Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Nhiều thách thức trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp trên môi trường số

Thứ Năm 29/09/2022 | 16:58 GMT+7

VHO- Đây là vấn đề được đặt ra tại tọa đàm “Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt trên môi trường số” do Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ thông tin (ICT Press Club) vừa tổ chức.

Tọa đàm “Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt trên môi trường số”

Theo ông Nguyễn Việt Phú, Chủ nhiệm CLB Nhà báo Công nghệ thông tin, tọa đàm được tổ chức với mong muốn lắng nghe tiếng nói của các doanh nghiệp nội dung số trước các thách thức trên môi trường số; từ đó để có kết nối với các cơ chế, chính sách dẫn dắt và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Theo ông Phú, thời gian gần đây có nhiều tranh chấp bản quyền, nhiều vấn đề mới phát sinh nhưng rất khó tháo gỡ.

Tại buổi tọa đàm, đại diện các doanh nghiệp kinh doanh, cung cấp dịch vụ nội dung số, chuyên gia, nhà quản lý đã đề cập đến những vấn đề thách thức trong việc tự bảo vệ quyền tác giả của các chủ thể. Mặc dù hành lang pháp lý đã có, song thực tế rất khó áp dụng các chính sách này cho các chủ thể ở nước ngoài, gây thiệt hại cho quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể trong nước, thiệt hại tới nền kinh tế quốc gia.

Đề xuất các kiến nghị về bảo vệ bản quyền tác giả, chủ sở hữu các nội dung số, ông Tạ Mạnh Hoàng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư công nghệ và dịch vụ Sconnect Việt Nam kiến nghị các cơ quan Nhà nước cần sớm hỗ trợ cho các doanh nghiệp bằng cách can thiệp yêu cầu Google, YouTube ngừng tiếp nhận các yêu cầu đánh bản quyền vô lý. “Trước cơ hội sự phát triển của nền kinh tế số, chúng tôi và nhiều doanh nghiệp gặp phải các trở ngại lớn từ những cạnh tranh không lành mạnh. Điều đó có tác động không hề nhỏ đến sự phát triển của doanh nghiệp...”, CEO Sconnect Việt Nam cho biết.

Trở lại vụ việc cạnh tranh giữa Sconnect và EO đã được báo chí đề cập trong thời gian gần đây, ông Tạ Mạnh Hoàng nêu, trong 8 năm phát triển, từ một đơn vị nhỏ đến nay, Sconnect đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có sự cạnh tranh không lành mạnh từ đối thủ lớn của Anh là Entertaiment One (EO). Wolfoo là bộ nhân vật hoạt hình đang chiếm hàng tỉ lượt xem mỗi tháng và hàng triệu người theo dõi…, tuy nhiên đang phải gánh chịu nhiều tổn thất do những hành động cạnh tranh không lành mạnh của EO, với nhân vật Pepa Pig. Đến nay, hệ thống kinh doanh của Sconnect đang bị gián đoạn bởi phải triển khai các hoạt động pháp lý để có cơ sở làm việc, phải tốn nhiều nguồn lực của công ty khi không thể đưa nội dung mới lên YouTube và triển khai các hoạt động kinh doanh với các đối tác.

Ông Tạ Mạnh Hoàng, Tổng giám đốc Sconnect Việt Nam kiến nghị cơ quan Nhà nước cần sớm hỗ trợ cho các doanh nghiệp bằng cách can thiệp yêu cầu Google, YouTube ngừng tiếp nhận các yêu cầu đánh bản quyền vô lý

Tại tọa đàm, ông Tạ Mạnh Hoàng cũng nêu kiến nghị các cơ quan Nhà nước sớm hoàn thiện sớm các quy định pháp luật, cơ chế chính sách phù hợp với nền kinh tế số và có hiệu lực áp dụng với cả các chủ thể nước ngoài; tích cực nghiên cứu, thảo luận, hướng dẫn và định hướng các doanh nghiệp số phát triển theo chủ trương định hướng kinh tế số của Chính phủ. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, ký kết các hiệp ước tương trợ pháp lý với các quốc gia khác để bảo đảm giá trị pháp lý của các quy định pháp luật Việt Nam cũng có giá trị toàn cầu…

Ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Ant Group - nhà sản xuất nội dung số và kinh doanh trên các nền tảng nước ngoài, đề cập đến thực trạng các công ty sản xuất nội dung số Việt Nam, phần nhiều là công ty khởi nghiệp làm ra những sản phẩm tốt, mang doanh thu kiều hối từ nước ngoài về nhưng khi bị tranh chấp bản quyền, bị cạnh tranh thì không biết cơ quan nào có thể đứng ra đồng hành cùng doanh nghiệp.

