Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Sống thấp thỏm bên bờ sông Gianh

Thứ Tư 28/09/2022 | 11:32 GMT+7

VHO- Hàng trăm hộ dân sống dọc bờ sông Gianh ở hai huyện Quảng Trạch và Tuyên Hóa (Quảng Bình) đang thấp thỏm nỗi lo trước mùa mưa lũ. Tình trạng sạt lở bờ sông Gianh ngày càng lấn sâu lấy đi nhiều diện tích đất, uy hiếp nhà cửa khiến người dân lo lắng khi mùa mưa bão đang cận kề.

 Người dân thôn Lạc Sơn, xã Châu Hóa luôn sống trong tình trạng lo lắng sạt sở đất

 Hết lo chạy lũ lại đến lo sạt lở

Trước mùa mưa lũ năm nay, hàng chục hộ dân ở thôn Thuận Hòa, xã Liên Trường, huyện Quảng Trạch sống trong cảnh bất an, lo lắng vì tình trạng sạt lở đất. Thôn Thuận Hòa là vùng cồn nổi, nằm giữa sông Gianh nên vào mùa mưa lũ, nước sông từ thượng nguồn đổ về tấp thẳng vào thôn khiến tình trạng sạt lở đất diễn ra trong nhiều năm qua.

Ông Hoàng Anh Vũ, trưởng thôn Thuận Hòa cho biết: “Khoảng 5 năm trở lại đây, tình trạng sạt lở bờ sông ở Cồn Ngựa diễn ra nghiêm trọng. Có đoạn nước sông đã “nuốt” sâu vào bờ hơn 15m làm diện tích đất sản xuất của bà con bị giảm đáng kể, đe dọa đến nhà cửa, vườn tược và các công trình của người dân”. Theo ông Vũ, không có mùa mưa lũ năm nào mà đất đai của dân trong thôn không bị sông “nuốt”. Mỗi năm diện tích đất nông nghiệp dọc bờ sông cứ bị lấn dần, chỗ nhiều thì 2m-3m, chỗ ít nhất cũng 1m-2m. Nhiều nhà dân ở sát mép sông, cứ mỗi lần mưa lũ về, phần đất trước cổng nhà lại bị sạt lở. “Tại các đợt tiếp xúc cử tri các cấp, chúng tôi đã có ý kiến về tình trạng sạt lở bờ sông nhưng đến nay thôn vẫn chưa được xây dựng mét kè nào”, ông Vũ giãi bày.

Ngược theo dòng sông Gianh, chúng tôi đến thôn Lạc Sơn, xã Châu Hóa (huyện Tuyên Hóa) nơi có hàng trăm người dân đang phải sống chung với tình trạng sạt lở bờ sông. Trưởng thôn Lạc Sơn Nguyễn Xuân Triền cho biết, theo thống kê từ năm 2007 đến nay, thôn Lạc Sơn mất hơn 16,5ha diện tích đất canh tác các loại cây màu ven sông. Cả thôn có 271 hộ, với hơn 1.100 khẩu, trong đó có gần 60 hộ sinh sống sát bờ sông. Trước tình trạng sạt lở bờ sông nghiêm trọng đe dọa đến tính mạng và tài sản của hàng trăm người dân thôn Lạc Sơn, năm 2001, một tuyến kè đá đã được đầu tư xây dựng. Nhưng tuyến kè này, nhiều năm nay đã bị xuống cấp. Rọ đá làm chân kè đã tụt xuống lòng sông. Mái đá trên bờ cũng đã bị trôi trượt xuống sông. Nhiều đoạn sạt lở, bờ sông đã ăn sâu vào chân móng nhà của người dân. Cứ đến mùa mưa lũ, người dân và chính quyền địa phương hết lo chạy lũ, lại đến lo sạt lở.

