Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Gỡ khó cho Cồn Hến

Thứ Hai 26/09/2022 | 09:27 GMT+7

VHO- Gần 25 năm qua, hàng nghìn người dân ở Cồn Hến (phường Vỹ Dạ, TP Huế, Thừa Thiên Huế) sống trong cảnh tạm bợ, nhếch nhác, có tiền cũng không dám xây nhà vì vướng phải quy hoạch của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Cồn Hến giữa sông Hương

 Khi hay tin tỉnh đang điều chỉnh lại quy hoạch và giữ lại khu dân cư, chỉnh trang không gian công cộng cho Cồn Hến, người dân ở đây vui mừng khôn siết…

Thụt lùi đủ thứ

Quy hoạch Cồn Hến được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt từ năm 1998, với mong muốn kêu gọi đầu tư phát triển dịch vụ thương mại, du lịch ở khu vực bãi đất nổi trù phú giữa sông Hương này. Đến năm 2015, tỉnh tiếp tục công bố quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1:500) khu du lịch dịch vụ cao cấp ở đây, với quy mô quy hoạch là 26,4 ha, gồm diện tích toàn bộ phần đất liền Cồn Hến và diện tích mặt nước bao quanh khu vực này. Thế nhưng nhiều năm liền kêu gọi đầu tư vẫn chưa có doanh nghiệp nào “gật đầu”, mà nguyên nhân được cho là nguồn kinh phí của công tác giải phóng mặt bằng và đền bù, di dời dân cư ở đây là quá lớn.

Cũng từ khi có quy hoạch, người dân ở Cồn Hến luôn sống trong tâm thế sẽ di dời đến nơi mới, nhưng chờ mãi suốt gần 25 năm vẫn “giậm chân tại chỗ”. Nhiều ngôi nhà xuống cấp, dột nát nhưng chỉ dám sửa chữa, chắp vá để ở chứ không xây dựng mới vì dính quy hoạch. Đây cũng là vùng thấp trũng, thường xuyên hứng chịu cảnh lũ lụt khi nước sông Hương dâng cao nên người dân càng khốn khó.

Dù là vùng có đến 1.200 hộ với khoảng 4.500 nhân khẩu, nhưng Cồn Hến lại ít được quan tâm đầu tư đúng mức các thiết chế văn hóa, giáo dục, chủ yếu là cơ sở quá cũ kỹ, xuống cấp nghiêm trọng. Một vị trí đắc địa, có phong cảnh đẹp ngay giữa thành phố Huế lại bị thụt lùi về cơ sở hạ tầng, kiến trúc so với những khu vực lân cận. Đã đến lúc cần mạnh dạn điều chỉnh, xóa bỏ quy hoạch để cộng đồng dân cư ở đây yên tâm đầu tư nâng cấp, xây dựng nhà cửa, phát triển kinh tế và đời sống tinh thần.

Gia đình ông Phạm Văn Bôn, ở cạnh chân cầu Phú Lưu, mở quán bán bún hến hàng chục năm qua. Ngôi nhà đã xuống cấp, ông rất muốn xây mới, mở rộng thêm để vừa sinh sống vừa thuận lợi cho buôn bán nhưng không thực hiện được vì dính quy hoạch. Từ năm 1998, khi tỉnh có quy hoạch, UBND phường Vĩ Dạ đã thông báo đến dân cư trên Cồn Hến không được xây dựng nhà mới, cũng có một số hộ dân liều xây dựng dù biết khi giải tỏa sẽ không được đền bù. Nhiều hộ dân muốn vay vốn làm ăn, phát triển kinh tế nhưng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại vay được rất ít vì nằm trong vùng quy hoạch.

“Sau 24 năm quy hoạch “treo”, người dân ở Cồn Hến thiệt thòi về nhiều mặt, trong đời sống kinh tế cũng như các thiết chế văn hóa, hạ tầng. Giờ nghe tin tỉnh sẽ điều chỉnh lại quy hoạch thì ai cũng mừng. Dù 24 năm là rất muộn nhưng người dân chúng tôi rất mong quy hoạch mới sẽ phù hợp với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu phát triển của bà con và địa phương”, ông Phạm Văn Bôn bày tỏ.

 Căn nhà gia đình ông Phạm Văn Bôn muốn xây mới mở rộng nhưng vướng quy hoạch

Sẽ đảm bảo hài hòa lợi ích

Ông Nguyễn Việt Bằng, Phó Chủ tịch UBND TP Huế thông tin, quy hoạch Cồn Hến đã được phê duyệt thời gian dài, quá trình quản lý đất đai ở khu vực này còn rất nhiều diện tích đất nông nghiệp. Để điều chỉnh quy hoạch và khai thác giá trị nguồn tài nguyên đất ở đây, UBND tỉnh đã giao cho UBND TP Huế nghiên cứu điều chỉnh phù hợp, tránh ảnh hưởng đến phần lớn dân cư và các công trình tín ngưỡng, văn hóa đã tồn tại lâu đời.

“Trước đây, theo quy hoạch là giải tỏa trắng ở Cồn Hến để kêu gọi dự án du lịch dịch vụ cao cấp. Tuy nhiên, qua rà soát nhu cầu của người dân sinh sống lâu đời ở đây và định hướng phát triển theo quy hoạch tại quyết định số 649/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050”, tỉnh đã chủ trương rà soát điều chỉnh giữ lại một phần dân cư và khai thác tốt quỹ đất trên Cồn Hến. Hiện nay, UBND TP Huế đã phối hợp với đơn vị tư vấn lập đồ án, dự kiến tháng 10 sẽ báo cáo UBND tỉnh và lấy ý kiến các Sở, ngành về điều chỉnh quy hoạch này, ông Nguyễn Việt Bằng cho biết thêm.

Theo UBND TP Huế, điều chỉnh quy hoạch Cồn Hến sẽ giữ lại dân cư khu vực phía thượng nguồn (tức phía Tây), khai thác phần đất nông nghiệp ở khu vực phía Đông, xây dựng tuyến đường xung quanh Cồn Hến và hệ thống cầu đi bộ nhằm tạo không gian công cộng cho người dân ở đây. Quy hoạch này đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân sinh sống lâu dài trên cồn và phát huy tốt tiềm năng, giá trị của khu vực này, đặc biệt là hướng đến không gian công cộng, nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng…

THÙY AN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top