Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Để cổ vật trở về đất mẹ

Thứ Hai 07/11/2022 | 10:31 GMT+7

VHO- Rất nhiều cổ vật quý giá của Việt Nam đã bị cướp bóc, hủy hoại do chiến tranh và các biến động lịch sử; hàng vạn cổ vật hiện đang lưu lạc ở nước ngoài, trong đó có không ít hiện vật hoàn toàn xứng đáng là Bảo vật quốc gia như chiếc ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” tại Pháp hiện đang thu hút sự chú ý của công luận và cộng đồng.

 Ấn “Sắc mệnh chi bảo”

 Tháng 4.2015, chiếc xe kéo tay hơn trăm tuổi của Hoàng thái hậu Từ Minh đã được đưa về trưng bày tại cung Diên Thọ, bên trong Hoàng cung Huế. Đây là cổ vật đầu tiên của Việt Nam được một tổ chức nhà nước tham gia đấu giá công khai ở nước ngoài và đã thành công. Bảy năm sau, vào tháng 4.2022, hai cổ vật khác của triều Nguyễn là chiếc mũ quan đại thần và chiếc áo nhật bình đã được đưa vào trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế sau khi tập đoàn Sunshine đấu giá thành công ở Tây Ban Nha và đem về hiến tặng lại cho Huế.

Đó là hai ví dụ tiêu biểu nhất về sự thành công của Việt Nam khi tham gia đấu giá cổ vật trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, những thành công như vậy là vô cùng ít ỏi, bởi hàng ngàn hàng vạn cổ vật Việt Nam đã và đang bị rao bán hằng ngày trên nhiều sàn đấu giá cổ vật khắp thế giới mà kết quả là phần lớn trong số đó đều không quay trở lại Tổ quốc.

 Tác giả thẩm định mũ quan đại thần

Là một quốc gia có lịch sử lâu đời, có nền văn hóa đa dạng phong phú, thế nhưng theo thống kê của Bộ VHTTDL, toàn bộ hệ thống bảo tàng của Việt Nam hiện nay chỉ có khoảng hơn 4 triệu hiện vật, và mới chỉ có 238 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia. Đó quả thực là những con số hết sức khiêm tốn so với những gì chúng ta đã từng có. Rất nhiều cổ vật quý giá của Việt Nam đã bị cướp bóc, hủy hoại do chiến tranh và các biến động lịch sử; hàng vạn cổ vật hiện đang lưu lạc ở nước ngoài, trong đó có không ít hiện vật hoàn toàn xứng đáng là Bảo vật quốc gia như chiếc ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” tại Pháp hiện đang thu hút sự chú ý của công luận và cộng đồng.

Vậy phải làm sao để các cổ vật quý giá của người Việt Nam quay về với đất mẹ? Trước hết, chúng ta cần có những cơ chế, chính sách phù hợp để các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống nhà nước, các tổ chức, cá nhân ngoài công lập đều có thể dễ dàng tham gia vào thị trường đấu giá cổ vật quốc tế khi cần thiết. Và muốn vậy, chúng ta phải xây dựng được hệ thống hành lang pháp lý hoàn thiện để không chỉ đảm bảo an toàn mà còn khuyến khích được nhiều đối tượng tham gia vào quá trình này. Kinh nghiệm cho thấy, nếu không có hệ thống luật pháp phù hợp với luật pháp quốc tế trong lĩnh vực này thì rất khó để bảo vệ những người tâm huyết, dám nghĩ dám làm khi họ tham gia vào thị trường mua bán, đấu giá cổ vật. Vì vậy, Luật Di sản văn hóa và một số điều luật liên quan trong lĩnh vực thuế, hải quan, thừa kế tài sản… phải có sự bổ sung, sửa đổi cho phù hợp.

