Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

“Văn hóa còn thì dân tộc còn” (Bài cuối): Để văn hóa là nền tảng tinh thần, động lực phát triển

Thứ Tư 28/09/2022 | 11:24 GMT+7

VHO- Sau những nỗ lực không ngừng nghỉ, hành trình của những đảng viên ở nhiều cơ sở không chỉ mang đến sự đổi thay trên mỗi vùng đất mà còn góp phần níu giữ, lan tỏa bản sắc văn hóa của từng dân tộc. Chúng tôi bắt gặp ở những đảng viên ấy, từ vùng biên viễn đến nơi thâm sơn, cùng cốc không phải những điều to tát mà thật mộc mạc, đơn sơ, với tâm niệm phải bằng mọi giá giữ gìn “tấm căn cước” của dân tộc, đó là văn hóa truyền thống.

Lớp truyền dạy hát Then, đàn Tính ở Thượng Lâm, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang)

Tiếng Then réo rắt từ ngôi nhà sàn ở xã Thượng Lâm, nơi mệnh danh “Miền gái đẹp” ở huyện Lâm Bình (Tuyên Quang). Chúng tôi gặp NNƯT Ma Văn Đức trong những ngày ông đang mang tiếng Then, đàn Tính lên vùng cao này truyền dạy cho cộng đồng, nhằm giúp địa phương hiện thực hóa chủ trương đưa văn hóa các dân tộc trở thành “tài sản”, gắn với phát triển du lịch. Trên vùng đất thấm đẫm những sắc màu văn hóa này, Nghị quyết của Đảng đang được cụ thể hóa thành việc làm thiết thực.

Từ niềm tin, khơi mạch nguồn vô giá

Đường vào Thượng Lâm vẫn ngổn ngang dấu vết của trận lũ rừng từ chiều hôm trước. Cùng đi với chúng tôi, Trưởng phòng VHTT huyện Cao Văn Minh tâm sự, địa thế đặc thù khiến Lâm Bình thường hứng chịu thiên tai, lũ lụt. Nhưng bù lại, tài sản văn hóa đặc sắc lại trở thành lợi thế để miền đất sơn thủy hữu tình này làm đắm say du khách. Trong định hướng phát triển, Đảng bộ, chính quyền huyện từ sớm đã chú trọng đầu tư bảo tồn, phát huy những giá trị này.

Thượng Lâm sau ngày mưa đang hửng nắng hồng. Từ những nghệ nhân cao tuổi đến những cô gái mặt hoa da phấn, những chàng thanh niên trai tráng… cùng cất lên giai điệu mộc mạc trong lớp hát Then, đàn Tính của NNƯT Ma Văn Đức. “Chỉ tên gọi “miền gái đẹp” thôi chưa đủ để thu hút, muốn phát triển bền vững thì không thể thiếu những văn hóa truyền thống của các dân tộc trên vùng đất này. Mong muốn văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội cũng không còn cách nào khác là phải tăng cường đầu tư cho văn hóa. Thật may là lãnh đạo huyện Lâm Bình đã nhìn thấy và chú trọng đầu tư cho tiềm năng này”, ông Đức cười nói. Hơn 30 năm sưu tầm, nghiên cứu, dịch nghĩa, viết sách về các cung then cổ, văn quan làng, hát cọi, hát phong slư, chất văn hóa người Tày ở Tuyên Quang đã như ngọn suối nguồn thấm vào tâm hồn ông. Tích lũy những thâm trầm, NNƯT Ma Văn Đức dần trở thành “cuốn từ điển sống” của vùng đất.

 Những người làm văn hóa, văn nghệ nghe câu nói của Tổng Bí thư: Văn hóa còn thì dân tộc còn. Văn hóa mất thì dân tộc mất… cảm thấy những nỗ lực của mình càng có ý nghĩa. Giữ gìn văn hóa là gìn giữ hồn cốt dân tộc, để sứ mệnh Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi sẽ trọn vẹn như lời dạy thấm thía của Bác Hồ. Hồn cốt đó nằm trong chính những giá trị văn hóa của mỗi dân tộc, với sức sống trường tồn không gì có thể đánh đổi.

