Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Ứng xử “lệch chuẩn”: Biểu hiện thiếu trách nhiệm xã hội của nghệ sĩ

Thứ Sáu 04/11/2022 | 10:18 GMT+7

VHO- Thời gian qua, một số tiết mục, chương trình nghệ thuật của cá nhân nghệ sĩ hoặc nhóm nghệ sĩ hài bị dư luận phản ứng gay gắt. Mới đây nhất, mạng xã hội lan truyền clip NSƯT Xuân Hinh giả gái, mặc váy ngắn cũn cỡn, ưỡn ẹo nhảy múa trong chương trình Đại lễ cắt băng khánh thành ngôi Tổ đường tại Hải Dương, lại một lần nữa khiến dư luận dậy sóng. Nhiều người tỏ ra bất bình và cho rằng đó là hành vi phản cảm, không thể chấp nhận.

 Hình ảnh phản cảm của NSƯT Xuân Hinh khiến dư luận dậy sóng Ảnh chụp từ clip

Vấn đề ứng xử văn hóa của người nghệ sĩ lại được xới lên, liệu đây là do thiếu ý thức hay cố tình câu like, câu view bất chấp phản ứng từ dư luận của một số người đang hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ?

“Lệch chuẩn” ngay từ ý thức?

Văn Hóa số ra ngày 12.9.2022 có bài “Tuýt còi những show diễn hài vô bổ”, nêu việc cư dân ở một quận Hà Nội phản ứng gay gắt chương trình biểu diễn phục vụ thiếu nhi của nhóm nghệ sĩ hài Tiến Quang (tức Quang Tèo) có nội dung không phù hợp, thậm chí lố bịch, phản cảm. Văn Hóa điện tử ngày 2.11.2022 có bài: Về việc Xuân Hinh biểu diễn bị cho là phản cảm ở chùa: Thêm bài học về quy tắc ứng xử của nghệ sĩ… Sau khi bị chỉ trích, những nghệ sĩ này đều có lời thanh minh, giải thích. Nghệ sĩ Tiến Quang trao đổi với Văn Hóa thì cho rằng, diễn ở sân chung cư nên điều kiện kỹ thuật âm thanh kém, khán giả lộn xộn nên mọi người không hiểu hết ý nghĩa tích cực của tiểu phẩm mà chỉ nghe được những câu “chọc cù” do diễn viên “phiêu”... Còn NSƯT Xuân Hinh khi trả lời báo chí lại cho rằng đoạn clip lan truyền trên mạng chỉ là một phần trong tiểu phẩm mà ông thể hiện theo yêu cầu của khán giả ở khu vực ngoài sân chùa...

Đánh giá về câu chuyện đang “lùm xùm”, Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội, NSND Nguyễn Hoàng Tuấn nhận định: “Tôi thấy phản hồi của các vị này mang tính bao biện. Nghệ sĩ là những người tài năng, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, có sức ảnh hưởng lớn đối với công chúng và có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống cộng đồng. Vậy tại sao cứ phải để người dân lên án gay gắt vì những hành vi thiếu văn hóa trên sân khấu, nơi được coi là “thánh đường” của mình? Tưởng chừng câu chuyện trên đây chỉ xảy đến với một số người tự xưng là “nghệ sĩ” hoặc chân ướt chân ráo mới vào nghề, nhưng tiếc thay họ đều là những gương mặt tên tuổi... Có lẽ, chỉ có thể lý giải vì lợi nhuận mà họ đã cố tình lờ đi mục đích và đối tượng mình đang phục vụ”.

Nhìn nhận về trường hợp cụ thể của NSƯT Xuân Hinh, PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái bày tỏ: “Nghệ sĩ Xuân Hinh đang có sự nhầm lẫn giữa hai không gian, một là không gian thờ tự để người dân đến thực hành nghi lễ, một là không gian sân khấu của người nghệ sĩ. Nơi thờ tự không phải là không gian biểu diễn tự do. Dẫu là biểu diễn trong khuôn viên hay bên ngoài chùa thì cũng phải xét đến mục đích mà mình được mời biểu diễn là gì”. PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái khẳng định, đây là bài học kinh nghiệm đối với các nghệ sĩ trong việc tổ chức biểu diễn ở những không gian nhất định, đặc biệt là nơi liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo. Hơn thế, bà Thái cho rằng, đây là sự thiếu hụt nhận thức ứng xử văn hóa của một bộ phận nghệ sĩ. Theo bà, người nghệ sĩ phải lĩnh hội và nhận thức một cách sâu sắc về nhiệm vụ của mình là mang tới những sản phẩm văn hóa đích thực, chất lượng. Lẽ ra, ngay khi được mời biểu diễn chào mừng khánh thành ngôi Tổ đường của chùa, Xuân Hinh phải xác định biểu diễn tiết mục gì để phù hợp với bối cảnh chứ không phải diễn hài và ăn mặc như vậy. Việc này xảy ra đối với một nghệ sĩ được nhiều công chúng mến mộ như Xuân Hinh thực sự là điều đáng tiếc.

 Bài viết “Tuýt còi những show diễn hài vô bổ” trên Báo Văn Hóa

Cần lan tỏa Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật

Rõ ràng, hành vi phản cảm của một số nhóm hài và cá nhân nghệ sĩ đã phần nào làm xấu đi hình ảnh của những người làm nghệ thuật trong mắt công chúng. Bất kỳ ai khi xem tiểu phẩm nói trên của Quang Tèo hay nhìn cảnh nghệ sĩ Xuân Hinh giả gái mặc váy ngắn cũn cỡn cũng cảm thấy lố bịch, khó chịu, vậy tại sao chính họ lại không ý thức được tác động tiêu cực của nó tới công chúng?

Làm nghệ thuật cũng là một nghề theo sự phân công của xã hội, nhưng đây là một nghề đặc biệt, có tính đặc thù, chuyên môn cao, liên quan trực tiếp đến lao động sáng tạo. Lao động nghệ thuật là hành trình vô cùng nghiệt ngã, đòi hỏi sự khổ luyện của người nghệ sĩ để tạo ra những giá trị tốt đẹp cho xã hội. Đã là nghệ sĩ, ai cũng cần vượt qua những “lằn ranh”, giới hạn mong manh của sự cám dỗ để suy nghĩ về những vấn đề lớn lao hơn ngoài cuộc sống cá nhân, về những phận người để có những tác phẩm, vở diễn xứng tầm với niềm tin tưởng, kỳ vọng của nhân dân, thay vì đưa ra những sản phẩm dễ dãi mang danh nghệ thuật nhưng lại gây bất bình đối với công chúng và ảnh hưởng tới những người làm nghệ thuật chân chính.

NSND Nguyễn Hoàng Tuấn cho rằng: “Bộ VHTTDL đã ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Trong đó nhấn mạnh đến hành vi ứng xử là những phát ngôn, tác phong, lối sống, sử dụng trang phục của người nghệ sĩ. Bộ VHTTDL cũng đã có văn bản số 1854/BVHTTDL-NTBD gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương và Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam về việc tăng cường công tác quản lý trong hoạt động văn hóa nghệ thuật. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này cần có sự kiểm duyệt chặt chẽ các chương trình biểu diễn, đặc biệt của các nhóm nghệ sĩ tự do và cả những nghệ sĩ đã nghỉ hưu như hai trường hợp nhắc tới ở trên”. Ông Tuấn cho biết thêm, với các chương trình biểu diễn của cá nhân nghệ sĩ, Sở VHTT Hà Nội có một Hội đồng thẩm định nghệ thuật để xem và góp ý, nghệ sĩ sẽ phải làm bản cam kết diễn đúng như chương trình đã được duyệt. Thế nhưng, vẫn có những nghệ sĩ hoạt động tự do, không xin phép mà diễn “chui” ở các khu dân cư, xóm làng ngoại thành thì cũng rất khó quản lý. Sau những chuyện lùm xùm vừa qua, vị Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội cho biết sẽ tổ chức một Tọa đàm về văn hóa ứng xử của nghệ sĩ vào tháng 12 này.

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái đề nghị các cấp, các ngành và các địa phương lan tỏa Quy tắc ứng xử mạnh mẽ hơn nữa. Có thể phối hợp tổ chức những buổi tập huấn cho tất cả những người hoạt động nghệ thuật, qua đó giúp nghệ sĩ có ý thức rõ ràng hơn về những nguyên tắc nghề nghiệp để ứng xử chuẩn mực trên sân khấu và cả ngoài xã hội. 

 

Để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thúc đẩy nền nghệ thuật nước nhà phát triển, tài năng và phẩm chất của người nghệ sĩ có vai trò đặc biệt quan trọng. Nghệ thuật phải hướng đến số đông quần chúng, vì lợi ích chung của cộng đồng; không thể mượn danh nghệ thuật, uy tín của nghệ sĩ để vụ lợi. Đã là nghệ sĩ, là người của công chúng và có sức ảnh hưởng thì dẫu khi hoạt động nghề nghiệp hay ở bất kỳ đâu, kể cả trên trang cá nhân cũng phải giữ gìn hình ảnh của mình, và trên hết trách nhiệm của một công dân. Hơn nữa, điều tối quan trọng với nghệ sĩ là họ phải tự làm “barie” cho chính mình. Muốn giữ được hình ảnh và sự trân trọng yêu mến của khán giả, thì ý thức và bản lĩnh của nghệ sĩ là yếu tố quan trọng nhất để làm nên điều đó.

 

 Đây là bài học kinh nghiệm đối với các nghệ sĩ trong việc tổ chức biểu diễn ở những không gian nhất định, đặc biệt là nơi liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo. Có thể khẳng định, đó là sự thiếu hụt nhận thức ứng xử văn hóa của một bộ phận nghệ sĩ, bởi họ phải lĩnh hội và nhận thức một cách sâu sắc về nhiệm vụ của mình là mang tới cho công chúng những sản phẩm văn hóa đích thực, chất lượng. Lẽ ra, ngay khi được mời biểu diễn chào mừng khánh thành ngôi Tổ đường của chùa, Xuân Hinh phải xác định biểu diễn tiết mục gì để phù hợp với bối cảnh chứ không phải diễn hài và ăn mặc như vậy. Việc này xảy ra đối với một nghệ sĩ được nhiều công chúng mến mộ như Xuân Hinh thực sự là điều đáng tiếc.

(PGS.TS NGUYỄN THỊ MINH THÁI)

THÚY HIỀN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top