Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

“Văn hóa còn thì dân tộc còn” (Bài 4): Khát vọng nở hoa trên đá

Thứ Hai 26/09/2022 | 09:36 GMT+7

VHO- Khó có thể hình dung, một thung lũng chỉ toàn đá tai mèo ở Quản Bạ (Hà Giang), những ngọn đồi trọc ở ven rừng Phja Oắc (huyện Nguyên Bình, Cao Bằng), một làng dân tộc Dao Tiền hơn 90% hộ nghèo lại có ngày trở thành nơi lãng mạn, giàu màu sắc văn hóa như ngày hôm nay.

 Phụ nữ Hoài Khao in sáp ong và thêu thùa trang phục truyền thống Ảnh: TRỌNG HẢI

Phát huy tinh thần và với sự dẫn dắt của những đảng viên nặng lòng với quê hương, những mảnh đất nghèo đang dần khoác lên mình màu áo mới, khơi dậy và hiện thực hóa khát vọng “nở hoa trên đá”.

Làm giàu trên đất nghèo

Đi trên những con đường xuyên rừng tuyệt đẹp, thăm những tổ ong khoái khổng lồ trong rừng Phja Oắc- Phja Đén, Lý Hữu Nhảy, khi đó đang là Bí thư chi bộ xóm Hoài Khao (xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình) nói với chúng tôi: “Hoài Khao xưa cả làng có đến hơn 90% hộ nghèo, điện không, đường làng nhỏ, người dân không đi đâu ra khỏi làng, nhận thức hạn hẹp...”.

Ở xóm nghèo ấy, người dân cũng không bao giờ nghĩ mình có thể đón khách du lịch. Bí thư Huyện ủy Nguyên Bình Nông Quốc Hùng tới tận nơi khảo sát, trực tiếp chỉ đạo tập trung nguồn lực để phát triển du lịch cộng đồng ở Hoài Khao. “Bí thư Hùng là người đã truyền cho chúng tôi khát vọng thay đổi cuộc đời, để chúng tôi thấy rằng trên nền tảng văn hóa, hồn cốt của dân tộc, đá cũng sẽ “nở hoa”...”, đảng viên trẻ Lý Hữu Nhảy tâm sự. Dù bước đầu bỡ ngỡ nhưng các đảng viên trong chi bộ đã dần nhận thức ra con đường mới để đưa ngôi làng thoát nghèo. Trong tất cả các cuộc họp, nội dung chính là tuyên truyền, vận động người dân chỉnh trang nhà cửa, di dời chuồng trại, trồng thêm cây cảnh, tạo cảnh quan đẹp đón khách tới thăm. Hoài Khao có 34 hộ dân đều là dân tộc Dao Tiền. Nằm ở vùng đệm của Vườn quốc gia Phja Oắc - Phja Đén, ngôi làng còn giữ được nguyên vẹn nét nguyên sơ, mộc mạc truyền thống. Từ những ngôi nhà mái ngói âm dương; trang phục hoa văn tinh tế, in sáp ong độc đáo đến lễ cấp sắc, nghề chạm khắc bạc; những món ăn, bài thuốc y học cổ truyền..., đã tạo nền tảng để Hoài Khao vừa phát triển kinh tế xanh, vừa bảo tồn văn hóa truyền thống. Từ con số gần bằng 0, đến giờ Hoài Khao đã có 7 hộ gia đình làm homestay, nhiều gia đình khác tham gia du lịch cộng đồng qua các tổ đội thêu thùa, văn nghệ, chấm sáp ong…

Bà con ở Hoài Khao những ngày đầu bỡ ngỡ làm du lịch cộng đồng

Chúng tôi chứng kiến hình ảnh nhiều du khách tìm đến Hoài Khao tham quan và lưu trú để trải nghiệm văn hóa và cuộc sống ở ngôi làng xinh đẹp này. Bên bếp lửa hồng, homestay Nhất Nhất ngập tiếng cười, điệu hát Páo Dung từ xa xa êm ái vọng lại. Lý Hữu Nhất, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quang Thành, anh trai Lý Hữu Nhảy kể chuyện cổ tích Hoài Khao: “Làng du lịch cộng đồng xóm Hoài Khao được chuẩn bị và công nhận đúng vào năm dịch Covid-19 đang tàn phá. Chúng tôi mừng ít lo nhiều, nhưng nếu cứ run sợ thì sẽ không chiến thắng được đại dịch, nghèo vẫn hoàn nghèo. Anh em tôi đều là đảng viên, thấy mình phải đi tiên phong mới vận động bà con nghe và làm theo. Bao nhiêu vốn liếng tôi sử dụng hết, thiếu thì đi vay. Đến giờ, Hoài Khao đổi mới, tôi càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng ủy, chính quyền địa phương và sự dám nghĩ, dám làm của bản thân”.

