Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Phát huy mô hình ứng dụng công nghệ và “người tốt, việc tốt” trong công tác thi đua

Thứ Năm 13/10/2022 | 10:49 GMT+7

VHO- Ngày 13.10, phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết phong trào thi đua chào mừng 25 năm thành lập quận Cầu Giấy (1.9.1997-1.9.2022) và 40 năm thành lập thị trấn nay là phường Nghĩa Đô.

Từ vùng đất cổ đến phố thị sầm uất

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Tại Hội nghị, 2 mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cải cách hành chính của Nghĩa Đô được các đại biểu đánh giá cao. Cũng từ hai mô hình này, diện mạo về một vùng đất có bề dày văn hóa, từng là cơ sở cách mạng của Xứ ủy Bắc Kỳ hiện đang phát triển với một sức sống trẻ, được quảng bá đậm nét hơn.

Ông Chử Mạnh Hùng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Nghĩa Đô cho biết, phường Nghĩa Đô ngày nay được hình thành trên cơ sở 6 làng cổ thuộc 3 xã Bái Ân, Nghĩa Đô và Đoài Môn, cùng có tên Nôm chung là Kẻ Bưởi. Nghĩa Đô xưa có đường giao thông thủy, bộ đi lại thuận tiện, gắn kết chặt chẽ với các phường trong nội thành. Trong số các nghề thủ công có mặt ở Nghĩa Đô, nghề dệt lĩnh lụa là nghề thủ công xuất hiện sớm nhất và nổi tiếng với hai phường dệt gấm Trích Sài và Bái Ân. Thời Tây Sơn (cuối thế kỷ XVIII) Nguyễn Huy Lượng, tước Chương Lĩnh Hầu đã viết ca ngợi hai phường này: “Liễu bờ kia bay tơ biếc phất phơ/Thoi oanh ghẹo hai phường dệt gấm”. Ngoài ra, Nghĩa Đô còn nổi tiếng với nghề làm giấy bản (để viết chữ), giấy moi (để gói); nghề nấu kẹo mạch nha…

Các di tích văn hóa ở Nghĩa Đô hiện còn lưu giữ nhiều di vật giá trị, như 22 pho tượng và bia đá cổ dựng năm Vĩnh Hựu thứ 4 (1738) ở chùa Dụ Ân; 16 đạo sắc Phong của các triều vua (từ đời Lê, đến đời Nguyễn ); các vi chỉ, lệnh chỉ ban hành năm Cảnh Hưng thứ 7 (1746) và thứ 8 (1749) của chúa Trịnh Doanh tại Đình Bái Ân; tấm bia dựng năm Cảnh Trị thứ 3 (1664) đời Vua Lê Huyền Tông ở chùa Quang Ân; chuông đồng đúc năm 1843  (chùa Phúc Ân); ngai thờ, mũ thánh, bộ bửu, kiệu, hoành phi ( đình An Phú….).

Không chỉ đậm dấu tích văn hóa, Nghĩa Đô còn là vùng đất có truyền thống cách mạng. Ngay từ năm 1930 nơi đây đã có Nông hội đỏ. Từ  năm 1940, Nghĩa Đô - Bái Ân là cơ sở cách mạng của xứ ủy Bắc Kỳ. Năm 1941, Nghĩa Đô - Bái Ân nằm trong An toàn khu của Trung ương Đảng. Năm 1943, chi bộ Đảng của công nhân, Ban Công vận của Thành ủy Hà Nội được thành lập tại Nghĩa Đô…

Tiết mục văn nghệ tại Hội nghị

Ngày 13.10.1982, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 173/HĐBT về việc phân vạch địa giới một số phường và thị trấn thuộc thành phố Hà Nội. Thị trấn Nghĩa Đô được thành lập. Đến năm 1992, thị trấn Nghĩa Tân được thành lập trên cơ sở chia tách thị trấn Nghĩa Đô. Sau khi phân định địa giới hành chính, thị trấn Nghĩa Đô có diện tích 130 ha, dân số 12 nghìn người. 

