Phải cân bằng giữa bảo tồn di sản và phát triển du lịch

VHO- Qua lăng kính xu hướng du lịch bình thường mới của khu vực Đông Á, các chuyên gia du lịch, những nhà quản lý thuộc các nước thành viên Đại hội đồng Diễn đàn Du lịch Liên khu vực Đông Á (EATOF) đã đánh giá những ảnh hưởng do dịch Covid-19 gây ra cho ngành Du lịch và định hướng tương lai của du lịch EATOF.

Phải cân bằng giữa bảo tồn di sản và phát triển du lịch - Anh 1

Cân bằng giữa bảo tồn và phát triển là bài toán không hề dễ

Thắt chặt mối quan hệ, hợp tác để phục hồi du lịch

Tỉnh trưởng tỉnh Gangwon, Hàn Quốc Kim Jin-Tae trong phát biểu của mình tại Lễ khai mạc Đại hội đồng Diễn đàn EATOF ngày 25.10 đã đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Quảng Ninh trong việc đăng cai tổ chức Đại hội đồng EATOF lần thứ 17 năm 2022 gắn với Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập EATOF.

Tỉnh trưởng Kim Jin-Tae mong muốn EATOF trong tương lai sẽ mở ra một mô hình mới cho ngành Du lịch phát triển, nhất là sau đại dịch Covid-19. “Tôi rất vui được đến Quảng Ninh và thực sự rất ấn tượng với vẻ đẹp, diện mạo mới của Vịnh Hạ Long”, ông Kim Jin-Tae nói.

Với việc tham gia EATOF, Quảng Ninh đã có dịp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch thông qua các chương trình trao đổi cán bộ và trại hè sinh viên giữa các tỉnh thành viên EATOF. Nhiều cán bộ và sinh viên trong ngành Du lịch đã học hỏi kinh nghiệm và kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế. Tham gia mỗi hoạt động, các cán bộ, sinh viên các tỉnh thành viên đều có những cuộc thảo luận chuyên đề, thảo luận nhóm và đề xuất ý tưởng, qua đó giúp nâng cao trình độ chuyên môn về du lịch.

Phải cân bằng giữa bảo tồn di sản và phát triển du lịch - Anh 2

PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường ĐHKHXHNV Hà Nội nhấn mạnh về hợp tác giữa nhà nước, doanh nghiệp và trường đào tạo về du lịch trong phục hồi và phát triển du lịch

Thảo luận về Xu hướng tương lai du lịch trong bối cảnh bình thường mới và định hướng của EATOF để thúc đẩy sự hồi phục của du lịch quốc tế, PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường ĐHKHXHNV Hà Nội đã nhấn mạnh về hợp tác giữa nhà nước, doanh nghiệp và trường đào tạo về du lịch trong phục hồi và phát triển du lịch. Trong đó, tập trung vào vai trò của khu vực công, tư nhân, trường đại học và quan hệ nhà nước, doanh nghiệp, trường đại học.

Có thể nhận thấy, tác động khủng khiếp của Covid-19 tới ngành Du lịch, tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh, một số ngành lại hưởng lợi như ngành thương mại điện tử, công nghệ thông tin, chăm sóc sức khỏe... Ở Việt Nam, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành cao, chỉ cần ngành Du lịch “hắt hơi”, các ngành khác “đau đầu” theo. Qua 3 năm hỗn loạn, người dân và cả xã hội đã chuyển sang thích ứng linh hoạt; từ việc quen với các khái niệm cách ly, khoanh vùng, 5K, giãn cách xã hội, xét nghiệm PCR, vùng xanh, vùng đỏ... chuyển sang cân bằng xã hội và cuộc sống, tính bền vững, phục hồi, bong bóng du lịch, mở cửa, bình thường mới...

Ông Phạm Hồng Long cho rằng, mối quan hệ, hợp tác giữa nhà nước, doanh nghiệp và nhà trường rất quan trọng để thiết lập quan hệ đối tác để cùng hợp lực trong quá trình phục hồi và phát triển du lịch bền vững. Trong đó, nhà nước đóng vai trò định hướng, điều phối, hướng dẫn phát triển ngành Du lịch; cung cấp dịch vụ thiết yếu, dịch vụ giao thông vận tải, chính sách, quản lý du lịch, thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển... Các doanh nghiệp khu vực tư nhân cung cấp dịch vụ cơ bản, dịch vụ vận tải, nhà hàng, điểm tham quan, vui chơi giải trí.... Khối trường học có các nhà nghiên cứu, giảng viên, trợ giảng... sẽ cung cấp nguồn nhân lực cho ngành Du lịch, tư vấn về điểm đến, tư vấn quy hoạch phát triển du lịch cấp quốc gia và địa phương...

