Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam: Cần đổi mới để tăng sức hấp dẫn

Thứ Sáu 21/10/2022 | 09:59 GMT+7

VHO-  Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) được coi là “ngôi nhà chung”, nơi hội tụ và giới thiệu những giá trị văn hóa đặc trưng, đa dạng của 54 dân tộc anh em.

 

 Du khách tìm mua đồ lưu niệm mỗi khi đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam Ảnh: HẢI YẾN

Không những thế, nơi đây còn là một trong những điểm đến với nhiều hoạt động trải nghiệm. Nhưng để trở thành điểm đến hấp dẫn đáng lựa chọn khi du khách tới Hà Nội thì còn nhiều việc phải làm...

Hấp dẫn “ngôi nhà chung”

Là một trong những gia đình gắn bó lâu dài tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, gia đình nghệ nhân Lâm Thị Hương (ấp Bưng Chông, xã Tài Văn, huyện Trần Ðề, Sóc Trăng) ban ngày biểu diễn kịch rôbăm giới thiệu với du khách loại hình nghệ thuật truyền thống của người Khmer, buổi tối lại quây quần chuẩn bị nguyên liệu làm cốm dẹp, bánh tét, bánh xèo để hôm sau bán cho du khách.

Bà Lâm Thị Hương chia sẻ, nếu có ít khách tới thăm gia đình sẽ diễn kịch ngay trong ngôi nhà truyền thống của người Khmer, còn thường vào cuối tuần, dịp lễ hội hay khi có đoàn khách, các nghệ nhân rôbăm biểu diễn ngoài sân rộng, bãi cỏ để mọi người có thể thưởng thức. Không chỉ bảo tồn loại hình nghệ thuật truyền thống, gia đình còn làm du lịch cộng đồng, đưa không gian văn hóa Khmer trở thành nơi thu hút du khách tới với “ngôi nhà chung”.

Cứ mỗi dịp cuối tuần, chuyến xe buýt 107 nối từ trung tâm thành phố Hà Nội tới Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam lại đông vui, tấp nập, cùng với đó là nhiều đoàn khách từ các địa phương lân cận như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Hà Nam… theo các tour tới đây để tham quan, giao lưu văn hóa cùng đồng bào các dân tộc, cắm trại, dã ngoại. Có vị trí gần thành phố Hà Nội nên nơi đây giờ đã trở thành điểm đến trong lịch trình tour một ngày tham quan ngoại thành của các công ty du lịch, đơn vị lữ hành, trong đó đông nhất là học sinh, sinh viên tham gia các chương trình trải nghiệm thực tế, tìm hiểu văn hóa kết hợp dã ngoại. Tới mỗi ngôi làng, các em và du khách được giới thiệu về nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc. Với những không gian rộng rãi, các em được tham quan, chiêm ngưỡng phong cảnh thiên nhiên, tham gia các hoạt động dã ngoại, tổ chức chương trình vui chơi, hát, kể chuyện, đố vui, trò chơi khoa học lý thú phù hợp với lứa tuổi.

Cùng với nhu cầu tìm hiểu văn hóa, tại Khu các làng dân tộc, đồng bào các dân tộc đã tích cực cải tạo không gian quanh nhà để trồng rau, nuôi gà, biến những mảnh đồi thành những vườn chè xanh... giống như ở quê nhà. Đến đây du khách có thể cùng tham gia vào công việc hằng ngày với đồng bào, tự tay ra vườn hái rau sạch, bắt gà trong chuồng, vào bếp nấu ăn, dệt thổ cẩm... Là người thường tổ chức cho gia đình đi chơi cuối tuần, chị Phạm Thanh Tâm (Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, gia đình chị rất thích đến “ngôi nhà chung” để thưởng thức ẩm thực của các vùng miền do chính những gia đình đồng bào đang sinh sống tại đây thực hiện. “Tôi từng tham gia các phiên chợ nổi, chợ vùng cao hay xem các chương trình tái hiện lễ hội của đồng bào các dân tộc, nhưng một ngày trải nghiệm các hoạt động tại đây giống như được đi cả một hành trình dài, khám phá văn hóa các vùng miền”, chị Tâm hồ hởi.

