Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Đại biểu Quốc hội: Cần xây dựng môi trường văn hóa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Thứ Hai 31/10/2022 | 17:19 GMT+7

VHO-Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, hôm nay 31.10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Giáo dục lối sống văn hóa, văn minh chính là gốc của việc chống lãng phí

Nêu ý kiến tại buổi thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho biết, điều khiến bà băn khoăn là tại sao trong khu vực công hiện tượng lãng phí luôn xảy ra nhiều hơn và trầm trọng hơn khu vực tư, mặc dù theo đánh giá của Đoàn giám sát là các cấp, ngành cơ bản đều ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 5 năm, hàng năm và tổ chức triển khai trên cơ sở quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…

“Chúng ta đều triển khai rất nhiều các chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhưng kết quả đạt được dù có đáng ghi nhận nhưng vẫn chưa cao như kỳ vọng và việc lãng phí, thất thoát trong khu vực công vẫn xảy ra vẫn là vấn đề còn rất nhiều trăn trở”, đại biểu Nga nói và cho biết, theo bà còn một nguyên nhân căn bản khiến cho việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn có nhiều hạn chế. Đó là, do ý thức cá nhân chỉ chú trọng đến những lợi ích của bản thân, vì bản thân.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu ý kiến tại buổi thảo luận

“Căn nguyên sâu xa của việc lãng phí của công chính là lối sống thực dụng, ích kỷ sẽ dẫn đến việc con người chỉ quan tâm nhất đến quyền lợi vật chất của cá nhân mình, không vì cái chung, không vì tập thể và lối sống ấy sẽ dẫn đến tư duy không nỗ lực vì lợi ích chung. Tiết kiệm, chống lãng phí trong khu vực công đòi hỏi con người phải đặt lợi ích của cộng đồng, của tập thể, của quốc gia lên trên hết để nỗ lực trong mọi hành động từ nhỏ nhất như tiết kiệm thời gian cho đến lớn hơn là sử dụng một cách hiệu quả nhất, hợp lý nhất mọi tài sản công”, đại biểu Nga nêu quan điểm.

Cũng theo đại biểu từ đoàn Hải Dương, có một thực tế vẫn đang diễn ra là cùng một cá nhân nhưng cách ứng xử với tài sản công khác hẳn với tài sản tư, với tài sản của bản thân. Tiết kiệm, chống lãng phí không chỉ là việc chấp hành mọi quy định của pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí mà trước tiên phải thuộc về lối sống và ý thức, đó là lối sống văn minh, văn hóa, là ý thức luôn đặt lợi ích của cộng đồng, của tập thể, của quốc gia, của dân tộc lên trên.

Đại biểu Nga cũng cho rằng, bên cạnh những nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong báo cáo, Chính phủ và Quốc hội cần quan tâm hơn nữa tới việc phát triển văn hóa toàn diện, trong đó nhấn mạnh vào việc giáo dục lối sống văn minh.

“Trong phiên thảo luận về kinh tế - văn hoá, xã hội cũng đã có nhiều đại biểu Quốc hội có ý kiến về việc chúng ta cần tập trung hơn nữa cho việc phát triển văn hóa. Khi chú trọng giáo dục lối sống văn hóa, văn minh chính là gốc của việc chống lãng phí và đặc biệt là trong khu vực công phải làm sao cho tiết kiệm, chống lãng phí không chỉ là việc thực thi những quy định của pháp luật mà phải trở thành lối sống của mỗi cá nhân và đây mới là gốc rễ sâu xa nhất của vấn đề. Nếu không, dù hệ thống pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí có đồng bộ, chặt chẽ đến đâu mà tiết kiệm chưa trở thành lối sống, thành phẩm chất của mỗi cá nhân thì chừng đó việc chấp hành vẫn chỉ mang tính chất đối phó và vẫn còn rất nhiều vi phạm”, đại biểu Nga nói.

Cần xây dựng môi trường văn hóa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Đánh giá cao những kết quả tích cực trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tuy nhiên, theo đại biểu Lê Minh Nam (Hậu Giang), qua giám sát cũng cho thấy trong tất cả các lĩnh vực được giám sát đều có những vướng mắc, bất cập, lãng phí đòi hỏi phải sớm có các giải pháp chấn chỉnh, khắc phục.

Với mong muốn việc thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt hiệu quả tích cực hơn, đại biểu Lê Minh Nam kiến nghị cần nhận thức đúng đắn, sâu sắc về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nỗ lực phấn đấu sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới, nâng cao năng suất, tìm kiếm giải pháp để sử dụng tiết kiệm nguồn lực đầu vào hoặc gia tăng thêm kết quả đầu ra so với mục tiêu đã định ở mức độ nhận thức cao hơn và cần nỗ lực nghiên cứu, tham gia xây dựng, góp ý và hoàn thiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ sao cho tiến bộ, tích cực và đạt được hiệu quả tối ưu nhất có thể.

Đại biểu Lê Minh Nam cho rằng cần phải xây dựng môi trường văn hoá thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Ở đây cũng cần lưu ý đặt thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để xem xét một cách đồng bộ, toàn diện tổng thể trong cả ngắn hạn, dài hạn và trong từng hoàn cảnh cụ thể. Trong nhiều trường hợp không phải cứ tiêu nhiều tiền là không tiết kiệm hay là lãng phí mà quan trọng là kết quả đạt được như thế nào, cũng không phải cứ làm nhiều là hiệu quả, vì nếu chúng ta làm cả những việc không có ích, không tích cực hoặc là chồng chéo thì còn là nguyên nhân gây lãng phí.

Giải pháp nữa theo đại biểu Nam là phải tăng cường giáo dục ý thức, xác định rõ trách nhiệm đối với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt trách nhiệm của người đứng đầu. Chỉ khi nhận thức đún,g ý thức tốt, trách nhiệm cao thì mới tránh được tình trạng thực hiện, còn hình thức như đã đánh giá tại báo cáo. Đồng thời, phải tăng cường thuyết phục, động viên, khen thưởng và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt mục tiêu này, trong đó cần lấy thi đua, khen thưởng làm động lực để thúc đẩy thực hiện.

“Tiếp theo là cần xây dựng môi trường văn hóa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chủ động, tự giác hơn để dần dần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành nề nếp, ý thức sâu rộng và bền vững. Đối với nội dung này, tôi còn băn khoăn với thực trạng một số tiêu chuẩn, định mức, chế độ đã lạc hậu từ lâu, không còn phù hợp với thực tiễn nhưng chưa được sửa đổi và để hoàn thành nhiệm vụ, bắt buộc người thực hiện phải biến báo, để không sai quy định. Nếu cứ để tình trạng này diễn ra thường xuyên, liên tục ở diện rộng thì sẽ dễ tạo thành thói quen, nề nếp, và nguy hiểm hơn là tạo nên văn hóa, vận dụng cho cả những nội dung công việc khác, vì vậy cũng cần quan tâm, để sớm khắc phục tồn tại này”, đại biểu đoàn Hậu Giang đề nghị.

THU SÂM; ảnh: QUỐC HỘI

 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top