Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Hội thảo về thân thế và sự nghiệp của Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản

Chủ Nhật 02/10/2022 | 07:11 GMT+7

VHO- Tiến tới kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản (1823 - 2023), ngày 1.10, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và dòng họ Nguyễn, làng Du Lâm, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội đồng tổ chức Hội thảo khoa học “Thân thế và sự nghiệp của Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản”.

Hội thảo nhằm làm rõ hơn thân thế, sự nghiệp của Nguyễn Tư Giản, trong đó xác định nguồn gốc họ Nguyễn gốc Lý tại Du Lâm, dòng dõi dòng họ vương triều thời Lý và dòng tộc khoa bảng thời Lê Nguyễn; đồng thời khẳng định những đóng góp to lớn của Nguyễn Tư Giản với vương triều Nguyễn và đất nước, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước cũng như những đóng góp về văn chương Hán văn những năm cuối thế kỷ XIX của ông.

Đề dẫn hội thảo, GS.TS Đinh Khắc Thuân, Viện nghiên cứu  Hán Nôm cho biết, Nguyễn Tư Giản vốn tên là Nguyễn Văn Phú, tự Hy Bạch, Tuân Thúc, hiệu Thạch Nông, sinh năm Quý Mùi (1823), mất năm Canh Dần (1890), thọ 67 tuổi. Ông là cháu nội của danh sĩ Nguyễn Án (Kiếm Hồ Ngư ẩn), quê làng Du Lâm, huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc huyện Đông Anh,  Hà Nội. Nhờ xuất thân từ một gia đình khoa bảng nhiều đời, nên mới 21 tuổi, ông đã đậu Hoàng giáp khoa Giáp Thìn (1844) và từ đó đem tài năng ra giúp nước. Ông bước vào sự nghiệp chính trị khi tình hình đất nước đang biến thiên phức tạp, thực dân Pháp xâm chiếm đất nước, nội bộ triều đình Tự Đức phân hóa, cuộc đời làm quan của ông nhiều thăng trầm, song ông vẫn giữ vững được bản lĩnh tốt đẹp.

 Ông còn là một tri thức lớn, sáng tác nhiều. hầu hết các tác phẩm của ông vẫn bảo tồn, lưu giữ tại kho sách Hán Nôm, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Về nguồn gốc, thân thế sự nghiệp của Nguyễn Tư Giản, bài viết “Tấm bia Hoa Lâm Tam bảo Thị- thêm một tư liệu đáng tin cậy về Lý Công Uẩn và vùng Mai Lâm” của Nguyễn Hùng Vĩ và Nguyễn Văn Thanh đã giới thiệu văn bia chữ Hán khắc năm 1656 ở quê Nguyễn Tư Giản, làng Du Lâm, vốn được đổi từ họ Lý sau khi nhà Trần thiết lập vương triều Trần. Bài viết “Dòng họ và niềm tự hào của Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản qua văn bản Vân Điềm Du Lâm Nguyễn tộc phả” của PGS.TS Vương Hường đã khai thác tư liệu trong gia phả họ Nguyễn Du Lâm do chính Nguyễn Tư Giản soạn, giúp hiểu rõ hơn thế thứ các đời họ Nguyễn ở đây, một dòng họ khoa bảng đáng tự hào.

Bàn về đóng góp của Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản đối với triều Nguyễn, nửa cuối thế kỷ XIX, PGS.TS Nguyễn Minh Tường cho rằng, Nguyễn Tư Giản là người hoạt động khá đa diện, đa năng và đã để lại nhiều thành tựu to lớn đối với đất nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, ngoại giao, giáo dục... . “Nguyễn Tư Giản là một danh nhân lịch sử, có nhiều công lao đối với lịch sử dân tộc Việt Nam. Ông xứng đáng nhận được sự trân trọng và biết ơn của chúng ta hôm nay và con cháu mai sau”, PGS.TS Nguyễn Minh Tường bày tỏ.

