Về “Làng” thưởng thức nghệ thuật Khmer

VHO- Về tham gia hoạt động tháng 10 “Ấn tượng miền Tây” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đoàn nghệ nhân dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh đã tổ chức giới thiệu nghệ thuật Chầm riêng Chà pây và múa Rô băm - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Về “Làng” thưởng thức nghệ thuật Khmer - Anh 1

 Nhiều tiết mục dân ca dân vũ đặc trưng của dân tộc Khmer được trình diễn tại chương trình

 Nghệ nhân Thạch Kênh đến từ xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú cho biết: “Theo tiếng Khmer, “Chầm riêng” có nghĩa là hát, “Chà pây” là tên gọi của một loại đàn, được dùng để đệm sau mỗi đoạn hát. Cả cụm từ “Chầm riêng Chà Pây” có nghĩa là “đàn ca” hay “ca kể chuyện”. Ngoài ra, loại nhạc cụ này còn được dùng trong nhạc lễ, nhạc cưới và cúng tế thần (gọi là “Chà pây đơn vênh”) hoặc được sử dụng để đệm cho hát múa “À day” đối đáp (song ca nam nữ đối đáp). Khi chơi, nghệ nhân thường dựa vào các tích truyện để ứng tác thành những đoạn thơ, chủ yếu thể thơ 4 câu, mỗi câu 7 chữ để hát. Cũng có khi Chầm riêng Chà pây không dựa vào tích truyện nào mà chỉ hát lên những khổ thơ do người nghệ nhân ứng tác tại chỗ, mô tả hiện thực cuộc sống hay thể hiện tâm trạng, mong ước của con người, mang nhiều ý nghĩa giáo dục. Chính vì vậy, ngoài một số bài bản cơ bản, nghệ thuật này phát triển rất đa dạng về nội dung và phong cách thể hiện, có thể trình diễn ở rất nhiều không gian khác nhau, ở mọi nơi, mọi lúc”.

Chà pây là loại nhạc khí có nguồn gốc lâu đời. Hộp đàn có nhiều kiểu dáng như thang cân, tứ giác, hình lá bồ đề, hình trái cây, gần giống đàn đáy của người Việt, nhưng thùng đàn to hơn và cần đàn dài hơn, có khi tới 120cm, với 12 phím đàn theo hệ thang âm ngũ cung. Điểm độc đáo của nghệ thuật này là không phải “vừa đàn vừa hát” như những loại hình âm nhạc khác mà nghệ nhân hát “chay” một đoạn rồi dừng lại để gảy đàn rồi hát tiếp.

Múa Rô băm là loại hình nghệ thuật múa chuyên nghiệp, sáng tạo, đầy tài năng của người nghệ sĩ Khmer, là loại kịch múa cổ điển trên sân khấu cung đình của người Khmer xưa và đã đạt đến trình độ nghệ thuật rực rỡ. Tại chương trình, đoàn nghệ nhân dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh đã giới thiệu một trong những điệu múa Rô băm tiêu biểu đó là “Kin nor” có nghĩa là nàng tiên nữ, lấy cảm hứng từ câu chuyện truyền miệng về chim đực Kaynora và chim cái Kaynorrây luôn nương tựa vào nhau ở chỗ núi rừng, đôi chim Kaynor đã trải qua không biết bao sóng gió và sự đe dọa của muôn loài, thế nhưng càng gian truân thì tình cảm càng sâu sắc, để tưởng nhớ Kaynor, các nghệ nhân đã khắc họa mẫu hình chim Kaynor như biểu tượng của lòng thủy chung, vượt qua mọi hoàn cảnh để vươn lên và mưu cầu hạnh phúc, qua đó, đưa người xem đến với những giá trị nghệ thuật mà các nghệ nhân đã dày công vun đắp.

Bên cạnh giới thiệu, trình diễn nghệ thuật Chầm riêng Chà pây và Rô băm, đồng bào Khmer đến từ tỉnh Trà Vinh còn biểu diễn những tiết mục dân ca dân vũ đặc trưng của dân tộc mình, với những bài hát rộn ràng, vui tươi kết hợp với sự uyển chuyển, nhẹ nhàng của các điệu múa đã đem đến một không gian âm nhạc mang màu sắc Khmer tại không gian “Ngôi nhà chung”. 

 H. YẾN

Ý kiến bạn đọc