  

Du khách trải nghiệm hái chè ở Kolia

Bóng chiều đổ dài khi chúng tôi men theo con đường nhỏ, thong thả trên những sườn đồi nở đầy hoa mua tím đi vào đồn điền chè Kolia của anh Hoàng Mạnh Ngọc, Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ tỉnh Cao Bằng. Nằm ngay bên rừng Phja Đén (xã Thành Công, huyện Nguyên Bình), trên độ cao 1.200m, đồn điền chè trùng điệp từ quả đồi nọ nối quả đồi kia ở vùng khí hậu nhiệt đới tiểu Á. Đam mê cây chè và dành nhiều tâm huyết để làm ra những sản phẩm chất lượng tốt, anh Ngọc tâm sự, văn hóa độc đáo ở vùng cao Nguyên Bình này mới là thứ làm anh say đắm nhất. Dựa trên những giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương, anh Ngọc đã biến đồn điền chè và địa danh Kolia Organic Farm thành một khu du lịch trải nghiệm mới lạ, khác biệt.

Yêu văn hóa của vùng đất, anh Ngọc luôn tâm niệm phải lấy văn hóa làm gốc để phát triển kinh tế, du lịch. “Chúng tôi luôn luôn nhắc mình phải hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, khai thác các giá trị văn hóa mà không làm mất đi bản sắc, để cộng đồng được hưởng lợi, được thưởng thức các giá trị văn hóa. Và đây cũng là cách đưa hình ảnh Việt Nam đến với thế giới nhanh nhất”, anh Ngọc nói. Ai có thể tin, 15 năm về trước, Kolia là khu chăn thả gia súc của làng Phja Đén, những quả đồi bạc màu trơ sỏi đá. Vợ chồng anh Hoàng Mạnh Ngọc, người con của quê hương Nguyên Bình đã nhìn ra tiềm năng đang ngủ say dưới làn sương trắng, ẩn sau vùng đất hoang kia. Không có nguồn nước, không có đường, chỉ bằng những bàn tay yêu lao động và khát vọng làm giàu cho quê hương, anh Ngọc đã phát quang cỏ dại, vỡ đất hơn 30ha. Dần dần, dự án trồng chè được mở, tạo vùng nguyên liệu và việc làm cho nhân dân trong vùng. Sản lượng chè đạt 7 tấn búp khô, thu nhập 3,5 tỉ đồng/năm. Mô hình sản xuất chè kết hợp du lịch nghỉ dưỡng sinh thái đã thu hút du khách đến tham quan kết hợp trải nghiệm.

Rời Phja Đén, chúng tôi cứ tưởng tượng, sớm thôi, khi trở lại nơi này, sẽ được đắm mình trong một không gian đậm đặc màu sắc văn hóa người Dao, giữa vùng non nước tinh khiết vô ngần.

 Thôn Tha đẹp như một bức tranh

Sức bật từ văn hóa truyền thống

Người cựu binh già ở mặt trận Vị Xuyên Nguyễn Văn Cậy đưa chúng tôi lên ngọn đồi toàn những cây cọ cao vút, xanh ngút ngàn bằng chiếc xe máy Dream cũ mà ông lái bằng một cánh tay lành. Ông là chủ của Cậy’s homestay, ở thôn Tha, xã Phương Độ, TP Hà Giang (Hà Giang).

