Chiếc khăn Mat’ra nét duyên của phụ nữ Chăm

VHO- Cũng như nón lá của người Việt, khăn Mat’ra (trùm đầu và cổ) là hiện thân cho nét đẹp văn hóa, sự dịu dàng, hồn hậu của phụ nữ Chăm An Giang, khăn Mat’ra không đơn thuần là trang phục, đó còn là nét duyên dáng, thể hiện sự nhẹ nhàng, e ấp.

Chiếc khăn Mat’ra nét duyên của phụ nữ Chăm - Anh 1

 Chiếc khăn Mat’ra gắn bó với cuộc sống thường ngày của phụ nữ Chăm

 Chị Zây Mah ấp Phũm Soài, xã Châu Phong, TX Tân Châu, tỉnh An Giang chia sẻ: “Với phụ nữ Chăm theo đạo Hồi Islam, áo dài là trang phục thiêng liêng và quý giá nhất, thường mặc vào những lễ hội lớn hay lễ cưới, hỏi. Còn chiếc khăn Mat’ra không chỉ giúp che trọn mái tóc dài đen óng ánh, mà còn là điểm nhấn độc đáo, tạo nên vẻ đằm thắm, thùy mị của phụ nữ. Người phụ nữ phải ăn mặc hết sức kín đáo nơi công cộng, ngay cả phụ nữ đã có gia đình”. Chị Phatymah ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành tâm sự: “Tôi rất yêu quý chiếc khăn Mat’ra vì nó gắn bó với tôi từ rất lâu. Hơn nữa, tôi thấy mình đẹp hơn, tự tin hơn với trang phục truyền thống của dân tộc. Dù đi đâu tôi vẫn mang theo chiếc khăn Mat’ra như lời nhắc nhở luôn nhớ về quê hương Châu Phong, nhớ bến phà Châu Giang cạnh ngã ba sông thơ mộng”.

Nét duyên dáng, dịu dàng của cô gái Chăm ngồi bên khung cửa sổ dệt vải, thêu thùa đã đi vào thơ ca. Gắn liền với họ là bộ trang phục đặc sắc, điểm nhấn là chiếc khăn Mat’ra lấp lánh, nhiều màu sắc, không chỉ giúp tô điểm cho nét đẹp người phụ nữ Chăm, mà còn thể hiện nét văn hóa dân tộc. Theo nhịp sống hiện đại, dù có nhiều biến đổi với thời gian, nhưng hình ảnh phụ nữ trong bộ trang phục truyền thống, chiếc khăn Mat’ra trở thành đặc trưng phụ nữ Chăm ở An Giang. 

 PHƯƠNG MINH

Ý kiến bạn đọc