Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Tư duy mới, hiệu quả mới

Thứ Hai 17/10/2022 | 09:54 GMT+7

VHO- Lấy chủ đề “Tư duy lại về du lịch” cho Ngày quốc tế du lịch (27.9) năm nay, Tổ chức Du lịch Thế giới mong đợi rằng, thời kỳ tới sẽ chuyển đổi du lịch và xây dựng một nền du lịch mới tốt hơn cho tất cả mọi người.

 Khách du lịch giao lưu với bà con ở Xuân Trường, Bảo Lạc, Cao Bằng

Yếu tố văn hóa phải được khai thác nhiều nhất

Sau hơn 2 năm tàn phá, đại dịch Covid-19 đã khiến ngành Du lịch rơi vào khủng hoảng chưa từng có trong tiền lệ, nhưng cũng mang lại cho chúng ta nhiều bài học khi đối mặt với khủng hoảng và những điều bất trắc trong cuộc sống. Đồng thời, cũng chỉ ra rằng Covid-19 đã làm mọi thứ đã thay đổi: Từ nhu cầu du lịch của khách, các hình thức du lịch, thị trường du lịch, giá trị điểm đến, quan điểm về an toàn, xu hướng trải nghiệm… Cả thế giới không thể làm du lịch như trước đây mà phải tư duy lại về du lịch, sáng tạo và nhiều ý tưởng.

Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) Zurab Pololikashvili cho rằng: “Chúng ta không thể quay lại với cách làm việc như trước đây mà phải tư duy lại về du lịch. Khi thế giới mở cửa trở lại, những người làm du lịch rút ra được nhiều bài học từ đại dịch Covid-19 và việc tạm ngừng hoạt động du lịch quốc tế trên toàn cầu. Những điểm yếu đã bộc lộ, cuộc khủng hoảng đã cho người làm du lịch thấy đâu là nơi có thể nâng cao khả năng phục hồi…”.

Sự chủ động, dẫn đường của những người tạo nên nền tảng du lịch là người lao động, các doanh nghiệp nhỏ và điểm đến du lịch sẽ góp phần quan trọng để đạt được 17 mục tiêu phát triển bền vững của Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững mà du lịch toàn cầu hướng tới. Đồng thời, các tổ chức quốc tế, bao gồm Tổ chức Du lịch thế giới, Chính phủ và chính quyền địa phương cũng cần phải hỗ trợ du lịch tích cực. Ngành Du lịch toàn cầu đang cần những tiếng nói và ý tưởng mới nếu muốn chuyển đổi, xây dựng một ngành Du lịch tốt hơn cho tất cả mọi người.

Ở Việt Nam, sau mở cửa toàn bộ du lịch quốc tế và nội địa ngày 15.3, du lịch có xu hướng tìm về những nơi thiên nhiên hoang sơ, những miền quê thôn dã, những vùng đất thấm đẫm giá trị văn hóa địa phương. Ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam- VCTC cho biết: “Chúng tôi vừa phối hợp với UBND các huyện Trùng Khánh, Bảo Lạc, Nguyên Bình của tỉnh Cao Bằng đưa đoàn gần 100 doanh nghiệp lữ hành trên cả nước và phóng viên báo chí tới khảo sát những điểm du lịch, sản phẩm du lịch vừa hồi sinh sau dịch Covid-19 và một số điểm hoàn toàn mới mà các nhà làm du lịch chuyên nghiệp cũng chưa từng biết đến. Đặc biệt, trong đoàn có tới hơn 1 nửa là các doanh nghiệp miền Trung, miền Nam nên điểm đến và sản phẩm càng có sức hút vì quá mới lạ”.

Việc tư duy lại về du lịch để có một ngành Du lịch tốt hơn cho tất cả mọi người, theo ông Phạm Hải Quỳnh là phải bằng những hành động thiết thực nhất để cộng đồng cùng tham gia, để không ai bị bỏ lại phía sau và yếu tố văn hóa phải được khai thác nhiều nhất trong các chương trình. Trong hoạt động kinh doanh, cần tạo ra các liên minh bán sản phẩm để tạo thành sức mạnh tổng hợp.

