Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Phát triển thư viện công cộng ở Hà Nội: Muốn nhân rộng phải cùng vào cuộc

Thứ Hai 31/10/2022 | 10:46 GMT+7

VHO- Để phát triển văn hóa đọc, việc xây dựng hệ thống thư viện công cộng vươn xa đến các xã, phường, thị trấn, thậm chí đến tổ dân phố là điều hết sức cần thiết. Song hiện nay ở nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội, mạng lưới thư viện công cộng phát triển còn thiếu cả chất và lượng, khiến việc tiếp cận của người dân gặp nhiều khó khăn.

 Hoạt động của thư viện công cộng hiện nay cần được nhân rộng Ảnh: TVDL

 Hiệu quả từ mô hình hay, cách làm sáng tạo

Theo thống kê, hiện trên địa bàn Thủ đô có rất nhiều mô hình thư viện mạng lưới công cộng, đã và đang đóng góp vào công cuộc phát triển văn hoá đọc. Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao quận Tây Hồ Phùng Ngọc Anh chia sẻ, hằng năm, thư viện của quận đều bổ sung sách mới phục vụ bạn đọc và hiện đang có khoảng 25.000 cuốn sách với nhiều thể loại phong phú. Trong đó, có trên 5.000 cuốn sách dành cho thiếu nhi. Xác định việc phát triển văn hóa đọc, xây dựng thói quen đọc sách cần bắt đầu từ lứa tuổi nhỏ, những năm gần đây, Thư viện quận Tây Hồ đã chú trọng đến việc đầu tư cơ sở vật chất, vốn tài liệu và phương pháp tiếp cận để phục vụ độc giả nhí. Đơn vị đã tham mưu xây dựng Góc đọc thiếu nhi được trang trí đẹp mắt; phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức các chương trình, sự kiện, cuộc thi để thu hút đoàn viên, thanh niên tham gia; phối hợp với Phòng GD&ĐT tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc, thi xếp sách nghệ thuật, viết cảm nhận sau khi đọc sách, thi tuyên truyền giới thiệu sách… Cán bộ Thư viện quận còn giới thiệu sách đến bạn đọc bằng các video clip qua các kênh truyền thông như YouTube, Fanpage của Trung tâm; xây dựng danh mục giới thiệu sách bằng mã QR, giúp bạn đọc tra cứu, nghe sách nói hoặc đọc nội dung giới thiệu sách một cách thuận tiện…

Không chỉ ở quận Tây Hồ, mô hình thư viện công cộng cũng được nhân rộng trên nhiều địa bàn của thành phố. Ông Dương Văn Phi, Chủ nhiệm Thư viện làng Bình Vọng (xã Văn Bình, huyện Thường Tín) thông tin: “Thư viện làng Bình Vọng được thành lập và hoạt động từ năm 1999, do Chi hội Người cao tuổi quản lý và người dân trong thôn đóng góp. Thư viện có “mạng lưới viên” gồm những người cao tuổi và người yêu sách quản lý, sắp xếp và vận động đóng góp. Từ đó đã gây dựng được lượng sách phong phú với hơn 15.000 cuốn, hàng nghìn tạp chí, cấp gần 700 thẻ độc giả cho bà con trong thôn”. Cùng với đó, hệ thống thư viện tư nhân được xây dựng từ hình thức xã hội hoá cũng có nhiều mô hình độc đáo. Anh Phùng Bá Hưng, quản lý Thư viện Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội) hơn 9 năm qua đã giúp thư viện cùng tên trở thành điểm hẹn văn hoá, tri thức của nhiều thế hệ. Không chỉ mang đến không gian đọc lý tưởng, phục vụ nhu cầu học tập, giải trí của người dân gần xa, anh Hưng cùng đồng nghiệp còn biến Thư viện Dương Liễu thành nơi nuôi dưỡng và lan toả tình yêu thương thông qua các hoạt động thiện nguyện. Đặc biệt, Thư viện không thu một đồng phí đọc sách, tất cả đều vì lợi ích của cộng đồng.

Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trần Thị Vân Anh đánh giá, cách làm và kinh nghiệm xây dựng thư viện công cộng tại nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã mang tính chủ động, thiết thực. Những “điểm hẹn tình yêu” như vậy cần được nhân rộng để người dân được thụ hưởng những giá trị tốt đẹp mà các thư viện đem lại. Cùng với sự chủ động của các địa phương, Sở VHTT cùng Thư viện Hà Nội sẽ nỗ lực để hệ thống thư viện công cộng được phát triển mạnh mẽ hơn nữa. “Chúng tôi sẽ cố gắng đề xuất để xây dựng cơ chế, chính sách cho các thủ thư. Cố gắng có thêm các giải thưởng cống hiến cho cá nhân, tổ chức có sự tích cực trong hỗ trợ cho hoạt động thư viện cơ sở…”, bà Trần Thị Vân Anh nêu.

Nơi thì mặn mà, chỗ lại chẳng thiết…

Song song với những gì đã làm được, Giám đốc Thư viện Hà Nội Trần Tuấn Anh thẳng thắn nhìn nhận, trên địa bàn thành phố vẫn còn một số địa phương chưa thật sự nhận thức được thư viện công cộng phải đóng vai trò mạnh mẽ trong lan toả tình yêu sách đến với cộng đồng. “Hiện nay, Hà Nội có Thư viện thành phố, 29/30 thư viện cấp huyện (quận Nam Từ Liêm chưa thành lập thư viện), 54 thư viện cấp xã, hơn 1.000 thư viện phòng đọc cơ sở… Con số này đã góp phần không nhỏ trong xây dựng và phát triển văn hóa đọc Thủ đô. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại thực trạng một số thư viện cấp huyện, xã và phòng đọc cơ sở hoạt động yếu kém nên không phát huy được chức năng, nhiệm vụ và chưa thu hút được bạn đọc trên địa bàn. Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ thông tin thời đại 4.0 với nhiều thiết bị điện tử hiện đại cũng ảnh hưởng lớn đến hoạt động của thư viện trong công tác phục vụ tài liệu truyền thống”, Giám đốc Thư viện Hà Nội Trần Tuấn Anh nêu.

Trao đổi với Văn Hóa, TS Vũ Dương Thuý Ngà, nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) chỉ rõ: “Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, một số hoạt động của thư viện công cộng tại Hà Nội dù đã có nhiều đổi mới, không ngừng phát triển nhưng vẫn còn những tồn tại. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số chưa được quan tâm đúng mức. Hơn nữa, công tác tập huấn để nâng cao trình độ cho những người làm thư viện chưa được thực hiện thường xuyên. Công tác phục vụ tại chỗ ở các thư viện quận, huyện còn nhiều bất cập, chưa thu hút được người dân đến đọc sách”.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác dân vận, TS Vũ Dương Thuý Ngà nêu rõ, muốn hệ thống thư viện công cộng phát triển, trước hết cần sự quan tâm của chính quyền địa phương. Thực tế cho thấy có những tỉnh nghèo nhưng với sự quan tâm của UBND, sự tham mưu của Sở VHTT, Sở VHTTDL, văn hóa đọc được xem là chỉ số quan trọng để đánh giá đạt chuẩn văn hóa, chuẩn nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng xã hội học tập, xây dựng Chính phủ điện tử… Những người làm công tác thư viện cũng thể hiện sự tâm huyết, năng động, sáng tạo trong cung ứng dịch vụ. Thêm vào đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động để người dân nâng cao nhận thức về việc cần đọc sách và học tập suốt đời, cùng chăm lo hình thành thói quen đọc, phương pháp đọc cho trẻ em và chính mình.

“Muốn nhân rộng mô hình của Hà Nội, góp phần phát triển văn hoá đọc, chúng ta có rất nhiều việc cần phải làm. Điều quan trọng là sự quan tâm, vào cuộc của hệ thống chính trị, tăng cường đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa cho hệ thống thư viện công cộng và phát huy sự tâm huyết sáng tạo của những người làm công tác thư viện”, nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện khẳng định. 

ĐÌNH TOÁN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top