Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Tác phẩm đoạt Giải thưởng Sách quốc gia: Để lan tỏa sâu rộng trong đời sống

Thứ Tư 02/11/2022 | 08:54 GMT+7

VHO “Để Giải thưởng Sách quốc gia lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa, bên cạnh giải thưởng mang tính học thuật, nên chăng cần có giải do độc giả bình chọn. Độc giả là người “nuôi sống” chúng ta, vì vậy rất nên có tiếng nói tương xứng hơn trong việc lựa chọn những tác phẩm hữu hiệu, cung cấp cho họ hành trang, kỹ năng, kiến thức, tri thức để sống tốt hơn”...

 Công trình “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí” đoạt giải A (Tác giả Lê Quang Định; Dịch giả Phan Đăng; NXB Thế giới và Công ty cổ phần Sách Thái Hà liên kết ấn hành)

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm đã nhấn mạnh tại Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện đề án Giải thưởng Sách quốc gia diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội.

Khẳng định vị thế bằng chất lượng tác phẩm đạt giải

Trong 5 năm qua, Giải thưởng Sách quốc gia đã tôn vinh 139 xuất bản phẩm, trong đó có 14 giải A, 55 giải B, 70 giải C. Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT), Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho rằng, sau chừng ấy thời gian, Giải thưởng Sách quốc gia đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Điểm nổi bật đầu tiên là đối với người sáng tác, Giải thưởng đã thu hút nhiều tác giả, dịch giả, nhà nghiên cứu đa dạng độ tuổi, cả trong và ngoài nước. Qua đó, khích lệ tinh thần sáng tạo, tiếp thêm động lực cống hiến cho người làm công tác nghiên cứu, sáng tác, biên soạn, đồng thời có tác dụng sàng lọc, giới thiệu sách hay, sách tốt đến bạn đọc. Đối với người làm sách, Giải thưởng được trao như một sự ghi nhận những nỗ lực của các nhà xuất bản, nhà in, đơn vị phát hành trong việc lựa chọn được những xuất bản phẩm có chất lượng cao về tư tưởng, chính trị, văn hóa. Thêm vào đó, Giải thưởng cũng hỗ trợ chính các đơn vị xuất bản này nâng cao thương hiệu, hiệu quả kinh doanh.

Đối với bạn đọc và xã hội, Giải thưởng Sách quốc gia có ý nghĩa chọn lọc, quảng bá và lan truyền sách hay, sách tốt. Giải đã tôn vinh giá trị, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; góp phần nâng cao nhận thức, vai trò của độc giả đối với sách, góp phần quảng bá văn hóa đọc đến mọi tầng lớp nhân dân và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội đối với việc tuyên truyền và thúc đẩy văn hóa đọc.

Qua từng năm, những cuốn sách được trao giải đều có giá trị nổi bật về nội dung tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ; có tác động mạnh mẽ đến cộng đồng hoặc đóng góp sâu rộng về chuyên môn, được công chúng đón nhận và giới khoa học đánh giá cao ở các lĩnh vực. Đặc biệt, một số cuốn sách thiếu nhi sau khi được trao giải đã được các nhà xuất bản nước ngoài quan tâm mua bản quyền và dịch ra nhiều thứ tiếng phát hành rộng rãi trên thị trường quốc tế.

Giám đốc NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh Đinh Thị Thanh Thủy chia sẻ, qua 5 năm, giải thưởng đã mang lại uy tín cho những người làm nghề, mang lại cho tác giả, người viết niềm hạnh phúc khi được ghi nhận. Giải ngày càng có sức lan tỏa, tạo sự háo hức chờ công bố danh sách tác phẩm được vinh danh. Và sau khi đạt giải, nhiều cuốn sách đã tăng đột biến số lượng phát hành. Giải cũng có xu hướng mở, ghi nhận những tác phẩm có giá trị thực sự, đánh giá đúng tác phẩm qua thời gian.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, xuất bản tuy không ồn ào như nhiều lĩnh vực khác nhưng nó luôn luôn có dòng chảy ngầm và mang trong mình đầy đủ những giá trị. 5 năm qua, cùng với sự đồng hành của nhiều đơn vị, Giải thưởng Sách quốc gia nói riêng và ngành xuất bản nói chung đã như một luồng gió mới thổi vào thị trường sách trong nước. Đặc biệt, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm đề xuất tới việc cần thiết phải có những giải thưởng do người đọc bình chọn.

