Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật chuyên ngành

Thứ Sáu 30/09/2022 | 11:25 GMT+7

VHO- Nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, khắc phục những bất cập trong các lĩnh vực hoạt động “nóng”, thu hút sự chú ý của xã hội như tổ chức lễ hội; tu bổ, tôn tạo di tích; biểu diễn nghệ thuật, triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh… cần một hệ thống giải pháp được triển khai quyết liệt, đồng bộ.

 Tăng cường tuyên truyền pháp luật thực hiện nếp sống văn minh lễ hội

Trong đó, giải pháp hàng đầu không thể thiếu là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đặc biệt hệ thống pháp luật về quản lý chuyên ngành, bởi tính chất đặc thù trong từng lĩnh vực.

Đảm bảo hành lang pháp lý trong hoạt động văn hóa cơ sở

Tại Chỉ thị số 274/CT-BVHTTDL về tăng cường quản lý nhà nước đối với một số hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, phục hồi và phát triển du lịch, trong lĩnh vực văn hóa cơ sở, Bộ trưởng Bộ VHTTDL yêu cầu, Cục Văn hóa cơ sở tổ chức thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29.8.2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội; hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện trách nhiệm quản lý, tổ chức lễ hội theo phân cấp; chỉ đạo tổ chức lễ hội bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, an toàn, hiệu quả, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương, tránh phô trương, hình thức, lãng phí; hướng dẫn, đôn đốc công tác thống kê lễ hội tại các địa phương; tổ chức bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ quản lý và tổ chức lễ hội.

Trong thời gian qua, việc tổ chức, quản lý các hoạt động văn hóa cơ sở tại địa phương đã được nghiêm túc triển khai, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh đó, những tồn tại, hạn chế cũng được chỉ rõ: một số lễ hội chỉ chú trọng đầu tư đến hình thức, quy mô mà chưa đảm bảo về nội dung; tình trạng bạo lực, phản cảm ở một số lễ hội vẫn còn diễn ra; hiện tượng đổi tiền lẻ, xem tướng, xem tử vi, đốt vàng mã... tại lễ hội gây phản cảm, làm giảm đi tính tôn nghiêm và những nét đẹp văn hóa trong hoạt động lễ hội...

Nhằm khắc phục tình trạng này, theo Cục Văn hóa cơ sở, trong thời gian tới, cần tiếp tục triển khai một hệ thống giải pháp đồng bộ, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Theo đó, cơ quan quản lý cần ban hành các chính sách, pháp luật về hoạt động văn hóa cơ sở; định kỳ xây dựng văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước về văn hóa cơ sở, trong đó nêu rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương theo các quy định về phân cấp của pháp luật. Hướng dẫn, đôn đốc công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa lễ hội của các địa phương; quản lý, chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học về lễ hội; tổ chức, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ quản lý và tổ chức hoạt động lễ hội; giao lưu, hợp tác quốc tế trong hoạt động lễ hội.

“Cần tăng cường tuyên truyền, tổ chức hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án về quản lý và tổ chức hoạt động văn hóa cơ sở. Mặt khác, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm…”, Cục Văn hóa cơ sở nêu.

Về phía địa phương, tiếp tục thực hiện phân cấp việc quản lý các hoạt động văn hóa cơ sở trên địa bàn, đảm bảo xác định cụ thể trách nhiệm và quyền hạn của các cấp, các ngành. Trong hoạt động lễ hội, tổ chức các phương án về trật tự an toàn giao thông, an toàn sông nước, phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm cho nhân dân và du khách; tổ chức các giải pháp về thực hiện nếp sống văn minh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, tổ chức lễ hội; ngày truyền thống, ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn và các sự kiện của đất nước; quảng cáo; karaoke, vũ trường và các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan.

Thực tế cho thấy, hiệu quả công tác tuyên truyền luôn được phát huy từ cơ sở. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác này. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc...

 Lo lắng tình trạng di tích bị xâm hại

Tăng cường giải pháp ngăn chặn hành vi xâm hại di tích

Trong lĩnh vực di sản văn hóa, qua công tác thanh, kiểm tra những năm gần đây cho thấy, bên cạnh những chuyển biến tích cực, tại nhiều địa phương vẫn còn tình trạng di sản xuống cấp, bị xâm hại, hoạt động tu bổ di tích chưa tuân thủ đúng quy định pháp luật. Đáng chú ý, việc khai thác thiếu khoa học làm ảnh hưởng đến giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Một số nơi còn để xảy ra tình trạng ở di tích, còn di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia sau khi được công nhận chưa có biện pháp bảo vệ phù hợp, hiện tượng mất cắp hiện vật vẫn còn xảy ra; hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể chưa được quan tâm đúng mức…

Nguyên nhân chính là do sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân thiếu chặt chẽ; sự quản lý, giám sát của chính quyền địa phương các cấp còn thiếu hiệu quả, không kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm hại di tích, thực hành sai lệch di sản văn hóa phi vật thể… Để khắc phục tình trạng này, giải pháp quan trọng là tiếp tục thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa và quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng trong hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích; phát huy vai trò giám sát của cộng đồng để kịp thời phát hiện, điều chỉnh những sai sót có thể xảy ra trong quá trình triển khai các dự án tu bổ,tôn tạo di tích. Đặc biệt, tránh để xảy ra vi phạm rồi mới xử lý.

Cục Di sản văn hóa cũng nhấn mạnh giải pháp tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động quản lý, tu bổ, tôn tạo di tích; bảo vệ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, thực hành di sản văn hóa phi vật thể. Bên cạnh đó, rà soát các quy định hiện hành để quy định mức xử phạt hành chính tương ứng với hành vi vi phạm; đảm bảo tính răn đe đối với các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm; kiên quyết xử lý nghiêm đối với mọi hành vi vi phạm làm ảnh hưởng tới giá trị của di sản văn hóa.

“Phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm phạm di tích, thực hành sai lệch di sản văn hóa phi vật thể; gắn với trách nhiệm của chính quyền, đoàn thể các cấp trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa…” là giải pháp quan trọng nhằm tăng cường bảo vệ những di sản vô giá của đất nước. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền về giá trị của di tích, lý do bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và công khai nội dung dự án tu bổ di tích trước khi triển khai để nhân dân được biết, tham gia và đóng góp ý kiến nhằm thống nhất, nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận của xã hội trong việc thực hiện các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích… 

 MINH NGỌC

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top