Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Xây dựng không gian trình diễn Đờn ca tài tử cố định tại TP.HCM: Tại sao không?

Thứ Hai 26/09/2022 | 09:45 GMT+7

VHO-  Đó là một trong những vấn đề được đặt ra tại Hội nghị triển khai Kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025, do Sở VHTT vừa tổ chức.

 Trung tâm Văn hóa TP.HCM tổ chức chương trình Đờn ca tài tử “Trên bến dưới thuyền” để phục vụ du khách và người dân

Phó Giám đốc Sở VHTT Võ Trọng Nam ghi nhận một thực tế là hiện tại TP.HCM không còn địa điểm, sân khấu nào để trình diễn Đờn ca tài tử, chính vì thế việc phát triển loại hình này gắn với du lịch vẫn chưa thực hiện được. Thông tin từ các địa phương cho biết, hoạt động Đờn ca tài tử tại TP.HCM đang phát triển rộng khắp với hàng trăm câu lạc bộ (CLB) và hàng ngàn nghệ nhân. Tuy nhiên, hoạt động này cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế, đặc biệt là thiếu kinh phí.

Ngày 13.3.2018, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 973 về phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn TP (giai đoạn 2018-2020), trong đó giao Sở VHTT chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và UBND quận, huyện tổ chức triển khai thực hiện. Báo cáo kết quả triển khai Đề án, Sở VHTT cho biết, ở cấp cơ sở, các quận, huyện không ngừng củng cố, mở rộng hoạt động của các CLB để tạo sân chơi cho những người yêu mến loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử. Qua báo cáo kết quả kiểm kê, đến năm 2020, TP.HCM có 292 CLB, đội nhóm Đờn ca tài tử đang hoạt động với tổng số thành viên trên 3.000 người.

Trăn trở bài toán kinh phí

Nhìn nhận việc triển khai Quyết định số 973 thời gian qua, ông Hoàng Nghị, Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa (Sở VHTT) cho biết, nghệ thuật Đờn ca tài tử là di sản hết sức đặc thù vừa bình dân, vừa bác học, vừa khuôn mẫu nhưng cũng đậm chất sáng tạo. Do đó vừa thực hiện bảo tồn nguyên bản, vừa làm cho mới mẻ, phong phú để hấp dẫn công chúng là một thách thức không nhỏ, nhất là khi mà hiện nay các nghệ nhân chuyên môn đã lớn tuổi.

Số người tham gia các CLB nhiều, thế nhưng số nghệ nhân am hiểu về bài bản tài tử không nhiều, đa phần chỉ biết ca vọng cổ và trích đoạn cải lương, nội dung sinh hoạt đơn điệu nên dễ gây nhàm chán. Bên cạnh đó, do hạn chế về kinh phí nên công tác quảng bá và tổ chức các hoạt động còn hạn chế, thù lao tác giả chưa phù hợp… Một cán bộ Phòng VH-TT quận 1 cho hay, “trên địa bàn có một số CLB hoạt động rất mạnh mẽ nhưng cũng tự góp kinh phí, bỏ tiền sinh hoạt, thuê thầy dạy đờn, mua thiết bị,… Trước tình hình này, Phòng đang xây dựng kế hoạch xin kinh phí nhưng đến nay vẫn chưa được duyệt. Đài Truyền hình TP.HCM cho biết hiện rất khó tìm nhà tài trợ cho các chương trình Đờn ca tài tử và Cải lương, dù số lượng khán giả xem rất đông. Hiện may mắn là chương trình Chuông vàng vọng cổ phát triển được nhờ nguồn tài trợ cố định có từ trước, trong khi các chương trình khác thì khó tìm nguồn kinh phí. Đại diện đơn vị này mong muốn TP hỗ trợ để tiếp tục tuyên truyền các hoạt động.

Tương tự, huyện Cần Giờ cũng cho hay khó khăn về kinh phí thực hiện, “Không có chế độ hỗ trợ tài tử nên có những nhóm đang hoạt động khá mạnh, khu chúng tôi đề xuất tham gia CLB thì họ từ chối hẳn, ngại tham gia phong trào vì cho rằng lệ thuộc, bị mất ngày công lao động, trong khi chúng ta lại không có chế độ chính sách cụ thể để khuyến khích”, cán bộ Phòng VH-TT cho hay. Bà Nông Thị Kim Mai, Phó Trưởng phòng VHTT huyện Nhà Bè chia sẻ, kinh phí cấp cho các địa phương rất hạn chế nên việc xây dựng phong trào Đờn ca tài tử rất khó. Bà Mai đề xuất Sở Du lịch và Sở VHTT có thể nghiên cứu thực hiện những mô hình như tại Bến Tre, Tiền Giang, ở đây các nghệ nhân - tài tử họ “kiếm cơm” chủ yếu từ nguồn khách du lịch chứ không hẳn phải có chế độ từ ngân sách nhà nước. “Nguồn nhân lực chúng ta đang có, nhu cầu cũng có nhưng TP.HCM vẫn chưa kết nối, đưa vào sản phẩm du lịch từng địa phương, chưa có sự quan tâm đúng mức để phát triển Đờn ca tài tử từ mô hình này”, bà Mai nói thêm.