Ông Võ Thanh Hải, Tổng Giám đốc Viettel Media (thuộc Tập đoàn Viettel) cũng cho rằng các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp mới nguồn lực còn hạn chế, trong khi việc hỗ trợ về bảo vệ bản quyền là vấn đề lớn, nên nếu không có sự chung tay, hỗ trợ của cơ quan quản lý sẽ rất khó kinh doanh… Các vi phạm truyền thống như website lậu rất khó quản lý. Trang web này đóng, nội dung sẽ được đưa lên trang khác. “Về mặt giải pháp, tôi nghĩ không phải khó. Ngoài việc phát hiện thủ công, có thể phát hiện bằng máy rất nhanh. Song, việc chặn domain, website lậu chưa có cơ chế thật chặt chẽ và nhanh chóng, hiệu quả để thực thi. Nếu chặn được những đối tượng này một cách hiệu quả, môi trường về mặt kinh doanh tại Việt Nam sẽ được cải thiện rất nhiều. Mặt khác, khi thực thi triệt để các công ước quốc tế, môi trường kinh doanh tại Việt Nam cũng sẽ được cải thiện...”, ông Hải nhấn mạnh.

CEO Thủ đô MultiMedia Nguyễn Ngọc Hân,  cũng chia sẻ khó khăn ban đầu: "Là đơn vị đầu tiên nhận kinh doanh lĩnh vực phát thanh truyền hình tại Việt Nam, thời gian đầu, chúng tôi gặp thách thức lớn nhất là các đối thủ thường cạnh tranh về giá, tìm mọi cách dìm giá xuống. Khi chúng ta đưa ra giá thấp hơn, ngay lập tức bị khiếu nại liên quan đến cạnh tranh về giá. Doanh nghiệp chưa đến tầm để bị cạnh tranh về sở hữu trí tuệ nhưng bị kẹt ở ngưỡng nâng giá lên gặp khó, hạ giá xuống cũng gặp khó."

Ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) phát biểu tại Tọa đàm

Đồng quan điểm, ông Trịnh Quốc Khánh, Giám đốc đào tạo Ant Group chia sẻ: "Thực tế, Ant Group sản xuất nội dung về âm nhạc, sau đó một đơn vị khác lấy bản quyền, đăng ký giai điệu bài hát. Vì chúng tôi chưa có giấy tờ pháp lý trên nền tảng YouTube nên bị mất vấn đề bản quyền và không thể sản xuất nội dung về bài hát đó. Công ty đang gửi giấy phép cho YouTube nhưng YouTube yêu cầu phải có đơn vị pháp lý ở Việt Nam chấp nhận vấn đề quyền sở hữu trí tuệ, lúc đó mới có thể xử lý được toàn bộ vấn đề."

Từ kinh nghiệm thực tế của mình, Ông Huy Phạm, Giám đốc Văn phòng MeTub tại Hà Nội nhấn mạnh, các nhà sáng tạo nội dung nên có ý thức đi đăng ký bản quyền ngay từ khi còn là ý tưởng. “Khi đó chúng ta mới có bằng chứng bởi YouTube chỉ từ chối khi chúng ta chưa đưa ra các bằng chứng xác thực; nếu nhận được trát của toà án quốc tế thì lúc đó Youtube sẽ gỡ chặn để hai bên giải quyết. Chúng tôi khuyên các bạn đã mất công đầu tư và sản xuất thì các đơn vị của Việt Nam cũng cần phải sớm đăng ký bản quyền, sở hữu trí tuệ...", theo ông Huy Phạm.

Trả lời các vấn đề nêu ra của doanh nghiệp, ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cho rằng, quyền sở hữu trí tuệ là vấn đề phức tạp, có chuyên môn sâu, nếu không có sự trợ giúp về chuyên môn đúng thì giải quyết vụ việc trong nhiều trường hợp là không thể. Do đó, các doanh nghiệp cần tiếp cận một cách rõ ràng, chuyên nghiệp hơn.  Trong bối cảnh kinh doanh xuyên quốc gia, phải xác định việc đăng ký ra nước ngoài là vô cùng quan trọng trong việc xây kinh doanh và cần có chiến lược để bảo vệ nhãn hiệu của mình tại các thị trường đó… "Có một vấn đề  là bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chưa được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức", ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ lưu ý rằng đây là chuyện cần sớm khắc phục.

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (Hội Truyền thông số Việt Nam) cũng khuyến nghị doanh nghiệp nên tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật, đặc biệt là trên môi trường quốc tế bởi các nền tảng toàn cầu đã có công cụ giúp chúng ta bảo vệ nội dung, xây dựng bằng chứng khẳng định mình là chủ hợp pháp của các sản phẩm nội dung đó.

Đồng thời, về phía các hiệp hội, cần đẩy mạnh truyền thông, hỗ trợ doanh nghiệp nhận thức về bản quyền, sử dụng các công cụ có sẵn khi kinh doanh trên môi trường số để bảo vệ cho doanh nghiệp của mình.

PHƯƠNG THẢO

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top