Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Giải mã bí ẩn Thành cổ Châu Sa

Thứ Tư 09/11/2022 | 11:21 GMT+7

VHO- Thành cổ Châu Sa nằm cách TP Quảng Ngãi 7 km về phía Đông Bắc, trải qua bao biến thiên của lịch sử, dấu tích thành cổ này vẫn còn hiện hữu ở xã Tịnh Châu, TP Quảng Ngãi (Quảng Ngãi).

 Ông Lê Mai, xã Tịnh Châu đang chỉ một đoạn tường thành cổ Châu Sa

Có thể nói đây là thành đất duy nhất mà người Chăm còn để lại với những dấu tích cho phép nhận diện khá rõ vị trí, quy mô, bố cục cũng như vai trò của tòa thành đối với vùng đất có thể là một tiểu quốc của họ, nay thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Đây là một trong những trung tâm hành chính, kinh tế và văn hóa quan trọng của vương quốc Chiêm Thành năm xưa. Các nhà nghiên cứu cho rằng người Chăm xây dựng thành Châu Sa nhằm phòng ngừa, ngăn chặn những cuộc dấy loạn, quấy phá của các tiểu quốc...

Hiện nay, nhiều đoạn trở thành hàng rào phân ranh, thành cổng ngõ, lối trồng cây lâu năm... của người dân trong vùng. Về thành cổ Châu Sa, du khách không chỉ nghe những câu chuyện sử xưa, mà còn được đắm mình trong không gian xanh, trải nghiệm cuộc sống bình yên của người dân nơi đây. Thành Châu Sa được phát hiện vào năm 1924 khi nhà khảo cổ học người Pháp Henri Parmentier (1871-1949) tình cờ tìm thấy một bia đá, sau này gọi tên là “Bia đá Châu Sa”. Điểm đặc biệt của thành Châu Sa là khoảng giữa thành nội và thành ngoại, về mạn nam, có hai gọng thành hình càng cua đối xứng qua trục nam bắc. Gọng thành phía tây, bắt đầu từ góc tây nam thành nội, dài gần 700m, còn phía đông, bắt đầu từ góc đông nam, dài chừng 500m. Quanh thành có hào nước rộng 20-25m nối ra dòng sông Trà Khúc phía Nam và ra sông Hàm Giang phía Bắc để xuống cửa biển Sa Kỳ. Cách thành 500m là khu tháp cổ Gò Phố.

Thành ngoại kết hợp giữa các đoạn đào đắp với địa hình tự nhiên, khéo léo tận dụng đồi núi thấp và các sông con, rạch nước, ao đầm vốn chằng chịt trong vùng. Thành ngoại chỉ đắp ba cạnh ở phía Tây, Đông và Bắc, trong đó thành phía Tây và Đông đắp kiên cố, thành phía Bắc chủ yếu dựa vào núi non. Phía Nam nhìn ra sông Trà Khúc, không có bờ thành.

 Thăm dò, khai quật khảo cổ để làm rõ những hiện vật còn chìm trong lòng đất

Qua nhiều lần thăm dò, khai quật khảo cổ, đến nay thành cổ Châu Sa đã dần được giải mã những bí ẩn nằm sâu trong lòng đất. TS Đoàn Ngọc Khôi cho biết, trên cơ sở thăm dò đánh giá về di sản kiến trúc thành Châu Sa, giá trị của những di tích hiện còn nằm trong lòng đất, những di vật liên quan, từ đó nhận định rõ hơn vai trò của thành Châu Sa trong lịch sử Chămpa, Đại Việt; xác định tầm quan trọng của thành Châu Sa trong không gian giao thương với bên ngoài thông qua hệ thống đường sông và cửa biển... Ngoài ra, sẽ xác định được những giá trị khác của thành Châu Sa, từ đó xây dựng phương án để tôn tạo, phát huy giá trị di tích, gắn với phát triển du lịch. Gần đây nhất là năm 2006, các nhà khảo cổ đã tiến hành thăm dò tại thành cổ Châu Sa và đã phát hiện dấu tích lò nung gốm, sản xuất vật liệu kiến trúc của các đền tháp, đồ gốm... Đồng thời, phát hiện chân bờ thành Châu Sa những vết tích kiến trúc, các cửa thành và đồ gốm liên quan trong thành.

Trong những cuộc khai quật thành Châu Sa sau đó, các nhà khoa học phát hiện thêm nhiều di tích, di vật cổ của người Chăm như lò gốm ở Núi Chồi, xã Tịnh Châu. Lò đất nung được khoét vào sườn đồi, tường lò xếp bằng đá, sản phẩm là những tấm đất nung có nội dung Phật giáo. Theo TS, các tác phẩm đất nung Phật giáo Núi Chồi được làm từ một khuôn có kích thước đồng loạt (cao 6,5 cm, rộng 4 cm, dài 1cm) và có hình như một cánh sen dài nhọn đầu. Bên trong là hình đức Phật. Tiểu phẩm Phật giáo ở Núi Chồi giống với các tiểu phẩm Phật giáo được tìm thấy ở Thái Lan. Điều này cho thấy mối liên kết của thành Châu Sa thuộc Champa với một trung tâm Phật giáo lớn.

“Di tích thành cổ Châu Sa được Bộ VHTTDL công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1994. Qua sử liệu cũng như phát hiện trong những lần thăm dò, khai quật khảo cổ cho thấy, thành Châu Sa có giá trị, vai trò quan trọng cả trong giai đoạn Chămpa và Đại Việt. Những vấn đề đó cần tiếp tục thăm dò, khai quật khảo cổ để làm rõ những hiện vật còn chìm trong lòng đất, để hiểu rõ hơn về các giai đoạn lịch sử ở Quảng Ngãi, cũng như những giá trị văn hóa đích thực của thành Châu Sa”, TS Đoàn Ngọc Khôi cho biết. 

NHƯ ĐỒNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top