Với chị Đỗ Thị Lan (Phủ Lý, Hà Nam) thì: “Không phải ai cũng có khả năng đi đến nhiều vùng miền trên cả nước để chiêm ngưỡng những bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam. Khi đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, du khách có thể chiêm ngưỡng và tìm hiểu về nét văn hóa đặc sắc của 54 dân tộc anh em”. Cũng theo chị Lan, bên cạnh tái hiện những nghi lễ truyền thống, nghệ nhân đến từ các dân tộc đang sinh hoạt tại đây còn giới thiệu nhiều hoạt động, trò chơi dân gian truyền thống, các nghề thủ công truyền thống, ẩm thực món ngon. Cùng bạn bè tham quan Làng Văn hóa - Du lich các dân tộc Việt Nam dịp nghỉ lễ 2.9 vừa qua, anh Phí Bá Nam (TP Bắc Giang, Bắc Giang) nhận xét: “Công tác tổ chức đón khách tại đây được thực hiện chu đáo, tạo cho chúng tôi một cảm giác rất yên tâm khi đến đây vui chơi. Với những hoạt động của các đồng bào dân tộc diễn ra tại đây sẽ góp phần giúp cho chúng tôi có cơ hội được trải nghiệm và hiểu hơn về cuộc sống và đặc biệt là những sắc màu văn hóa của từng dân tộc”.

 Các hoạt động tại “ngôi nhà chung” luôn hấp dẫn du khách Ảnh: TR.HUẤN

Cần thêm nhiều dịch vụ

Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) đánh giá, thời gian qua, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã đầu tư cho không gian văn hóa, cảnh quan, tổ chức các sự kiện một cách bài bản, thường xuyên cập nhật hệ thống thông tin đến với doanh nghiệp lữ hành nên hoạt động đưa khách về đây đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, bên cạnh dòng khách chủ đạo do các công ty lữ hành đưa tới, Ban Quản lý Làng cần nâng cao chất lượng, thu hút dòng khách lẻ thông qua việc quảng bá, tổ chức các sự kiện và đặc biệt cần có thêm nhiều dịch vụ vui chơi giải trí để đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng khách. Do đó, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cần đổi mới hơn nữa để tăng sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch nhiều hơn trong tương lai.

Nhiều doanh nghiệp khi đến tìm hiểu nhằm mở ra cơ hội hợp tác cho rằng, việc mà Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cần đáp ứng tức thì là tăng cường và nâng cao chất lượng dịch vụ, làm phong phú thêm các hoạt động trải nghiệm, bổ sung những dịch vụ còn thiếu như nhà hàng, lưu trú. Để dịch vụ du lịch của các khu chức năng được quy hoạch, đầu tư và vận hành một cách bài bản, đồng bộ, không manh mún cần một nhà đầu tư xứng tầm. Còn nếu không, có thể xây dựng các quy hoạch tổng thể và chi tiết, sau đó để các doanh nghiệp đấu thầu.

Lượng khách đến tham quan “ngôi nhà chung” của các dân tộc Việt Nam tăng theo từng năm, và điều đó tất yếu đòi hỏi cần có những dịch vụ thiết yếu để đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của du khách, ngoài tham quan các công trình kiến trúc, tìm hiểu văn hóa của các dân tộc thì cần có những dịch vụ thiết yếu để du khách nghỉ ngơi ăn uống và có những trải nghiệm hấp dẫn. Chị Thu Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ: “Đây là lần thứ hai chúng tôi đưa gia đình đến Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam vui chơi, phải thừa nhận cảnh sắc ở đây rất đẹp, không khí trong lành, các con được trải nghiệm các hoạt động bổ ích cùng đồng bào dân tộc. Tuy nhiên ở đây chỗ ăn uống, nghỉ ngơi còn ít, nếu có thêm dịch vụ phục vụ ăn uống, vui chơi hơn nữa thì sẽ thuận tiện hơn”. Để tạm thời giải quyết vấn đề này, hiện tại một số khu đất và công trình nằm trong quy hoạch đang chờ đầu tư hoàn thiện đã và đang được Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam vận dụng trong việc phục vụ nhu cầu vui chơi, ăn uống nghỉ ngơi cho du khách tham quan.

Ông Trịnh Ngọc Chung, Quyền Trưởng Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây, khi du khách đến “ngôi nhà chung” tham quan đều mong muốn có thêm nhiều dịch vụ phục vụ ăn nhanh và bán hàng lưu niệm, vui chơi giải trí đa dạng hơn để phục vụ du khách, nên chúng tôi thực hiện đề án cung cấp dịch vụ nhà hàng, lựa chọn đơn vị cung cấp theo đúng quy định. Đây là những công trình tạm cho thuê theo năm một, sau khi hết hợp đồng sẽ có đánh giá và có tiếp tục triển khai tiếp hay không. “Thời gian tới Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, để khi du khách đến với “ngôi nhà chung” không chỉ được trải nghiệm những giá trị văn hóa mà còn được phục vụ bằng những dịch vụ tiện ích nhất. Bên cạnh đó, tiếp tục vận hành khai thác ứng dụng thông tin vào công tác quản lý các hoạt động…”, ông Chung cho biết thêm. 

HOÀNG NGUYÊN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top