Ngày 2.11.1996, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 74/CP thành lập quận Cầu Giấy gồm 7 phường, trong đó có phường Nghĩa Đô ( gồm nguyên trạng địa giới thị trấn Nghĩa Đô). 

Ông Chử Mạnh Hùng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Nghĩa Đô phát biểu tại Hội nghị

40 năm kể từ ngày thành lập thị trấn, 25 năm kể từ ngày chính thức chuyển thành phường là khoảng thời gian không dài so với lịch sử của vùng đất Nghĩa Đô, một vùng đất có truyền thống lâu đời gắn liền với kinh thành Thăng Long từ ngàn năm, với những địa danh lịch sử, những làng cổ như Bái Ân, làng Tân, làng Nghè, làng Dâu, làng An Phủ, Đoài Môn…song đây là giai đoạn Nghĩa Đô phát triển nhanh cùng với quá trình đổi mới của đất nước, của Thủ đô. Đặc biệt, giai đoạn từ khi chính thức chuyển thành phường (năm 1997) đến nay là khoảng thời gian quá trình đô thị hóa trên địa bàn phường diễn ra mạnh mẽ. Từ một thị trấn nhỏ có hơn 1 vạn dân, đến nay Nghĩa Đô đã trở thành phường đô thị với dân số trên 3,5 vạn người. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn phường đã từng bước được hoàn thiện. Nhiều tuyến đường giao thông mới kết nối đồng bộ với hệ thống giao thông đô thị của thành phố. Các dự án phát triển đô thị hoàn thành, đưa vào sử dụng tạo diện mạo đô thị hiện đại, văn minh. Hạ tầng kỹ thuật trong các khu dân cư, nhất là hệ thống đường, thoát nước; các thiết chế văn hóa như vườn hoa, sân chơi, nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng góp phần cải thiện nâng cao điều kiện sống, điều kiện sinh hoạt của nhân dân.

Cơ cấu kinh tế trên địa bàn phường đã chuyển hẳn sang thương mại, dịch vụ, thu nhập và mức sống của người dân trong phường được nâng cao. Hằng năm đóng góp từ hoạt động kinh tế trên địa bàn vào ngân sách nhà nước tăng trưởng trung bình hơn 10%/ năm.

Sự nghiệp văn hóa - xã hội được quan tâm, đẩy mạnh. Hiện nay trên địa bàn phường có tổng số 3/4 trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng phát triển sôi nổi, rộng khắp, hoạt động của các CLB văn hóa, thể thao được duy trì và đẩy mạnh. Công tác quản lý, giữ gìn, tu bổ và tôn tạo di tích lịch sử văn hóa, cũng như việc xây dựng thiết chế văn hóa được quan tâm. Phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa", cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" đã được duy trì cả bề rộng và chiều sâu. 

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý và phát huy hiệu quả phong trào Người tốt, việc tốt

Thực hiện kế hoạch của UBND quận Cầu Giấy về việc Phát động phong trào thi đua chào mừng kỉ niệm 25 năm thành lập quận Cầu Giấy, Nghĩa Đô đăng ký với Hội đồng thi đua khen thưởng quận thực hiện 3 mô hình thi đua. Trong đó có 2 mô hình ứng dụng công nghệ thông tin là mô hình “Xây dựng trong thông tin "UBND phường Nghĩa Đô" (trên mạng xã hội Zalo) kết nối đến từng hộ gia đình trên địa bàn phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền" và mô hình "Ứng dụng kết nối hệ thống camera an ninh tại các tổ dân phố trên địa bàn phường". Qua 1 năm triển khai thực hiện đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ.