Vấn đề thứ hai là cần khuyến khích và tận dụng tối đa các nguồn lực xã hội hóa vào công cuộc tìm kiếm, trao đổi, mua bán, đấu giá cổ vật. Bởi chúng ta đều biết, nguồn ngân sách của nhà nước bố trí cho các bảo tàng công lập để sưu tầm hiện vật còn rất hạn chế, các thủ tục hành chính còn rườm rà, chưa phù hợp. Vì vậy, khi sử dụng để mua cổ vật, nhất là cổ vật từ nước ngoài thì thường không thể đáp ứng được. Kinh nghiệm đấu giá thành công chiếc xe kéo và chiếc mũ quan đại thần cùng áo nhật bình cho thấy, nếu chúng ta biết huy động tốt các nguồn lực xã hội hóa thì mọi việc sẽ dễ dàng hơn nhiều. Nếu chiếc xe kéo chỉ sử dụng 30% từ nguồn xã hội hóa (từ sự đóng góp của bà con Việt kiều tại Pháp, Thụy Sỹ và một số cá nhân trong nước với trị giá khoảng 500 triệu đồng) thì hai cổ vật sau sử dụng 100% từ nguồn huy động của tập đoàn Sunshine với số kinh phí hàng chục tỉ đồng.

 Chiếc xe kéo tay của Hoàng thái hậu Từ Minh đang được trưng bày tại cung Diên Thọ

Bên cạnh đó, cần kêu gọi khuyến khích tất cả bà con kiều bào ở nước ngoài cùng tất cả những ai yêu quý di sản cổ vật Việt Nam tham gia vào công cuộc hồi hương cổ vật, bao gồm tìm kiếm, phát hiện, sưu tầm, hiến tặng và ủng hộ Tổ quốc trong việc mua bán, đấu giá cổ vật ở nước ngoài. Thứ ba, nhà nước cần chủ động thành lập một hoặc một số quỹ bảo vệ di sản văn hóa đặc thù để huy động tối đa các nguồn lực xã hội và có cơ chế linh hoạt để không chỉ hỗ trợ cho công tác trùng tu, bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa quan trọng đang lâm nguy, các di sản phi vật thể, di sản tư liệu có nguy cơ bị mai một, phá hủy mà còn dùng để hỗ trợ cho việc mua bán, đấu giá các cổ vật trong điều kiện cấp thiết. Chẳng hạn ngày 20.10.2022 vừa qua, Chính phủ đã thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế (tại Nghị định số 84/2022/NĐ-CP), giao cho UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trực tiếp quản lý để thực hiện các nhiệm vụ khá đa dạng về trùng tu, bảo tồn, phát triển, phát huy các giá trị di sản của cố đô. Nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng, Quỹ bảo tồn di sản Huế phải hỗ trợ tích cực cho công tác sưu tầm, mua bán, đấu giá các cổ vật quý ở trong và ngoài nước. Đây sẽ là một giải pháp thích hợp và góp phần mở ra một hướng đi mới đầy khả quan cho công cuộc hồi hương cổ vật Việt Nam.

Và cuối cùng là nhà nước cần đầu tư cho công tác nghiên cứu, sưu tầm, thống kê để nắm được một cách đầy đủ, chính xác các cổ vật quý của Việt Nam đang lưu lạc ở nước ngoài, đồng thời xây dựng một kế hoạch chiến lược để từng bước hồi hương các cổ vật quý giá đó. Con đường hồi hương các cổ vật Việt Nam về đất mẹ không hề dễ dàng nhưng hiện đang có triển vọng rất lớn bởi sự quan tâm mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng nhân dân trong và ngoài nước. Vì vậy, chúng ta có quyền hy vọng, không chỉ chiếc ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” mà sẽ còn nhiều, rất nhiều cổ vật quý giá của chúng ta sẽ trở về với Tổ quốc! 

 Nhà nước cần chủ động thành lập một hoặc một số quỹ bảo vệ di sản văn hóa đặc thù để huy động tối đa các nguồn lực xã hội và có cơ chế linh hoạt để không chỉ hỗ trợ cho công tác trùng tu, bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa quan trọng đang lâm nguy, các di sản phi vật thể, di sản tư liệu có nguy cơ bị mai một, phá hủy mà còn dùng để hỗ trợ cho việc mua bán, đấu giá các cổ vật trong điều kiện cấp thiết.

 TS PHAN THANH HẢI - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top