Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Chính sách xã hội nhìn từ Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI: (Bài 1) - Thành tựu 10 năm thực hiện các chính sách xã hội

Chủ Nhật 02/10/2022 | 17:36 GMT+7

VHO - Trong suốt quá trình phát triển, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán quan điểm chú trọng chính sách xã hội, tạo điều kiện thuận lợi nhất, phù hợp với điều kiện kinh tế nước nhà để mọi người dân có cơ hội phát triển, hướng tới ấm no hạnh phúc. Lần đầu tiên cụm từ “an sinh xã hội” được chính thức sử dụng trong văn kiện Đại hội IX của Đảng (4.2001) và được cụ thể hóa rõ nhất trong Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1.6.2012 của Ban chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 5 khoá XI về Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020.

Quan điểm nhất quán của Đảng về vai trò của chính sách xã hội

Bước vào thời kỳ Đổi mới, cùng với việc phát triển các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… chính sách xã hội được coi là một bộ phận quan trọng trong hệ thống chính sách của Đảng và Nhà nước, là động lực to lớn, phát huy tính năng động, sáng tạo của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã chỉ rõ: “Chính sách xã hội bao trùm mọi mặt của cuộc sống con người, điều kiện lao động và sinh hoạt, giáo dục và văn hóa, quan hệ gia đình, quan hệ giai cấp, quan hệ dân tộc… được thể hiện đầy đủ trong thực tế quan điểm của Đảng và nhà nước về sự thống nhất giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội”.

Các nội dung của Nghị quyết số 15-NQ/TW đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân

Với quan điểm biện chứng: “Trình độ phát triển kinh tế là điều kiện vật chất để thực hiện chính sách xã hội, nhưng những mục tiêu xã hội là lại mục đích của các hoạt động kinh tế”, Đảng ta đã nhấn mạnh: “Cần có chính sách xã hội cơ bản, lâu dài và xác định những nhiệm vụ, mục tiêu phù hợp với yêu cầu, khả năng trong chặng đường đầu tiên. Đó là một bước tiến mới trong nhận thức về chính sách xã hội của Đảng”.

Nhận thức được vai trò quan trọng của an sinh xã hội để đảm bảo quyền con người, lần đầu tiên cụm từ “An sinh xã hội” được chính thức sử dụng trong văn kiện Đại hội IX của Đảng (4.2001): “Khẩn trương mở rộng hệ thống bảo hiểm xã hội và an sinh xã hội. Sớm xây dựng và thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp”.Tại các kỳ Đại hội tiếp sau, Đảng tiếp tục hoàn thiện lý luận về chính sách xã hội, định hướng chính sách xã hội phát triển song hành với các chính sách phát triển ở các lĩnh vực khác. Đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020. Nghị quyết là dấu mốc quan trọng, tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng về vai trò của  chính sách xã hội, là cơ sở làm thay đổi căn bản nhận thức và tư duy về chính sách xã hội. Nghị quyết chỉ rõ: “Chính sách xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng, là mục tiêu, là động lực để phát triển nhanh và bền vững trong mọi giai đoạn phát triển”, “chính sách xã hội phải được đặt ngang tầm với chính sách kinh tế và thực hiện đồng bộ với phát triển kinh tế, phù hợp với trình độ phát triển và khả năng nguồn lực trong từng thời kỳ”. Nghị quyết đặt ra mục tiêu: “Đến năm 2020, cơ bản bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin, truyền thông, góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân”.

Với chủ trương đổi mới mô hình an sinh xã hội theo hướng xây dựng và phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng, toàn diện, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân, giữa các nhóm dân cư trong một thế hệ và giữa các thế hệ; bảo đảm bền vững, công bằng. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tiếp tục khẳng định: bảo đảm an sinh xã hội là một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ mới; tiếp tục hoàn thiện chính sách an sinh xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế-xã hội; mở rộng đối tượng và nâng cao hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội tới mọi người dân, hướng tới mục tiêu thực hiện an sinh xã hội toàn dân; khuyến khích nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh xã hội của mỗi người dân; gắn kết chặt chẽ chính sách kinh tế với chính sách an sinh xã hội, phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo đảm để nhân dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn thành quả của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. 

Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo Những vấn đề lý luận - thực tiễn qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia trong nước và quốc tế

Sau khi Nghị quyết Trung ương 5 ban hành, Ban Cán sự Đảng các bộ, ban, ngành trung ương và tổ chức đảng ở địa phương đã khẩn trương, nghiêm túc, tổ chức tuyên truyền, học tập quán triệt Nghị quyết. Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương chỉ đạo thực hiện. Tất cả các tỉnh, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo để triển khai; định kỳ hàng năm, 3, 5 năm, Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết.

Để thực hiện, hệ thống luật pháp, chính sách đã được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện tạo hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi để thực hiện chính sách an sinh xã hội. Thể hiện ở việc từ năm 2012 đến nay, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành 4 nghị quyết, Bộ Chính trị ban hành 1 nghị quyết, 1 kết luận, 2 chỉ thị; Ban Bí thư ban hành 1 kết luận, 4 chỉ thị; Chủ tịch nước ban hành 8 chỉ thị; Quốc hội ban hành 13 luật và bộ luật, 3 pháp lệnh, 9 nghị quyết…; Chính phủ ban hành 18 nghị quyết và 112 nghị định, Thủ tướng ban hành 7 chỉ thị và 220 quyết định; các bộ, ngành đã ban hành hàng trăm thông tư, quyết định, văn bản… chỉ đạo thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và an sinh xã hội.

