quấy rối, không mong muốn, hoặc không chấp nhận bằng cách bày tỏ thái độ trực tiếp với người thực hiện hành vi; bày tỏ thái độ trên mạng xã hội cá nhân, thông báo sự việc tới cấp thẩm quyền, với đồng nghiệp…

Tuy nhiên, ông Trường cho biết thêm, Bộ quy tắc chỉ mang tính khuyến nghị, không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, không nên để diễn ra tình trạng QRTD nơi làm việc vì khi xảy ra, việc kiện tụng cũng rất khó khăn trong việc điều tra, xét xử. “Dù vậy, xây dựng và triển khai Bộ quy tắc là cần thiết vì về mặt xã hội sẽ giúp thay đổi nhận thức của các bên, cộng đồng xã hội đối với QRTD, đó không phải là chuyện tiếu lâm mà là môi trường làm việc hài hoà; đôi khi là hành động quan tâm nhưng nếu không hiểu đúng sẽ dẫn đến vi phạm…”, giảng viên Đại học Luật Hà Nội chia sẻ. 

 QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc