Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Để “xa mặt” mà không “cách lòng”

Thứ Sáu 04/11/2022 | 10:11 GMT+7

VHO- Nhiều cặp vợ chồng trẻ sau khi kết hôn, vì nhiều hoàn cảnh khác nhau mà không được ở gần, nhưng dù xa cách về địa lý, tình yêu và sự hy sinh cao cả đã giúp họ vượt qua khó khăn, tiếp cho nhau thêm động lực để vun đắp và xây dựng gia đình hạnh phúc.

 Gia đình anh Hoàng Ngọc Hóa và Nông Thị Ve tại lễ Tuyên dương

 Sau gần 3 tháng phát động (từ ngày 26.6 - 31.8), BTC chương trình Tuyên dương gia đình trẻ Việt Nam tiêu biểu đã nhận được 143 hồ sơ từ Hội LHTN Việt Nam và Công ty PNJ gửi về, từ đó lựa chọn được 21 gia đình trẻ tiêu biểu nhất tại 17 tỉnh, thành phố để vinh danh. Các gia đình được tuyên dương thuộc nhiều thành phần như cán bộ, công nhân viên chức, chủ doanh nghiệp, giáo viên, công an, quân đội, sản xuất kinh doanh, công nhân, nông dân... Họ đều có nhiều nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn để xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc; tích cực tham gia công tác xã hội cũng như các hoạt động cộng đồng.

Thật xúc động khi chứng kiến hành trình xây dựng hạnh phúc của anh Hoàng Ngọc Hóa (sinh năm 1983, dân tộc Tày, công tác tại Bệnh viện Quân y 91, Cục Hậu cần, TP Thái Nguyên) và chị Nông Thị Ve (sinh năm 1988, dân tộc Tày, công tác tại Trường tiểu học Cao Tân, Bắc Kạn). Hai anh chị làm việc ở hai lĩnh vực khác nhau, hai địa phương khác nhau, sau 6 năm tình yêu xa cách, hai anh chị đã đi đến hôn nhân. Tưởng chừng họ sẽ được gần nhau, nhưng chỉ ít ngày sau đám cưới, anh lại nhận lệnh lên đường công tác tại quần đảo Trường Sa. Thời gian mang bầu và sinh con, chị Ve thiếu vắng sự chăm sóc, tình yêu thương của chồng, nhưng bù lại sự động viên, quan tâm của gia đình đôi bên nội ngoại đã giúp chị bớt cô đơn, phấn đấu hoàn thành vai trò người vợ, người mẹ mẫu mực, người con hiếu thảo trong gia đình.

Ngày anh Hóa trở về, cô con gái “rượu” đã tròn 6 tháng tuổi. Dù vậy, do đặc thù công việc nên anh vẫn thường xuyên xa nhà. Anh chắt chiu những ngày nghỉ phép hay cuối tuần không có lịch trực để bù đắp tình cảm cho hai mẹ con. Anh không nề hà giúp vợ việc nhà, ruộng vườn, dạy con gái học, hướng dẫn con nếp sống chỉn chu của anh Bộ đội Cụ Hồ… “Do điều kiện công tác, khoảng cách địa lý, gia đình chúng tôi phải xa cách nhau, nhưng tình yêu thương lúc nào cũng đong đầy, lúc nào cũng hướng về nhau, động viên nhau vượt qua mọi khó khăn để công tác và học tập tốt. Các thành viên cùng ý thức gìn giữ nếp sống văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình, cư xử văn minh, nhân ái và yêu thương, chăm sóc, tôn trọng, chia sẻ với nhau tất cả mọi điều trong cuộc sống”, chị Nông Thị Ve tâm sự về bí quyết giữ lửa dưới mái ấm của mình.

Một gia đình tiêu biểu khác là vợ chồng anh Phan Lê Nam và chị Lê Thu Hiền ở Hà Nội. Anh là bộ đội công tác tại bệnh viện, chị lại là công an nên cả hai đều rất bận, thường xuyên có ca trực, ít được gặp nhau, vất vả, khó khăn đều phải cất trong lòng để cùng cố gắng. Còn gia đình anh Nguyễn Xuân Đang và chị Lê Thị Hành ở Đà Nẵng thì anh công tác tại quần đảo Trường Sa, gánh nặng việc nhà, nuôi dạy con cái đều dồn lên đôi vai chị. Anh chị không may có con trai 4 tuổi mắc tim bẩm sinh. Vì thế, chị vừa phải hoàn thành công việc xã hội, vừa phải gánh trách nhiệm lớn trong gia đình, là dâu là con, vừa là mẹ vừa là cha để nuôi dưỡng và giáo dục các con. Dù xa nhau về địa lý, nhưng họ vẫn luôn gửi tình cảm yêu thương cho nhau, động viên nhau cùng vượt qua khó khăn trong cuộc sống, cùng nhau giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Không chỉ có khoảng cách về địa lý, khoảng cách về văn hóa, tập tục dân tộc cũng là một khó khăn mà nhiều cặp đôi phải đối mặt. Đó là gia đình anh Siu Rơma Sarry và chị Cà Bình Hoàng ở Gia Lai (chồng dân tộc Gia Rai, vợ dân tộc Thái). Họ đã phải vượt qua sự khác biệt về phong tục tập quán của hai dân tộc, đôi khi đó là rào cản khiến họ phải suy nghĩ, trăn trở. Nhưng khi vượt qua được thì cuộc sống gia đình anh chị trở nên nhiều màu sắc với những giá trị văn hóa tốt đẹp của cả hai dân tộc.

Bên cạnh đó, còn có những gia đình vượt khó tích cực tham gia phát triển kinh tế như anh Nguyễn Mạnh Ninh và chị Nông Thị Huệ ở Bắc Giang; anh Đỗ Văn Phúc và chị Lê Thị Thu Trang ở Bình Phước; anh Lý Đức Dân và chị Mùng Thị Thu Thủy ở Hà Giang... Những mô hình kinh tế hiệu quả của các anh chị không chỉ giải quyết được khó khăn cho bản thân mà còn đem lại công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho bà con địa phương, đóng góp nguồn lợi cho xã hội.

Phát biểu tại lễ Tuyên dương, anh Nguyễn Hải Minh, Trưởng ban Đoàn kết Tập hợp Thanh niên (Trung ương Đoàn TNCS HCM) bày tỏ, trải qua 2 lần tổ chức, 42 gia đình trẻ tiêu biểu đã được tuyên dương để ghi nhận sự phấn đấu của những cặp đôi trong hành trình xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ. Họ thực sự là hình ảnh đẹp của gia đình Việt Nam trong thời đại mới, là đại diện cho hàng triệu gia đình cán bộ, chiến sĩ, công chức, công nhân, doanh nhân, nông dân… trên khắp mọi miền đất nước. “Tôi mong các bạn sẽ giữ ngọn lửa hạnh phúc không bao giờ tắt trong tổ ấm của mình, tiếp tục phấn đấu nỗ lực không ngừng, chia sẻ với nhau trong cuộc sống, cùng chăm sóc cha mẹ, dạy dỗ con cái hiếu thuận, nên người, xây dựng một gia đình hạnh phúc, tiến bộ, bình đẳng, để câu chuyện của các bạn sẽ lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa trong hàng triệu gia đình trẻ, góp phần tạo nên một xã hội phồn vinh, hạnh phúc”, anh Nguyễn Hải Minh nhấn mạnh.

Cuộc sống không phải lúc nào cũng chỉ có niềm vui, có những lúc cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt, những mâu thuẫn đời thường là điều khó tránh khỏi, nhưng các cặp vợ chồng trẻ tiêu biểu đều có một điểm chung đó là sự vươn lên, phấn đấu, nỗ lực không ngừng, chắt chiu góp từng viên gạch để xây nên một nền tảng vững chắc cho hạnh phúc gia đình, đó chính là tình yêu thương, tôn trọng, là sự sẻ chia và đồng hành. 

 Ngày hội “Gia đình trẻ hạnh phúc” năm 2022

Trong khuôn khổ chương trình tuyên dương “Gia đình trẻ Việt Nam tiêu biểu” năm 2022, 21 gia đình trẻ tiêu biểu đã tham dự Ngày hội Gia đình trẻ hạnh phúc nhằm kết nối yêu thương, chia sẻ tình cảm và cách thức để vượt qua khó khăn...

Tại Ngày hội, các cặp đôi đã được giao lưu, gắn kết qua những hoạt động vui chơi, giải trí, team building bao gồm 4 phần: Cùng nhau tiến bước; Truy tìm kho báu; Hướng đến mục tiêu; Tăng tốc đường đua và nhận về những phần quà từ Ban tổ chức. Các hoạt động của Ngày hội Gia đình trẻ hạnh phúc năm 2022 sôi nổi, thiết thực, giúp các gia đình trên khắp mọi miền Tổ quốc kết nối với nhau. Họ với đủ mọi ngành nghề, mọi dân tộc nhưng từ đây sẽ trở thành những người bạn thân thiết trong cuộc sống, giúp nhau cùng tiến bộ.

Trong khuôn khổ hoạt động tại Ngày hội, các gia đình đã nhiệt tình, tích cực tham gia với tinh thần cao nhất, sôi nổi nhất để làm nên những khoảnh khắc đáng nhớ. Chắc chắn đây sẽ là những kỷ niệm đẹp không bao giờ quên trong lòng mỗi thành viên của các gia đình trẻ tham dự chương trình “Gia đình trẻ Việt Nam tiêu biểu” năm 2022.

 THẢO LAM; nh: CÔNG THÀNH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top