“Sau khi ra quân năm 1988, tôi bị tai nạn cụt mất một bàn tay. Năm 2007, điều kiện kinh tế của gia đình còn khó khăn, tôi làm đủ nghề nhưng thu nhập vẫn thấp. Trong làng khi ấy đã có khách du lịch, họ cứ đi lang thang. Tôi cũng không biết họ đi như thế để làm gì. Sau này lên đây, chỗ đỉnh đồi này nhìn xuống thì tôi cũng sững sờ, vì thôn mình đẹp quá”, ông Cậy nói. Ông chỉ cho tôi điểm ngắm toàn cảnh thôn Tha đẹp nhất. Thôn Tha có hơn 150 nếp nhà sàn lợp mái cọ của người Tày cổ đã sinh sống ở đây từ hơn 800 năm qua. Trước mỗi nhà có một ao nước trong vắt, vừa để tưới tiêu, vừa thả cá và chăn nuôi. Giữa cánh đồng rực rỡ pha màu vàng, xanh, trong ánh nắng chiều thu, thôn Tha đẹp như một bức tranh. Liên tục chào người làng bằng tiếng Tày, chào khách du lịch bằng tiếng Anh, người cựu binh, đảng viên dân tộc Tày hài hước: “Dân thôn Tha giờ nói ngoại ngữ tài lắm. Anh, Pháp, Nhật, toàn “tiếng bồi” nhưng rất thú vị. Chúng tôi cũng giới thiệu được với du khách nhiều hơn về quê hương mình”.

Chúng tôi ngày càng chú ý nhiều hơn tới việc gìn giữ văn hóa truyền thống. Khách du lịch rất yêu thích tìm hiểu văn hóa địa phương. Trước đại dịch, thôn nhỏ sớm tối ngập tiếng hát Then, đàn Tính, các làn điệu hát Cọi, hát Lượn...

Hằng năm, thôn Tha vẫn giữ nguyên phong tục, tổ chức các lễ hội văn hóa của người Tày như lễ hội Lồng Tồng (Xuống đồng), lễ hội tín ngưỡng cầu phúc, cầu an Lẩu Then Bjoóc Mạ, lễ hội cơm mới Lẩu Then Cốm... nên càng thu hút đông khách. Người dân có công ăn việc làm, đường làng ngõ xóm sạch sẽ, bản sắc văn hóa được bảo tồn và phát huy.

(Cựu binh NGUYỄN VĂN CẬY)

Hội nhập, làm giàu nhưng những lớp người như ông Cậy vẫn luôn canh cánh nỗi lòng giữ linh hồn dân tộc. Một, hai ngôi nhà đầu làng vội vã bỏ mái nhà cọ để đổ bê tông, rồi cũng nhanh chóng nhận ra việc làm ấy đã đánh mất đi nét văn hóa tinh túy hàng trăm năm của dân tộc. Chi bộ, chính quyền tuyên truyền, vận động. Dân thôn Tha giờ đây ai cũng ý thức được rằng, tất cả đều cần đến văn hóa. Không có văn hóa thì sự no đủ cũng chỉ tạm thời và không bền vững. “Chúng tôi ngày càng chú ý nhiều hơn tới việc gìn giữ văn hóa truyền thống. Khách du lịch rất yêu thích tìm hiểu văn hóa địa phương. Trước đại dịch, thôn nhỏ sớm tối ngập tiếng hát Then, đàn Tính, các làn điệu hát Cọi, hát Lượn... Hằng năm, thôn Tha vẫn giữ nguyên phong tục, tổ chức các lễ hội văn hóa của người Tày như lễ hội Lồng Tồng (Xuống đồng), lễ hội tín ngưỡng cầu phúc, cầu an Lẩu Then Bjoóc Mạ, lễ hội cơm mới Lẩu Then Cốm... nên càng thu hút đông khách. Người dân có công ăn việc làm, đường làng ngõ xóm sạch sẽ, bản sắc văn hóa được bảo tồn và phát huy”, người đảng viên già chia sẻ.

Chi bộ Đảng thôn Tha cũng là một chi bộ hoạt động mạnh, thường xuyên đồng hành với bà con giữ gìn bản sắc dân tộc, vượt qua hủ tục. Tại vị trí ông Cậy ngồi trò chuyện với chúng tôi, ngày trước là chuồng trâu, chuồng bò. “Khách lúc đầu còn thích vì tính nguyên bản, nhưng về sau thì không chịu nổi vì mất vệ sinh môi trường. Gia đình tôi và một số gia đình đảng viên khác tiên phong di dời, sau đó tuyên truyền, vận động quần chúng làm theo...”, ông nói.

Ông Nguyễn Văn Cậy giới thiệu về Cậy's Homestay tại thôn Tha, xã Phương Độ, TP Hà Giang (Hà Giang)

Từ những giá trị văn hóa truyền thống tạo nên bản sắc, nền tảng để thay đổi cuộc sống, trên suốt hành trình tác nghiệp của chúng tôi, có nhiều câu chuyện như gia đình ông Cậy. Nếu không có những hạt nhân tiêu biểu, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng như họ thì rất có thể, thôn Tha hay bất cứ một ngôi làng cổ truyền nào cũng rất dễ mất đi gốc gác của mình. Năm 2018- 2019, có tháng cao điểm gia đình ông thu nhập tới hơn 100 triệu từ du lịch, trừ chi phí cũng còn 60-70 triệu. Sau một thời gian tê liệt vì dịch giã, đến nay khách đã đều đều trở lại.