 Một số hộ thôn Thuận Hòa đã mua đá, xi măng để tạo bờ kè, hạn chế tình trạng sạt lở đất bờ sông, uy hiếp nhiều nhà cửa, đường sá đi lại

Giữ lấy đất… trước khi có kè sông

Để khắc phục tình trạng sạt lở đất bờ sông, nhiều người dân thôn Thuận Hòa (xã Liên Trường, huyện Quảng Trạch) như bà Phạm Thị Bông, ông Phạm Văn Doản, ông Phạm Thanh Đông… đã mua đá, xi măng, cát, sạn về đắp vá để ngăn chặn sạt lở. Bởi nếu không làm, khi lũ về, khoảng đất trước sân nhà sẽ bị nước cuốn trôi.

Ngôi nhà của gia đình bà Lê Thị Hồng Phước (ở thôn Lạc Sơn, xã Châu Hóa) được xây kiên cố. Tuy nhiên, nhiều năm qua, gia đình bà vẫn luôn phải sống trong cảnh chạy lũ mỗi khi mùa mưa bão về. Bà Phước cho biết, gia đình cũng tự bỏ một ít kinh phí đầu tư xây dựng kè bao quanh gần nơi ở nhưng tình trạng sạt lở sông Gianh đoạn chảy qua địa phận thôn ngày một nghiêm trọng khiến bà lo lắng. “Tôi sống ở đây từ năm 1993 đến giờ. Ở đây năm nào cũng sạt lở cứ đến mùa lũ là tôi cũng đi trú hết. Giờ chỉ mong cấp trên quan tâm xây dựng cái kè cho vững chắc để người dân ở đây được yên tâm sinh sống ổn định”, bà Phước mong muốn.

Mùa mưa bão đang cận kề, tính mạng, tài sản của hàng trăm hộ dân ven sông Gianh đang bị đe dọa khi tình trạng sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ông Phan Huy Hoàng, Chủ tịch UBND xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa cho biết: “Tình trạng sạt lở bờ sông Gianh ở thôn Lạc Sơn đã xảy ra từ hơn 10 năm nay. Các cơ quan chức năng cũng đã đến kiểm tra, tuy nhiên nguồn vốn để xử lý vấn đề sạt lở này rất lớn. Tôi mong muốn các cấp, ngành, UBND tỉnh và các Bộ, ngành trung ương hỗ trợ nguồn vốn để làm kè kiên cố, đảm bảo tính mạng và tài sản người dân”.

Không chỉ ở thôn Thuận Hòa (xã Liên Trường, huyện Quảng Trạch), thôn Lạc Sơn (xã Châu Hóa), bờ sông Gianh ở các xã Mai Hóa, Đức Hóa, Thuận Hóa, Tiến Hóa thuộc huyện Tuyên Hóa đang bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Các biện pháp khắc phục tạm thời tình trạng sạt lở của người dân đều chưa hiệu quả. Trong khi đó, mưa lũ hằng năm càng khiến lòng sông ăn sâu vào đất thổ cư, đất hoa màu lấy đi nhiều phần đất sản xuất, đất ở, uy hiếp nhà dân khiến bà con luôn sống trong bất an.

Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, tỉnh đã yêu cầu Sở NN&PTNT rà soát lại những khu vực xung yếu, nguy hiểm có nguy cơ cao sạt lở để có giải pháp giảm tránh thiệt hại vào mùa mưa bão. Để chủ động phòng, chống thiên tai, tỉnh Quảng Bình quán triệt phương châm “4 tại chỗ” từ chỉ huy, lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, hậu cần, đảm bảo tính chủ động, kịp thời và hiệu quả. 

 Tỉnh đã yêu cầu Sở NN&PTNT rà soát lại những khu vực xung yếu, nguy hiểm có nguy cơ cao sạt lở để có giải pháp giảm tránh thiệt hại vào mùa mưa bão. Để chủ động phòng, chống thiên tai, tỉnh Quảng Bình quán triệt phương châm “4 tại chỗ” từ chỉ huy, lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, hậu cần, đảm bảo tính chủ động, kịp thời và hiệu quả.

(Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình TRẦN THẮNG)

PHẠM PHÚ

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top