Những đóng góp của ông với triều đình nhà Nguyễn là vô cùng to lớn, song do thời thế nên những công việc do ông đảm trách không tránh khỏi sai sót khiến ông không ít lần bị trách phạt. Nổi bật trong những đóng góp của Nguyễn Tư Giản là kế sách và biện pháp hộ đê, trị thủy để giảm thiểu thiệt hại do nạn thủy tặc thường xuyên đe dọa và gây ra với làng xã đồng bằng Bắc Bộ. Kế sách trị thủy của ông được lưu lại trong Phương lược trị thủy Nhị hà đến nay vẫn còn ý nghĩa. Trong thời gian thực thi nhiệm vụ này, ông đã để lại tập thơ chuyên về việc trị thủy là Quan hà tập gồm 35 bài thơ chữ Hán.

Chuyến đi sứ của Nguyễn Tư Giản năm 1868 được vua giao trọng trách mang chuông đi đánh xứ người, ông đã thể hiện hết khả năng và tri thức của mình để làm tốt chuyến đi bang giao này. Trong chuyến đi này, ông đã trực tiếp soạn thảo các bài biểu, tấu, thiếp mừng, văn tế, cùng thơ phú xướng họa, giao lưu với thi nhân quan lại chính quyền Trung Hoa cũng như các sứ thần nước khác. Ông còn ghi chép tỉ mỉ lịch trình chuyến đi sứ qua tác phẩm Nhật trình kí. Cũng chuyến đi này đã giúp ông mở rộng tầm mắt và tri thức, nên khi về nước ông đề xuất không ít kế sách bảo vệ và phát triển đất nước. Nổi bật trong đó là tinh thần canh tân đất nước.

Một trong các hoạt động và cống hiến quan trọng khác của Nguyễn Tư Giản là sự nghiệp sáng tác thơ văn. Phân tích về “Sự nghiệp sáng tác thơ văn của Nguyễn Tư Giản”, GS.TS Đinh Khắc Thuân cho biết, thơ của Nguyễn Tư Giản hoàn toàn được sáng tác bằng chữ Hán, chép rải rác ở nhiều tác phẩm khác nhau, nhưng thực tế số bài thơ này chép trùng nhau nhiều. Hầu hết tác phẩm của ông đều đã được sưu tập chép trong bộ Thạch Nông toàn tập, kí hiệu A.376/1-6 tại kho sách Hán Nôm, Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Bước đầu xác định được Thạch Nông thi tập đệ nhị 56 bài, Thạch Nông thi tập đệ thất 85 bài, Thạch Nông thi tập đệ bát 27 bài, Thạch Nông thi tập (Đông chinh tập) 18 bài, tổng cộng là 186 bài, cùng với tập thơ Yên Thiều sáng tác trong chuyến đi sứ nữa thì tổng cộng có khoảng 200 bài thơ chữ Hán. Ngoài ra, Nguyễn Tư Giản còn sáng tác tản văn như: biểu, trướng, thiếp mừng, văn tế, câu đối,.. được hình thành văn tập của ông. Thực tế, số bài thơ này được dịch còn khá khiêm tốn, cần thiết dịch chú, nghiên cứu văn bản tác phẩm và công bố bộ Nguyễn Tư Giản toàn tập, góp phần tri ân tiền nhân.

Hội thảo nhận được 16 bài viết của các nhà khoa học thuộc Viện Sử học,  Viện Nghiên cứu Hán nôm, Viện Văn học, Trường Đại học quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cùng một số trung tâm nghiên cứu khác. Hội thảo còn nhận được bài viết của nhà báo Nguyễn Hạc Đạm Thư, dòng dõi họ Nguyễn Tư Giản, cùng bài viết Tiếng Anh về “Ngoại giao văn chương của Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản” của học giả người Mỹ Lady Borton. Nội dung các bài viết khá đa dạng, phong phú.

Tại hội thảo, các nhà khoa học cũng làm rõ những vấn đề liên quan đến đóng góp của Nguyễn Tư Giản với cương vị một vị trọng quan triều đình nhà Nguyễn và là một tác giả Hán Nôm thế kỷ XIX.

BẢO PHƯƠNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top