Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Gia nhập Hiệp ước Marrakesh: Tạo điều kiện để người khuyết tật tiếp cận thông tin, tri thức

Thứ Tư 28/09/2022 | 21:23 GMT+7

VHO- Sáng 28.9 tại Hà Nội, Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP)  tổ chức Hội nghị phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và nội dung cơ bản của Hiệp ước Marrakesh về giới hạn và ngoại lệ dành cho người khuyết tật.

Hội nghị có sự tham dự của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức về người khuyết tật, các nhà xuất bản, thư viện, cơ sở giáo dục, các luật sư…

Phát biểu khai mạc, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trịnh Tuấn Thành cho biết, theo cam kết tại Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực (Hiệp định RCEP), Việt Nam có nghĩa vụ gia nhập Hiệp ước Marrakesh trong thời hạn 5 năm kể từ khi Hiệp định RCEP có hiệu lực (ngày 1.1.2022).

Thực hiện Quyết định số 753/QĐ-TTg ngày 3.6.2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổ chức thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 1.11.2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật, Bộ VHTTDL đã tham mưu, trình các cấp có thẩm quyền đề xuất gia nhập Hiệp ước về tạo điều kiện cho người khuyết tật nhìn, người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in và người khuyết tật khác không có khả năng tiếp cận tác phẩm để đọc theo cách thông thường của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (Hiệp ước Marrakesh).

Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trịnh Tuấn Thành khai mạc Hội nghị

Đồng thời, Bộ tham mưu, đề xuất bổ sung Điều 25a về ngoại lệ quyền tác giả dành cho người khuyết tật vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (được Quốc hội thông qua ngày 16.6.2022, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2023) nhằm giảm thiểu tối đa những thiệt thòi và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người khuyết tật.

Ông Trịnh Tuấn Thành cho biết, nhằm đảm bảo hiệu lực đồng thời của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản quy định chi tiết, Bộ VHTTDL đang tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2022 về quyền tác giả, quyền liên quan, dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng 11.2022.

Kết quả điều tra quốc gia về người khuyết tật của Tổng cục Thống kê công bố vào tháng 1/2019 cho thấy trong khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, có 1,03 triệu người khiếm thị. Theo dự báo, số lượng người khuyết tật nhìn hoặc không có khả năng đọc chữ in sẽ tăng hơn nữa trong các thập kỷ tới do dân số Việt Nam đang già đi nhanh chóng, số lượng người cao tuổi có thị lực kém và không có khả năng đọc chữ in sẽ tăng lên. Vì vậy, việc gia nhập và thực thi Hiệp ước Marrakesh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra và phân phối, truyền đạt các bản sao dễ tiếp cận của các tác phẩm đã công bố như chữ Braille, audio, văn bản điện tử, ngôn ngữ kí hiệu..., bảo đảm cho người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in thực hiện quyền bình đẳng, vươn lên hòa nhập với cộng đồng - ông Trịnh Tuấn Thành nêu rõ.

Phó trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Patrick Haverman phát biểu tại Hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe giới thiệu các nội dung cơ bản của Hiệp ước Marrakesh và các nội dung sửa đổi, bổ sung về quyền tác giả, quyền liên quan trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, trong đó có Điều 25a về ngoại lệ quyền tác giả dành cho người khuyết tật; thực trạng về nhu cầu nguồn tài liệu cho người khuyết tật nhìn, người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in và người khuyết tật khác không có khả năng tiếp cận tác phẩm để đọc theo cách thông thường…

Các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, đưa ra các khung pháp lý, các giải pháp cụ thể tạo điều kiện cho việc tiếp cận thông tin, tri thức của người khuyết tật, trong đó, lưu ý thời gian tới tiếp tục phối hợp chặt chẽ để nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc chung tay xây dựng tương lai hòa nhập, thực hiện có hiệu quả Công ước quốc tế về Quyền của người khuyết tật, Hiệp ước Marrakesh và Luật Sở hữu trí tuệ.

Theo Phó Cục trưởng Cục bản quyền tác giả Phạm Thị Kim Oanh: “Việt Nam đã và đang tích cực, chủ động hội nhập quốc tế trong lĩnh vực về quyền tác giả, quyền liên quan. Bên cạnh việc tập trung rà soát, hoàn thiện văn bản hệ thống văn bản pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan đáp ứng sự phát triển của khoa học, công nghệ, sự thay đổi của các điều kiện kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế, cần đẩy mạnh một số hoạt động như: công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về quyền tác giả, quyền liên quan; đào tạo và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ thực thi; thanh tra, kiểm tra, xử lý xâm phạm, ứng dụng công nghệ thông tin phát hiện xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan để bảo đảm thực thi các cam kết quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan”.

Theo Phó Cục trưởng Cục bản quyền tác giả Phạm Thị Kim Oanh, Việt Nam đã và đang tích cực, chủ động hội nhập quốc tế trong lĩnh vực về quyền tác giả, quyền liên quan

Phó Cục trưởng Phạm Thị Kim Oanh cũng cho biết, bảo hộ quyền tác giả là một việc làm cần thiết và ngày càng được quan tâm, chú trọng. “Việc thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan có hiệu quả sẽ góp phần quan trọng khuyến khích sáng tạo, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của quốc gia. Để có được kết quả này, hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ là một trong những yếu tố quan trọng đầu tiên”.

 Phó trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Patrick Haverman khẳng định, sách trên thế giới rất nhiều, người khuyết tật nhìn có quyền được tiếp cận những điều đó. Vì thế, chúng ta cần phối hợp giúp cho người khuyết tật tiếp cận được với sách, đọc và hiểu biết thêm, trải nghiệm việc đọc sách giống như người bình thường.

Phó Chủ tịch Hội người mù Việt Nam Đinh Việt Anh đề xuất các cơ quan chức năng đẩy nhanh các bước theo lộ trình nhằm gia nhập và thực hiện Hiệp ước Marrakesh.

Việc gia nhập Hiệp ước Marrakesh sẽ là một dấu mốc lớn, tạo sự cân bằng hợp lý giữa bảo vệ quyền tác giả và bảo vệ lợi ích chung của người khuyết tật nhìn, người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in và những người khuyết tật khác không có khả năng tiếp cận tác phẩm để đọc theo cách thông thường. Đồng thời, mở ra cơ hội bảo đảm cho những người khuyết tật tại Việt Nam có thể thực hiện được quyền bình đẳng, vươn lên hòa nhập với cộng đồng một cách tốt nhất.

BẢO NGÂN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top