(NNƯT MA VĂN ĐỨC)

“Những người làm văn hóa, văn nghệ nghe câu nói của Tổng Bí thư: Văn hóa còn thì dân tộc còn. Văn hóa mất thì dân tộc mất… cảm thấy những nỗ lực của mình càng có ý nghĩa. Giữ gìn văn hóa là gìn giữ hồn cốt dân tộc, để sứ mệnh Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi sẽ trọn vẹn như lời dạy thấm thía của Bác Hồ. Hồn cốt đó nằm trong chính những giá trị văn hóa của mỗi dân tộc, với sức sống trường tồn không gì có thể đánh đổi”, NNƯT Ma Văn Đức chia sẻ. Ông kể chuyện, Bí thư huyện Lâm Bình đặt vấn đề mời ông truyền dạy hát then, đàn tính cho người dân để bảo tồn, tạo sản phẩm văn hóa phát triển du lịch. Đây chính là cách nhìn thấu đáo để văn hóa phát triển ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Giai điệu của cây đàn tính, của lời then khi réo rắt, lúc trầm sâu đã theo bước chân người đảng viên, nghệ nhân Ma Văn Đức đến với bản làng. Cung then cổ hay làn điệu mới đều được ông truyền dạy bằng ngọn lửa tình yêu đến với từng “học viên” đặc biệt. “Mấy chục năm cuộc đời tôi đã dành để sưu tầm, lưu giữ, bảo tồn văn hóa của dân tộc mình, nên giờ đây chính bản thân tôi cũng khao khát được trao truyền lại những vốn quý ấy. Và nhận ra rằng, dòng chảy của tình yêu văn hóa truyền thống vẫn luôn tồn tại trong sâu thẳm tâm hồn của mỗi người, chỉ cần được khơi lên, được nhen lửa thì mạch nguồn ấy sẽ lại bùng lên mãnh liệt...”.

Tạo niềm tin, khơi mạch nguồn để đưa văn hóa thành nguồn sức mạnh nội sinh, ở vùng cao Lâm Bình, chúng tôi còn bắt gặp nhiều mô hình giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống như thế. Từ Thượng Lâm xa thêm vài chục cây số đường rừng, chúng tôi đến Hồng Quang, một xã nhỏ vùng cao, nơi từ vài năm trước, những giá trị truyền thống ít ỏi còn lại của dân tộc Pà Thẻn đã được níu giữ lại từ những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương. Nghệ nhân Húng Thị Cháng (72 tuổi) ngồi bên khung cửi cổ xưa, lách cách tiếng thoi và bộc bạch, nghề dệt truyền thống của người Pà Thẻn đã có lúc khiến bà thấy lo thắt lòng bởi không thấy ai còn giữ, nhưng rồi những cán bộ, đảng viên ở đây đã đến từng nhà, gặp từng nghệ nhân còn giữ nghề để thuyết phục họ trao truyền. “Khung cửi này, tấm áo này là của người Pà Thẻn, không thể mất đi. Nay Đảng, Nhà nước đầu tư, kêu gọi con cháu về học để giữ nghề, chúng tôi vui lắm. Xã Hồng Quang có 4 nghệ nhân Pà Thẻn cao tuổi, tất cả đều tham gia lớp dạy nghề. Phụ nữ Pà Thẻn từ xa xưa ai cũng phải có bộ trang phục của dân tộc để mặc trong các dịp trọng đại. Đến khi chết đi, nếu không có trang phục này thì tổ tiên cũng chẳng nhận đâu...”, nghệ nhân Húng Thị Cháng giãi bày.

 Ba thế hệ nhà nghệ nhân Húng Thị Cháng, dân tộc Pà Thẻn ở Lâm Bình (Tuyên Quang)

Mang tâm tư của người dân đến với lãnh đạo huyện Lâm Bình, chúng tôi lại bắt gặp nhiều tâm tư khác. Từ trụ sở UBND huyện nằm trên một ngọn đồi, chỉ tay về phía dãy núi mờ sương ngay trước mặt, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Hiền nói: “Lâm Bình là huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, tỉ lệ hộ nghèo hiện nay vẫn đang là 71%. Thành lập từ năm 2011, Lâm Bình là huyện “trẻ” nhất, nhưng cũng khó khăn nhất của tỉnh. Những ngày đầu, công tác văn hóa của chúng tôi vô cùng vất vả. Cơ sở vật chất không có, cán bộ thiếu, người dân sống rải rác, nhiều thứ phải xuất phát từ đầu. Nhiều lúc xót xa, người dân cơm không đủ ăn, quần áo không đủ ấm thì bảo tồn văn hóa bằng cái gì đây?”.