Phó Bí Thư Thường trực Quận uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân quận Cầu Giấy Nguyễn Văn Chiến biểu dương những nỗ lực của phường Nghĩa Đô

Cụ thể, trang Zalo của phường đã đăng 106 tin, bài, thu hút được 2.436 lượt theo dõi, 1.008 lượt chia sẻ và 19.069 lượt xem. Các tin bài chủ yếu tập trung vào các hoạt động của UBND trong việc triển khai các nhiệm vụ chính trị, hội nghị, tọa đàm; các vấn đề nóng như dịch bệnh, phòng chống dịch sốt xuất huyết; hoạt động đền ơn đáp nghĩa; chính sách với người có công; các hoạt động hoạt động xã hội; công tác an sinh xã hội... 

Đối với việc ứng dụng kết nối camera an ninh tại các tổ dân phố, đến nay đã có 25 tổ dân phố xây dựng, kết nối được camera an ninh của các hộ gia đình trong tổ. Các tổ dân phố đầu tự lập được 45 mắt camera tại khu vực công cộng, kết nối gần 1000 vị trí camera nhà dân tự lắp đặt. Toàn bộ các hộ gia đình có camera được tổng hợp số điện thoại di động và tạo thành 13 nhóm Zalo được phân theo 13 ở khu vực. Mỗi nhóm Zalo camera an ninh được giao cho đồng chí cảnh sát khu vực phụ trách và các thành viên của nhóm gồm các đồng chí lãnh đạo UBND, Công an phường, các đồng chí cảnh sát khu vực, tổ tuần tra nhân dân, tổ bảo vệ dân phố (PCCC); lực lượng dân phòng và đại diện các hộ dân có camera an ninh. Qua các nhóm Zalo đã trao đổi hoạt động, trích xuất các thông tin quan trọng, phục vụ điều tra khi cần thiết cũng như việc đảm bảo ổn định tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường trên địa bàn phường. 

Bên cạnh hai mô hình ứng dụng công nghệ thông tin, mô hình thi đua Người tốt, việc tốt cũng đạt được hiệu quả đáng ghi nhận.Thông qua phong trào Người tốt, việc tốt và Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt đã kịp thời phát hiện, giới thiệu, tôn vinh và nhân rộng nhiều tấm gương lao động sáng tạo, để xuất nhiều mô hình, giải pháp đẩy mạnh các phong trào như Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoáĐền ơn đáp nghĩa, Xây dựng xã hội học tậpToàn dân bảo vệ an ninh tổ quốcThi đua quyết thắng. Đó chính là nguồn động lực giúp cho phường Nghĩa Đô hoàn thành tốt các chi tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022. Từ phong trào Người tốt, việc tốt, năm qua, đã có nhiều cá nhân điển hình được tôn vinh.

Trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân trong trong đợt thu đua cao điểm chào mừng kỷ niệm 25 năm thành lập quận Cầu Giấy và Quyết định khen thưởng Người tốt, việc tốt

Trên cơ sở những thành tích đã đạt được, để tạo động lực phấn đấu hoàn thành các chi tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2022, xây dựng và chuẩn bị tốt cho kế hoạch công tác năm 2023, tại Hội nghị, UBND phường Nghĩa Đô đã phát động Phong trào thi đua Người tốt, việc tốtCuộc thi Viết về gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến năm 2023 trên địa bàn phường.

Đánh giá cao những nỗ lực phát triển của phường Nghĩa Đô kể từ khi thành lập đến nay, Phó Bí Thư Thường trực Quận uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân quận Cầu Giấy Nguyễn Văn Chiến khẳng định trong 40 năm qua, Nghĩa Đô là một trong những phường có bước phát triển ấn tượng, quá trình đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ. Đời sống của người dân ngày càng được quan tâm, chăm lo đúng mức. Song song với những gì đã làm được, ông Nguyễn Văn Chiến đề nghị đội ngũ lãnh đạo, cán bộ phường Nghĩa Đô cần tiếp tục vững bản lĩnh, không ngừng trau dồi tư tưởng, chuyên môn, đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh để hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị; chăm lo tốt hơn nữa cho cuộc sống của người dân.

 

VŨ ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top