Cảnh báo những tai nạn thương tích không ngờ ở trẻ em

VHO- Tối 14.10 vừa qua, cháu trai B.M.C (13 tuổi ở Hà Nội) được đưa vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cấp cứu trong tình trạng bàn tay bị máy cưa cắt đứt gần rời hoàn toàn khi mày mò tự làm thước kẻ gỗ.

Cảnh báo những tai nạn thương tích không ngờ ở trẻ em - Anh 1

Sức khoẻ của B.M.C đã ổn định, bàn tay có dấu hiệu hồi phục tốt

ThS.BS Ngô Hải Sơn, Khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, qua kiểm tra thăm khám thấy tổn thương đứt gần rời hoàn toàn 1/2 bàn tay, phần đầu ngón tay lên máu kém, vết thương cắt đứt toàn bộ hệ thống gân gấp, động mạch và thần kinh vùng bàn tay nên bệnh nhân đã được chỉ định mổ cấp cứu ngay trong đêm. Các bác sĩ chấn thương chỉnh hình, tạo hình vi phẫu đã phối hợp với bác sĩ Trung tâm gây mê hồi sức ngoại khoa tiến hành phẫu thuật kết hợp gân xương, nối lại mạch máu thần kinh bằng kỹ thuật vi phẫu để khôi phục lại bàn tay cho cháu bé sau 5 giờ phẫu thuật. Đến nay, sức khoẻ của cháu bé ổn định, bàn tay có dấu hiệu hồi phục tốt, được tập phục hồi chức năng và đã được ra viện.

Trước đó, các bác sĩ Đơn vị bỏng, khoa Chỉnh hình Nhi, Bệnh viện Nhi Trung ương đã ra cảnh báo về việc bỏng hóa chất ở trẻ em sau khi bé gái T.N 19 tháng tuổi (Hà Nội) bị hóa chất tẩy dầu mỡ xịt vào vùng cổ gây bỏng. Mẹ của bé T.N cho biết, chị mua chai xịt tẩy dầu mỡ về để vệ sinh máy hút mùi của gia đình, trong khi đang dọn dẹp thì anh trai của bé T.N đòi mẹ cho đi học thêm. Khi quay lại thì đã thấy bé T.N cầm chai tẩy dầu mỡ trên tay và bấm vào vòi xịt khiến một phần hóa chất dính vào vùng cổ trái của trẻ. Sau tai nạn, bé T.N khóc ré lên, mẹ quan sát thấy cổ của con đỏ nên đã cho con rửa dưới vòi nước chảy. Tuy nhiên, bé T.N cứ khóc mãi nên gia đình đã đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương để thăm khám, điều trị.

Bác sĩ CKII Phùng Công Sáng, Phó trưởng khoa Chỉnh hình, phụ trách Đơn vị Bỏng, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, mặc dù bệnh nhi đến bệnh viện ngay, nhưng do không tiến hành sơ cứu ban đầu tốt, nên hóa chất còn tồn đọng nhiều trên da làm tổn thương sâu thêm. Do đó, các gia đình cần lưu ý, khi phát hiện trẻ bị bỏng hóa chất cần nhanh chóng loại bỏ hóa chất dính trên cơ thể bằng rửa nước và chất trung hòa để tổn thương không tiếp tục diễn tiến nặng và tổn thương sâu hơn.

VIỆT THANH

Ý kiến bạn đọc