“Mật độ, cách thức" xâm phạm bản quyền khiến người sáng tạo hoang mang

VHO- Cách ví von, so sánh của luật sư Phan Vũ Tuấn (Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế châu Á - Thái Bình Dương - PIAC), khiến người nghe không khỏi dở khóc, dở cười: “Mật độ, cách thức xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam đã như những “khuôn mẫu” trên thế giới”.

“Mật độ, cách thức

 Phó cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Phạm Thị Kim Oanh tại hội thảo

Hội thảo “Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam” do Viện VHNT quốc gia (VICAS) phối hợp cùng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) vừa tổ chức tại Hà Nội.

Thử thách với sáng tạo

Các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) và sáng tạo đang có đóng góp mạnh mẽ cho nền kinh tế quốc gia với 8,081 tỉ USD, chiếm 3,61% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2018 và mang lại công việc cho hơn 3 triệu lao động, chiếm 6,1% tổng lao động có việc làm trên cả nước vào năm 2019. Tuy nhiên, các ngành này hiện đang gặp nhiều thử thách do những vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ của nghệ sĩ và những người sáng tạo, gây ảnh hưởng tiêu cực kéo dài tới sự phát triển khỏe mạnh của các ngành CNVH và sáng tạo.

“Mật độ, cách thức

 Các diễn giả tại hội thảo

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam cho biết, hội thảo “Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam” nhằm công bố các kết quả nghiên cứu do các chuyên gia quốc gia và quốc tế của Dự án cùng tên (SIPE) thực hiện trong năm 2022 về tổng quan khuôn khổ pháp lý hiện hành và thực trạng việc bảo vệ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo tại Việt Nam hiện nay. Đây cũng là dịp để các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, tổ chức, không gian sáng tạo và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo ở Việt Nam cùng trao đổi, bàn luận về thực trạng bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong các ngành văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam, đề ra những gợi mở, giải pháp nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các lĩnh vực văn hóa sáng tạo, nâng cao nhận thức và củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ cho các cán bộ quản lý nhà nước, nghệ sĩ, người thực hành và kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo ở Việt Nam.

ThS Hoàng Lan Phương, TS Lê Tùng Sơn đến từ Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ra những con số khiến những người trong cuộc không khỏi băn khoăn: Kết quả khảo sát về thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam của nhóm nghiên cứu cho thấy, 14% chủ thể sáng tạo cho biết thường xuyên bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, 29% chủ thể sáng tạo đã từng bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, 57% chưa từng bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trong số các sản phẩm văn hóa, sáng tạo bị xâm phạm thì âm nhạc chiếm 76,9%, điện ảnh là 71,6%, xuất bản 50,7%. Các quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm gồm sao chép (64,9%), làm tác phẩm phái sinh (37,8%), quyền nhân thân (27%). Đáng chú ý, về nguyên nhân dẫn đến vi phạm, chiếm 82,1% là do thói quen; 66,4% do nhận thức về pháp luật hạn chế; 64,9% do môi trường số và 61,9% do chế tài xử phạt còn nhiều bất cập.

Nêu rõ thực trạng vi phạm bản quyền diễn ra khá phổ biến khiến các nghệ sĩ, người làm sáng tạo, các nhà sản xuất và kinh doanh hàng hóa, dịch vụ sáng tạo giảm cơ hội thu được lợi ích và lợi nhuận từ việc sản xuất và phân phối các sản phẩm; phá hỏng các mô hình kinh doanh và gây khó khăn cho sự phát triển của các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực đặc thù như ngành thiết kế, âm nhạc, mỹ thuật, thời trang, thủ công mỹ nghệ…, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng, bối cảnh này đang khiến nhiều doanh nghiệp thiếu tự tin trong phát triển các mô hình doanh nghiệp hoặc khởi nghiệp sáng tạo. Vi phạm bản quyền không nhìn nhận đúng được giá trị của sở hữu trí tuệ sáng tạo, là nguy cơ có thể dẫn tới sự thất bại của thị trường các ngành CNVH và sáng tạo, nếu không sớm đưa ra những giải pháp khắc phục kịp thời.

“Mật độ, cách thức

 Vi phạm bản quyền nội dung số ngày càng diễn biến phức tạp Ảnh minh họa

Giải pháp nào với những “website bất tử”?

Luật sư Phan Vũ Tuấn ví von: “Mật độ, cách thức xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam đã đến mức trở thành “khuôn mẫu” trên thế giới, bởi có quá nhiều chiêu trò, biến hóa khiến các chủ thể quyền và giới sáng tạo phải bó tay”.