Trong đó, đáng chú ý là Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23.5.2018 của Ban chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH, Quyết định 488/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt Đề án “Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017-2025 và tầm nhìn đến năm 2030” , Bộ luật Lao động sửa đổi (2013, 2019), Luật BHXH (năm 2014), Luật BHYT (năm 2014) đã đưa hệ thống an sinh xã hội đến gần với các nguyên tắc và ý tưởng của Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thông pháp luật, chính sách trở thành hệ thống gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau tạo hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi cho quản lý và phát triển xã hội hướng tới mục tiêu tiến bộ và công bằng...

Một số thành tựu quan trọng

Sau hơn 35 năm đổi mới, 10 năm triển khai Nghị quyết 15, các nội dung của Nghị quyết 15 đã đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân trên khắp các vùng miền, mọi thành phần, dân tộc tạo ổn định xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng. Chính sách xã hội đã góp phần quan trọng vào nỗ lực phát triển vượt bậc con người Việt Nam, với chỉ số phát triển con người (HDI) tăng từ 0,48% năm 1990 lên 0,71 năm 2020; Việt Nam được chuyển từ nhóm trung bình lên nhóm “các quốc gia phát triển con người cao”, đứng ở vị trí 117/189 quốc gia.

Để có thành tựu này là từ kết quả tích cực trong thực hiện tốt các chính sách như trong chính sách người có công, đến năm 2020, cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công. Trong đó trên 1,2 triệu người đang hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng, 99,5% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.

Chính sách an sinh xã hội đã đến với người dân trên khắp các vùng miền, mọi thành phần, dân tộc

Trong cuộc chiến chống đói nghèo, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo. Từ một quốc gia có hơn 60% dân số nghèo đói vào năm 1990, đến nay tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,23%. Thu nhập bình quân hộ nghèo tăng 3,5 lần trong 10 năm qua, mức sống của người nghèo, người dân trên địa bàn được cải thiện rõ rệt; người nghèo được hỗ trợ sinh kế, phù hợp, được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm, bồi dưỡng kiến thức sản xuất, kinh doanh…

Chính sách BHXH trở thành trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội. Đến năm 2021 có 16,6 triệu người giam gia BHXH, chiếm tỉ lệ 36% lao động trong độ tuổi tham gia BHXH. Hiện có 3,3 triệu người đang được hưởng chế độ hưu trí và trợ cấp BHXH hằng tháng. Đặc biệt, việc phát triển BHXH tự nguyện đã tăng 1 triệu người chỉ trong 3 năm từ 2019- 2021, con số này gấp 5 lần của 10 năm trước đây. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã hỗ trợ người lao động khi chấm dứt việc làm và hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng từ 8,27 triệu người năm 2012 lên gần 13,4 triệu người năm 2021.

Đặc biệt, BHYT đã tạo đột phá về tỉ lệ bao phủ với tỉ lệ người tham gia BHYT chiếm 91%, tỉ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt 96% - 98%, tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em và tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm gần 3 lần; tuổi thọ trung bình của dân cư tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 74 tuổi vào năm 2020. Hệ thống y tế cơ sở được tăng cường, nhất là ở các huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn, bao gồm cả hạng tầng trạm y tế, bệnh viện và cán bộ y tế. Y tế dự phòng được tăng cường, đã tạo hệ thống “phòng thủ” ngăn chặn được các bệnh nguy hiểm, như các đợt bùng phát trong đại dịch Covid-19…

Cùng với đó là hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách về phát triển nhà ở xã hội, về phổ cập giáo dục mầm non đến THCS; phát triển mạng lưới cấp nước sạch nông thôn, nhất là tại các địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn… Trong 2 năm 2020 và 2021, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành một loạt chính sách để hỗ trợ người dân gặp khó khăn, bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 một cách kịp thời “để không ai bị bỏ lại phía sau”. Từ tháng 7.2021 đến nay, Chính phủ đã hỗ trợ trên 85.000 tỷ đồng cho trên 55 triệu lượt người và gần 856.000 người sử dụng lao động gặp khó khăn theo các Nghị quyết số 68/NQ-CP, NQ số 116/NQ-CP của Chính phủ.

Đánh giá qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI, GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định: Chính sách xã hội của nước ta đã từng bước được hoàn thiện đồng bộ và thực hiện có hiệu quả. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm còn dưới 3%, nhà ở xã hội được quan tâm, nhiều mục tiêu về giảm nghèo, y tế, giáo dục hoàn thành trước thời hạn, được đánh giá là điểm sáng. “Tuy nhiên, đứng trước bối cảnh phát triển mới như cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những tác động từ dịch bệnh, biến đổi khí hậu và những thách thức của môi trường quốc tế cạnh tranh, xung đột đang diễn ra, đặt ra không ít thách thức đối với sự phát triển đất nước nói chúng, đến giải quyết các vấn đề xã hội nói riêng. Để tiếp tục đổi mới hướng đến phát triển bề vững cần có những bước đột phá toàn diện về chính sách xã hội, cả về cơ sở pháp lý, quản trị và cung cấp dịch vụ đầy đủ, chất lượng tương thích với trình độ phát triển kinh tế là rất cần thiết và chính việc giải quyết tốt các vấn đề xã hội sẽ là cơ sở, điều kiện và động lực cho phát triển kinh tế”, GS.TS Tạ Ngọc Tấn nhấn mạnh.

QUỲNH HOA

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top