Những ngày đó, lãnh đạo huyện Lâm Bình phải nghĩ đủ cách để giữ gìn văn hóa và tài nguyên thiên nhiên cho đồng bào. “Chúng tôi đưa văn hóa vào trường học để bảo tồn. Trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa, hoạt động ngoài trời, văn nghệ, lễ hội, liên hoan nghệ thuật, các cuộc thi đều đưa vào các hoạt động văn hóa truyền thống. Lúc đầu, học sinh dân tộc đi học mặc trang phục truyền thống còn ngượng ngùng, rồi dần dần niềm tự hào được nhân lên và lan tỏa, các em lại yêu thích điều đó…”, ông Hiền bày tỏ.

Để “biên giới mềm” là thành trì vững chắc

Chẳng thế mà đến nay, từ một huyện miền núi “trẻ” tuổi, Lâm Bình lại đang sở hữu khối “tài sản” lớn lao, được gây dựng từ vốn văn hóa truyền thống và những tấm gương đảng viên nỗ lực vì cộng đồng. Đến Lâm Bình bây giờ, du khách có nhiều cơ hội để trải nghiệm cùng các không gian văn hóa đặc sắc trong lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn; lễ cấp sắc của người Dao; lớp truyền dạy hát then, đàn tính của người Tày... Đảng bộ, chính quyền huyện cũng có nhiều chính sách động viên, khuyến khích cùng những quy định, chế tài cụ thể để người dân thực hiện hoạt động bảo tồn.

"Biên giới mềm” văn hóa mãi là nền tảng, là thành trì vững chắc để bảo vệ chủ quyền, biên giới quốc gia

Phó Chủ tịch huyện Nguyễn Văn Hiền cho rằng, giữ gìn văn hóa phải xuất phát từ gốc là người dân, bởi không ai hiểu và làm tốt việc này như họ: “Bảo tồn văn hóa không phải là “văn hóa diễn”. Nếu chỉ là một vài kỳ cuộc thì bảo tồn không thể hiệu quả và cũng chẳng có kinh phí nào của nhà nước đủ để kéo dài những cuộc trình diễn ấy. Lâm Bình đang theo hướng khôi phục, bảo tồn và đưa các giá trị truyền thống về với chủ thể đích thực là đồng bào. Tín ngưỡng, tri thức dân gian, trang phục, tiếng nói, kiến trúc, nghề truyền thống… khi được giữ gìn từ chính người dân sẽ trở nên bền vững, và ngược lại những giá trị văn hóa sẽ tạo nền tảng để mỗi cộng đồng, dân tộc phát triển mạnh mẽ hơn”. Dặm dài trên hành trình vun đắp ấy, Lâm Bình đã hình thành các mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống mà hiếm nơi nào có được. Nhưng bên cạnh đó, chúng tôi cũng bắt gặp những điều trăn trở từ những đảng viên, cán bộ làm công tác văn hóa trên vùng đất này. Đó là làm thế nào để tư liệu hóa, bảo tồn bền vững kho tàng văn hóa truyền thống quá phong phú và đồ sộ này.

Lãnh đạo huyện Lâm Bình trút lòng: “Rất may là nhận thức và mức hưởng thụ văn hóa của người dân đã được nâng cao trong những năm qua, nhất là từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Qua bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị về Văn hóa, chúng tôi càng nhận thức một cách sâu sắc hơn về văn hóa và càng khẳng định ý nghĩa từ việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa để tạo nguồn sức mạnh, đóng góp cho phát triển kinh tế, xã hội là hướng đi đúng. Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, tất cả chúng ta đều thấm thía về những giá trị của văn hóa trong việc tạo nên sức mạnh nội sinh, chống chọi lại biết bao thách thức”.