Triển khai Nghị quyết, hướng dẫn của cấp trên về phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19, những “người con của Đảng” trên vùng đất này đều “gặp nhau” ở tinh thần lấy văn hóa làm nền tảng, tạo sức bật. Mỗi ngày đi trên con đường làng, ông Cậy không chỉ nhận ra sở thích của du khách khi trải nghiệm với đồng áng, thiên nhiên, ngắm ruộng bậc thang, đi bộ xuyên rừng... mà còn là những giá trị vô hình được tạo nên từ văn hóa ứng xử, từ những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể mà cộng đồng đã chung tay hun đúc, giữ gìn. Rời thôn Tha, chúng tôi đến thung lũng Tráng Kìm (xã Đông Hà, huyện Quản Bạ), để được tận mắt nhìn thấy “những đổi thay không ngờ trên cao nguyên đá”, theo cách nói của một cán bộ văn hóa ở Hà Giang. Tráng Kìm ít năm trước vẫn còn hoang vu, toàn một màu xám xịt của đá tai mèo. Giờ đây, thung lũng hiện ra vừa hùng vĩ, vừa lãng mạn như một bức tranh thủy mặc. Hmong Village, một địa điểm đầy sức hút ở Quản Bạ vài năm gần đây càng làm nổi bật lên sức sáng tạo của con người, trên nền tảng của những màu sắc văn hóa dân tộc Mông. Chủ nhân Hmong Village, ông Lại Quốc Tĩnh tâm sự: “Tuổi trẻ tôi gửi lại mảnh đất này, bởi những sắc màu văn hóa các dân tộc ở vùng Quản Bạ và đặc biệt là văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông đã làm tôi mê đắm”.

H'Mong Village hiện thực hoá khát vọng nở hoa trên đá

Mời chúng tôi nếm thử bánh ngô, thứ bánh làm từ bột ngô được trồng trên đất Tráng Kìm mang vị ngọt thanh và mùi thơm nhẹ, ông Tĩnh nhớ lại những ngày đầu hoang vu của vùng đất, khi người dân còn không biết làm gì ngoài trồng ngô trên hốc đá. Quán triệt định hướng và vận động của Đảng, chính quyền địa phương, ông Tĩnh đầu tư làm đường, xây dựng những ngôi nhà với kiến trúc cổ trình tường, kiến trúc theo mô hình quẩy tấu, biểu tượng mật thiết trong đời sống đồng bào Mông. H’Mong Village là nơi gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Mông. Giữa không gian núi rừng Quản Bạ, không gian văn hóa Mông nổi bật dấu ấn xa xưa mà vẫn thấm đẫm hơi thở đương đại. Ở Hà Giang, người Mông chiếm 31%, đông nhất trong các dân tộc thiểu số. Đặc biệt ở vùng cao nguyên đá, dân tộc Mông chiếm 60 - 70%. Người Mông phần lớn còn giữ được nét văn hóa truyền thống, đặc biệt là kiến trúc, trang phục, tiếng nói, phong tục tập quán… “Chúng tôi luôn tâm niệm phải khai thác tối đa giá trị văn hóa bản địa, những giá trị khác biệt thì mới phát triển bền vững được”, ông Tĩnh tâm sự.

Bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo các địa phương miền núi như Hà Giang. Câu chuyện thực tế của người dân trên những mảnh đất xa xôi, cằn cỗi mà chúng tôi tận mắt chứng kiến cho thấy sự đúng đắn trong hướng đi này, như lời khẳng định của Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh: “Hà Giang đang tập trung phát triển du lịch, đồng thời tạo sinh kế cho người dân, thay đổi tư duy của bà con vùng cao, thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, xóa bỏ các phong tục, hủ tục lạc hậu, đẩy lùi nghèo đói. Phát triển du lịch phải gắn với bảo vệ môi trường, Hà Giang đã dừng tất cả các dự án thủy điện, khai thác quặng để phát triển bền vững, đảm bảo giữ dân, giữ biên cương, giữ đất...”. 

 

Ghi chép của THU TRANG - THÚY HÀ

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top