Ông Tuấn nhắc lại trường hợp trang xem phim lậu “phimmoi” dù đã bị khởi tố vài năm nay, nhưng kết quả vẫn chưa đi đến đâu. Trong khi đó, “website bất tử” này vẫn liên tục “ve sầu thoát xác”, thay đổi vô số tên miền để qua mắt cơ quan chức năng. “Với lợi nhuận thu được quá lớn, những trang web lậu như vậy còn được gọi bằng tên “vua lì đòn”, chặn trang nọ lại mọc trang kia, chỉ thay đổi tên hoặc một vài ký tự. Muôn hình vạn trạng như thế, lại được người dùng ưa “của chùa” nhiệt tình chia sẻ, thực sự là quá khó khăn đối với giới sáng tạo và các nhà cung cấp dịch vụ chính thống, các cơ quan quản lý về bản quyền”, luật sư Phan Vũ Tuấn nêu. Luật sư này cũng lắc đầu khi trí tuệ trong nhiều trường hợp lại được người sử dụng các dịch vụ ứng dụng cho việc... xâm phạm bản quyền. Thói quen xem “chùa”, từ phim đến các giải bóng đá, chương trình giải trí đã khiến nhiều người có hành động xem lậu, phát lậu. Các kênh lậu cũng sẵn sàng lật ngược hình ảnh của một trận bóng đá để tránh bị quét hình ảnh bản quyền. “Cùng với đó, thị trường còn xuất hiện cả thiết bị có gương soi để có thể đặt điện thoại vào, khi đó hình ảnh được lật lại để trở thành đúng chiều trong gương. Cách này chắc các nhà sáng tạo cũng... khóc”, ông Tuấn nói. Bởi muôn hình vạn trạng như thế, nên theo luật sư này, giải pháp tận gốc chỉ có thể xuất phát từ chính tư duy, ý thức của người sử dụng về việc “nói không” với phim lậu, chương trình vi phạm bản quyền.

“Mật độ, cách thức

Vi phạm bản quyền có thể dẫn tới sự thất bại của thị trường các ngành công nghiệp văn hoá và sáng tạo. Trong ảnh: Bộ phim Cô Ba Sài Gòn bị quay lén rồi phát trực tuyến gây tổn thất cho nhà sản xuất Ảnh: LẠI TẤN

Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) Phạm Thị Kim Oanh cho biết, việc thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức tự bảo vệ quyền của các chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan được nâng cao; ý thức tự giác chấp hành quy định pháp luật của một bộ phận tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm hoặc các đối tượng của quyền liên quan đã có phần được cải thiện. Một số đơn vị doanh nghiệp đã chủ động có kế hoạch hợp tác khai thác sử dụng có bản quyền; sự phối hợp, cộng tác giữa các cơ quan thực thi đã chặt chẽ hơn trong các hoạt động đấu tranh chống các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan ...

“Tuy nhiên tình trạng vi phạm vẫn còn diễn ra ở nhiều lĩnh vực; với các hình thức, mức độ vi phạm khác nhau; đặc biệt là những vi phạm trên môi trường số. Thực tế này đã gây thiệt hại và ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sáng tạo, môi trường đầu tư, phát triển công nghiệp văn hóa...”, bà Oanh nhấn mạnh. Nguyên nhân kéo dài của những thách thức này là do hành lang pháp lý ở một số lĩnh vực cần được tiếp tục hoàn thiện; một số quy định pháp luật cần cụ thể hóa, quy định cho phù hợp với sự phát triển công nghệ, hội nhập quốc tế; nhận thức của công chúng còn hạn chế; tâm lý vụ lợi và môi trường kỹ thuật số. Đặc biệt, còn thiếu sự chủ động của chủ thể quyền trong bảo vệ quyền của mình; các tổ chức quản lý tập thể chưa đủ mạnh để tự bảo vệ quyền của các chủ thể quyền tác giả và quyền liên quan; các lực lượng thực thi còn thiếu nhân lực, vật lực, thiếu kinh nghiệm về bảo hộ quyền tác giả trong môi trường số.

Cục Bản quyền tác giả tiếp tục nhấn mạnh các giải pháp về hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ; thu hút và hỗ trợ đầu tư, phát triển thị trường; tăng cường chủ động từ các chủ thể quyền; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý xâm phạm; mở rộng giao lưu, hợp tác, hội nhập quốc tế. Theo Phó Cục trưởng Phạm Thị Kim Oanh: “Làm tốt công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan góp phần bảo đảm việc phát triển CNVH và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần thúc đẩy quá trình hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế, thu hút các nhà đầu tư, sáng tạo trong và ngoài nước...”. 

 Với lợi nhuận thu được quá lớn, những trang web lậu như vậy còn được gọi bằng tên “vua lì đòn”, chặn trang nọ lại mọc trang kia, chỉ thay đổi tên hoặc một vài ký tự. Muôn hình vạn trạng như thế, lại được người dùng ưa “của chùa” nhiệt tình chia sẻ, thực sự là quá khó khăn đối với giới sáng tạo và các nhà cung cấp dịch vụ chính thống, các cơ quan quản lý về bản quyền…

(Luật sư PHAN VŨ TUẤN, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế châu Á - Thái Bình Dương)

 Bối cảnh này đang khiến nhiều doanh nghiệp thiếu tự tin trong phát triển các mô hình doanh nghiệp hoặc khởi nghiệp sáng tạo. Vi phạm bản quyền không nhìn nhận đúng được giá trị của sở hữu trí tuệ sáng tạo, là nguy cơ có thể dẫn tới sự thất bại của thị trường các ngành CNVH và sáng tạo, nếu không sớm đưa ra những giải pháp khắc phục kịp thời.

(PGS.TS NGUYỄN THỊ THU PHƯƠNG, Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam)

 BẢO NGÂN

Ý kiến bạn đọc