Trên quê hương Tuyên Quang giàu truyền thống văn hóa lịch sử, mỗi miền đất, mỗi việc làm đều thể hiện sâu sắc tinh thần phát triển từ văn hóa, đi lên từ văn hóa, như khẳng định của Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm: Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”; “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước”, Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang luôn coi trọng công tác phát triển văn hóa. Những năm qua, Tuyên Quang đã đạt được nhiều kết quả quan trọng từ đầu tư cho văn hóa, chú trọng bảo tồn văn hóa truyền thống, phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch. Chứng kiến những nỗ lực, đổi thay trên từng vùng đất mới thấy sự kiên định trong lời khẳng định của Bí thư Chẩu Văn Lâm: “Tuyên Quang không bao giờ đánh đổi văn hóa lấy kinh tế thuần túy”.

Hà Giang huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế

Câu chuyện phát triển gắn với bảo tồn truyền thống ở Tuyên Quang không cá biệt mà rất phổ biến ở các địa phương. Giám đốc Sở VHTTDL Hà Giang Nguyễn Hồng Hải, người đã nhiều năm gắn bó với công tác văn hóa trên miền cao nguyên đá tự hào: “Hà Giang giàu bản sắc và giá trị văn hóa truyền thống, được gìn giữ, bảo tồn từ đời này sang đời khác. Nhiều di sản văn hóa được bảo tồn nguyên vẹn đã trở thành tài nguyên, tiềm năng quý giá để chúng tôi phát triển kinh tế, xã hội”. Năm 2021, Tỉnh ủy Hà Giang ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Hà Giang giai đoạn 2021- 2025, trong đó xác định bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa các dân tộc là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế theo hướng bền vững, nâng cao giá trị và ý thức bảo vệ di sản trong cộng đồng của tỉnh Hà Giang đã một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của văn hóa trong sự phát triển của địa phương.

Ông Nguyễn Hồng Hải cũng tâm sự, điều lo ngại nhất hiện nay là nguồn lực đầu tư bảo tồn và phát triển văn hóa còn hạn chế. Hiện nay, những thiết chế văn hóa, thể thao, đặc biệt ở các địa phương vùng sâu, vùng xa chưa thực sự đáp ứng nhu cầu phát triển. Nhìn về hướng từng đoàn khách nối dài tham gia trải nghiệm, khám phá văn hóa truyền thống ở thôn Lô Lô Chải dưới chân cột cờ Lũng Cú, ông Hải chia sẻ: “Chúng tôi luôn trăn trở về câu chuyện phải đầu tư xứng tầm cho văn hóa. Cuộc sống của nhân dân ngày nay đã thay đổi rất nhiều, nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần nâng cao, trong khi đó, nguồn lực đầu tư cho văn hóa vẫn còn quá nhiều hạn chế. “Những dự án đầu tư cho văn hóa sẽ là con đường ngắn nhất để người dân ở vùng sâu xa, vùng khó khăn được hưởng thụ, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, thu dần khoảng cách miền núi với miền xuôi…”.

Trong sự trăn trở của những cán bộ ở địa phương như ông Hải, ông Hiền, chúng tôi dường như thấy được nỗi niềm của biết bao cấp uỷ, chính quyền, cán bộ làm văn hóa trên những địa bàn, những miền đất vừa đi qua. Thật trùng hợp khi những câu chuyện, những nhân vật điển hình mà chúng tôi ghi nhận đều cùng gặp nhau trên mạch nguồn trăn trở ấy, với câu hỏi phải làm sao để giữ gìn “biên giới mềm” văn hóa. Như nỗi lòng của Bí thư Lương Văn La ở xã biên giới Đàm Thủy (huyện Trùng Khánh, Cao Bằng), nhân vật mà chúng tôi đã đề cập ở bài viết đầu rằng, lời hiệu triệu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã kịp thời tạo nên cuộc chấn hưng văn hóa. Để từ đó, mỗi chúng ta quán triệt sâu sắc, toàn diện và đồng bộ hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII về xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Sâu trong đáy mắt, ông bí thư xã vùng biên ánh lên sự quyết tâm, niềm tin về việc phải giữ gìn để “biên giới mềm” văn hóa mãi là nền tảng, là thành trì vững chắc trong mỗi cộng đồng, từ đó bảo vệ chủ quyền, biên giới quốc gia. 

 Ghi chép của THU TRANG - THÚY HÀ

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top