Phải cân bằng giữa bảo tồn di sản và phát triển du lịch - Anh 3

Các đại biểu thảo luận về định hướng phát triển cho EATOF bằng sự hợp tác với Tổ chức toàn cầu

Sự hợp tác giữa các bên: nhà nước, doanh nghiệp và trường đại học đóng góp phần lớn việc phát triển nguồn nhân lực cho tương lai, mang lại nhiều lợi ích, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu rủi ro, nâng cao doanh thu và các lợi ích kinh tế khác. Trong trường hợp hợp tác được các bên này thì việc thực hiện các dự án sẽ khả thi hơn, hoạch định chính sách hiệu quả hơn. Tăng cường mối quan hệ giữa 3 bên thu hút đầu tư nhiều hơn từ chính phủ, các doanh nghiệp và nhà khoa học. Tuy nhiên, cũng có mối tiềm ẩn là các doanh nghiệp, nhà hoạch định chính sách không phải lúc nào cũng hợp tác được với nhau.

Ông Phạm Hồng Long đề xuất thành lập Quỹ chung của các thành viên EATOF để nghiên cứu và phân tích dữ liệu về du lịch phục vụ việc hoạch định, ban hành các chính sách phát triển du lịch; thành lập Diễn đàn giữa các trường đào tạo về du lịch giữa các thành viên EATOF để trao đổi công tác nghiên cứu, giảng dạy, học tập... Tổ chức các famtrip với sự tham gia của đại diện chính quyền các thành viên EATOF, các doanh nghiệp du lịch, chuyên gia du lịch... để thúc đẩy phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững, có trách nhiệm với môi trường và xã hội trong khu vực.

Phải cân bằng giữa bảo tồn di sản và phát triển du lịch - Anh 4

Các đại biểu thảo luận về chủ đề sự phát triển mới của du lịch Đông Á với giới trẻ

Cân bằng giữa bảo tồn và phát triển

Làm thế nào để các thành viên EATOF có thể cân bằng giữa tiếp thị du lịch di sản và giáo dục các cộng sự du lịch cũng như khách du lịch về tầm quan trọng của việc bảo tồn giá trị.

Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart cho biết: “Phần lớn các di sản ở Việt Nam phải đóng cửa khi dịch Covid-19 xuất hiện, các điểm đến không có nguồn thu, không có nguồn lực để tái đầu tư bảo tồn di sản. Tuy nhiên, sau khi mở cửa, Việt Nam đang là một ví dụ tiêu biểu về việc phục hồi dựa vào thị trường nội địa”. Ông Christian Manhart kể: “Khi tôi trở về Đức, các chuyến bay đều chật cứng khách Pháp, châu Âu tới Việt Nam. Từ đó có thể hi vọng vào ánh sáng sau cuộc khủng hoảng”.

Ông Christian Manhart cũng nhấn mạnh việc phải cân bằng giữa bảo tồn các giá trị của di sản và phát triển du lịch; hạn chế tối đa tác động của biến đổi khí hậu với các di sản; xem xét lại tính bền vững và phát triển du lịch dựa vào các di sản thế giới. Phải tính toán được tính chống chịu của các di sản trước sự phát triển; hình thành các sản phẩm thiên về trải nghiệm; bảo tồn các giá trị văn hóa, di sản trong quá trình phát triển. Phát triển du lịch một cách có chọn lọc thay vì đại trà, theo đám đông. Hỗ trợ cộng đồng, nâng cao năng lực trong chia sẻ các kỹ năng quốc tế, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình phát triển. Ở Việt Nam, di sản thế giới Hội An là điển hình cho việc thông qua mối quan hệ đối tác công- tư để phát triển du lịch xanh, bền vững.

Phải cân bằng giữa bảo tồn di sản và phát triển du lịch - Anh 5

Di sản thế giới Hội An là điển hình cho việc thông qua mối quan hệ đối tác công- tư để phát triển du lịch xanh, bền vững

Đề xuất phương thức phát triển du lịch bền vững, ông Christian Manhart cho rằng, cần thông qua các Diễn đàn như EATOF để chia sẻ kinh nghiệm phát triển, các mô hình tốt, phát huy điểm mạnh của các quốc gia; chia sẻ kiến thức, việc hoạch định chính sách phát triển du lịch giữa các quốc gia.

Du lịch bền vững cần mang tính sáng tạo, tích hợp xu hướng mới, lấy cộng đồng địa phương là trung tâm quản lý du lịch. Tạo tiền đề bảo tồn các di sản phi vật thể; phát huy giá trị cộng hưởng của hợp tác công- tư; tập trung đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển mới. Ông Christian Manhart cũng đề xuất cần tạo ra các sản phẩm du lịch văn hóa cạnh tranh hơn thông qua việc bảo tồn văn hóa trong phát triển du lịch, khai thác các điểm đến chưa quá nổi tiếng để giảm tải cho các điểm đến trung tâm. Các công ty lữ hành có vai trò quan trọng và mỗi người làm du lịch cần đóng vai trò như một người quản lý di sản; tạo nguồn thu (thu phí tham quan di sản) để có nguồn tái đầu tư. Văn hóa được ưu tiên bảo tồn và phát triển ở Việt Nam nên việc gia tăng phí vào cửa, tạo nguồn tái đầu tư, bảo tồn và phát huy di sản thì chắc chắn sẽ được người dân và du khách ủng hộ.

THÚY HÀ; ảnh: MINH CHÂU

Ý kiến bạn đọc