Tìm giải pháp lan tỏa sách đoạt Giải thưởng

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được của Giải thưởng Sách quốc gia, thực tế cho thấy, dù số lượng nhà xuất bản dự giải duy trì ổn định, số sách dự giải tăng dần qua các năm nhưng nhìn chung số lượng cũng chưa nhiều, chỉ trên dưới 300 tên sách (chưa đến 1% số lượng sách xuất bản hằng năm). Số lượng sách dịch và sách tái bản đoạt giải có xu hướng tăng. Mặt khác, nhiều cuốn sách, bộ sách được vinh danh, nhưng đối tượng độc giả hẹp (sách chuyên ngành, chuyên khảo) nên không thể tái bản hoặc in lại để phổ biến, cung cấp cho các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng trong thực tế nhằm phát huy giá trị to lớn của sách, một phần do không có đủ kinh phí tổ chức in ấn và phát hành...

Theo PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Trưởng Tiểu ban Sách Khoa học Xã hội và Nhân văn, Giải thưởng đã có bước tiến xa, hoàn chỉnh hơn về thể lệ, quy chế ngày càng chặt chẽ. Trước đây, khi trao giải thường chỉ nói đến tác giả, thì nay để công bằng hơn, Giải thưởng tôn vinh các nhà xuất bản, người làm sách có công phát hiện bản thảo, tổ chức biên dịch, biên soạn - là những “bà đỡ” để các cuốn sách chất lượng ra đời. “Cần phải tìm cách tái bản các bộ sách quý. Thực tế có nhiều cuốn sách, bộ sách rất giá trị nhưng người nghiên cứu, bạn đọc lại không thể tiếp cận, những giá trị tốt của sách không đến được với công chúng, không phát huy được giá trị bởi đó là sách làm để biếu, tặng, không bán”, PGS.TS Trần Đức Cường chỉ rõ.

Trăn trở về việc làm thế nào để lan tỏa những cuốn sách, bộ sách được giải thưởng, bà Lệ Chi, Giám đốc ChiBooks cho rằng, cần tạo điều kiện thuận lợi để phát hành rộng hơn không chỉ trong nước mà còn có thể đưa qua biên giới, giới thiệu đến với bạn đọc quốc tế. Bà Lệ Chi đề xuất, sau khi những cuốn sách đoạt giải thưởng, nên có những chuỗi tọa đàm liên quan tới tác phẩm đó để không chỉ tôn vinh những người làm sách, tác giả mà độc giả cũng thấy rằng cuốn sách đó thực sự có giá trị.

Đồng quan điểm với Giám đốc ChiBooks, TS Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc NXB Văn học bày tỏ, sau mỗi mùa, đã có không ít ý kiến cho rằng việc lan tỏa sách đoạt giải thưởng đến bạn đọc còn hạn chế. “Thực tế, mảng sách được trao giải phần lớn là sách liên kết, nên việc phát hành phụ thuộc vào đối tác liên kết chứ không phải các NXB. Mặt khác, phải chăng sách đoạt giải chưa thực sự lan tỏa mạnh mẽ, chưa tác động được đến độc giả bởi phần lớn đều là những công trình hàn lâm, chuyên sâu, chưa có nhiều sách đáp ứng nhu cầu thị hiếu của đông đảo bạn đọc?”, TS Nguyễn Anh Vũ nói.

Giám đốc NXB Văn học đề nghị Hội đồng cũng như Ban chấm giải quan tâm, cân nhắc lựa chọn những tác phẩm phù hợp hơn với xu hướng đương thời. Đồng thời, nên có thêm giải thưởng cho những cuốn sách dịch ra tiếng nước ngoài để khích lệ sự lan tỏa sách của Việt Nam ra thế giới. Dù mảng sách này ở ta hiện nay rất hiếm hoi, tuy nhiên cũng nên phải có, vì điều này nằm trong chủ trương quảng bá văn hóa, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. 

THANH NGỌC

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top