Tìm kiếm không gian trình diễn Đờn ca tài tử phục vụ du khách

Theo đại diện Sở Du lịch TP.HCM, “hiện khách du lịch quốc tế đến TP.HCM rất muốn thưởng thức Đờn ca tài tử cũng như các loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện nay, rất khó để tìm thấy một không gian, địa điểm biểu diễn định kỳ loại hình nghệ thuật này, do đó, trong các tour tuyến, chúng tôi không thể đưa vào điểm dừng chân phục vụ du khách”. Phòng VH-TT TP Thủ Đức cho hay, trên địa bàn cũng có khu biểu diễn Đờn ca tài tử nhưng khá xa trung tâm, vì thế không tiện khi đưa khách du lịch đến.

Phó Giám đốc Sở VHTT Võ Trọng Nam ghi nhận thực tế, hiện nay TP.HCM không còn sân khấu nào để trình diễn Đờn ca tài tử, do đó du khách muốn đến xem rất khó, trừ khi đúng vào các dịp liên hoan hoặc ngày hội biểu diễn… “Phải có sân khấu cố định, lịch diễn cố định thì du lịch mới đưa vô tour được, vấn đề này thời gian tới chúng ta cần triển khai thực hiện”, ông Nam nói và cũng bày tỏ thẳng thắn, “Sở Du lịch là đơn vị thừa hưởng văn hóa, khai thác văn hóa nhưng anh cũng phải biết đầu tư. Từ trước đến nay các anh có đầu tư vô một lĩnh vực cụ thể nào cho văn hóa chưa? Tôi nhớ là chưa. Để du lịch tự nghĩ ra ý tưởng gì đó đầu tư cho văn hóa rồi cùng văn hóa hưởng lợi thì tôi vẫn chưa thấy”.

Ông Đinh Quang Minh, Trưởng phòng Nghệ thuật Dân gian, Trung tâm Văn hóa TP.HCM đề xuất cần tổ chức các trại sáng tác để có thêm tác phẩm, lời mới cho Đờn ca tài tử, đồng thời nhân các dịp đặc biệt tổ chức các kỳ nhạc hội để phát huy giá trị Đờn ca tài tử và lan tỏa tinh thần anh chị em nghệ sĩ, nghệ nhân. Ông Phạm Thái Bình, Trung tâm Văn hóa TP cũng cho rằng, bên cạnh những giải pháp trên, TP cần tổ chức tập huấn để cán bộ làm công tác văn hóa và những người quan tâm hiểu về mối tương quan giữa Đờn ca tài tử và sân khấu Cải lương, vì thực tế hiện nay nhiều người còn nhập nhằng giữa hai loại hình này. “Cần triển khai điều tra cụ thể số lượng và chất lượng các CLB cũng như nghệ nhân Đờn ca tài tử trên địa bàn, từ đó chúng ta có cái nhìn toàn diện, tổng quát hơn trong thực hiện các chính sách đầu tư. TP cũng cần quan tâm và tổ chức liên hoan về đờn, liên hoan cho các thầy đờn vì trước nay chủ yếu tập trung cho ca, đờn thì bị bỏ quên. Việc tổ chức đưa âm nhạc dân tộc vào sân khấu học đường cần bài bản, thống nhất, phù hợp cho từng lứa tuổi, cấp học…”, ông Bình đề xuất.

Ông Võ Trọng Nam cho biết, theo kế hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị DSVHPVT nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025 của UBND TP, thời gian tới Sở VHTT chủ trì, phối hợp cùng đơn vị liên quan tổ chức nghiên cứu xây dựng đề cương và biên tập thành sách về quá trình hình thành và phát triển Đờn ca tài tử tại TP.HCM. Đặc biệt, Sở cũng sẽ chủ trì xây dựng đề án phát triển một số điểm trình diễn DSVHPVT Đờn ca tài tử trên địa bàn TP.HCM để phục vụ khách du lịch; đồng thời nghiên cứu và hỗ trợ xây dựng nhà trưng bày hoặc bảo tàng tư nhân về DSVHPVT nghệ thuật Đờn ca tài tử. 

 THÙY TRANG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top