Những trải nghiệm mới lạ

Khảo sát các bản làng dân tộc, những điểm ngắm cảnh tuyệt đẹp mà chưa đoàn khách du lịch nào đặt chân tới, ông Phạm Kiên Chí, Phó giám đốc phụ trách nội địa Công ty du lịch Người thám hiểm Việt Nam cho biết: “Sau dịch Covid-19, những miền đất với nhiều điểm mới lạ, thiên nhiên hùng vĩ, văn hóa độc đáo, ẩm thực phong phú như: Nguyên Bình với các làng du lịch cộng đồng Hoài Khao (dân tộc Dao Tiền), đồi cỏ Phan Thanh, đồn điền chè và khu nghỉ dưỡng Kolia, rừng trúc Phường Sào; Bảo Lạc có du lịch cộng đồng xóm Khuổi Khon (dân tộc Lô Lô), homestay ở Thôm Lốm, homestay Kha Rào, dốc 15 tầng Cốc Trà (xã Xuân Trường); Trùng Khánh nổi tiếng với thác bản Giốc, động Ngườm Ngao toàn tuyến tới Bản Thuôn, làng Văn hóa dân tộc Tày xóm Khuổi Ky, cánh đồng Ngọc Côn... chắc chắn sẽ thu hút đông khách du lịch nếu biết cách làm. Ngay sau chuyến khảo sát, chúng tôi đã hoàn thiện tour du lịch tới Nguyên Bình 3 ngày 2 đêm với mức giá không lãi”.

Ông Nguyễn Phi Phong, Giám đốc điều hành Insight Hanoi Travel, doanh nghiệp chuyên làm tour trải nghiệm mạo hiểm cho biết: “Sau dịch Covid-19, các công ty du lịch đều nỗ lực để tạo ra các sản phẩm mới, đường tour mới hoặc ít nhất là làm mới các sản phẩm truyền thống, đặc trưng trước đây. Có rất nhiều điểm ở Nguyên Bình, Bảo Lạc, Trùng Khánh chúng tôi vừa khảo sát rất mới, rất đặc biệt mà đến những người “lọ mọ” như chúng tôi, đi nát vùng Đông Bắc, Tây Bắc rồi vẫn chưa biết tới. Tôi đang vẽ cung chèo kayak trên sông Năng (Ba Bể, Bắc Kạn), trekking đỉnh Phja Oắc và cắm trại ở thảo nguyên Phan Thanh. Đây là cung mà khách du lịch cả trong và ngoài nước sẽ rất thích vì có nhiều trải nghiệm hoàn toàn mới lạ”.

Khoe rằng, mới chỉ cần cập nhật hình ảnh trong chuyến đi tới Trùng Khánh, Bảo Lạc, Nguyên Bình, đã có rất nhiều khách hỏi đặt tour, Giám đốc Pan Asia Adventures Phạm Văn Luy cho biết: “Hiện nay, nhu cầu của khách du lịch quốc tế tới Việt Nam rất cao. Bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, nhiều khách du lịch châu Âu đã đặt tour của công ty chúng tôi để du lịch Việt Nam sau dịch Covid-19. Du khách nước ngoài đặc biệt ấn tượng với văn hóa của Việt Nam và họ rất hào hứng được trở lại Việt Nam. Khách cũng cho biết chính sách mở cửa thông thoáng của Việt Nam sau dịch Covid-19 chính là một yếu tố quan trọng để họ quyết định chuyến đi tới Việt Nam. Tuy nhiên, rất nhiều khách mong muốn Việt Nam kéo dài thời gian miễn thị thực từ 15 lên 30 ngày và có thêm nhiều nước được miễn thị thực đơn phương để họ có thêm nhiều thời gian và cơ hội khám phá Việt Nam”. 

 THÚY HÀ

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top