Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Nhiều tấm bia, hình tượng người cổ của di tích quốc gia chùa Quan Thánh (Thanh Hóa) bị sơn lòe loẹt: “Đây là sự việc nghiêm trọng và hết sức đáng tiếc”!

Thứ Tư 09/11/2022 | 11:21 GMT+7

VHO-  Hàng loạt những yếu tố gốc của di tích quốc gia chùa Quan Thánh đã và đang biến dạng nghiêm trọng sau khi bị sơn thiếp và khoan đục một cách không thương tiếc. Đáng nói hơn nữa, những sai phạm này chưa được chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng xem xét, xử lý “thủ phạm”, khiến dư luận nhân dân và giới nghiên cứu lịch sử, văn hóa “dậy sóng”.

 Các văn bia và phù điêu khắc trên đá đã được sơn mới, viết lại chữ

Có lẽ người ta nhận thấy, sau hàng trăm năm tồn tại, những văn bia, tượng người, linh vật được khắc trên vách núi đã bị mờ nên nảy sinh ý tưởng tô màu lên cho dễ nhìn, đồng thời nhằm “tôn vinh” giá trị di tích? Cách “làm trộm” này như một vết cứa hằn sâu lên cơ thể của di tích!

Đục, bôi, vẽ, tô… không thương tiếc

Theo tư liệu còn lưu trữ, chùa Quan Thánh được xây dựng trong động đá, ở độ cao 15-20m so với nền đường. Theo như văn bia khắc trên vách đá, chùa được trùng tu vào đời vua Lê Hiển Tông (1740-1786), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 17 (1756), đây là tấm bia có niên đại sớm nhất tại đây. Văn bia Nôm có niên đại Cảnh Hưng thứ 46 (1785), khẳng định Mãn Quận công Lê Trung Nghĩa đã bỏ tiền cùng nhân dân trùng tu to đẹp và quy định thể lệ vào hầu chùa.

 Tấm bia có niên đại Cảnh Hưng thứ 47 (1786), đã bị khoan, đục lỗ nham nhở làm biến dạng hoàn toàn một số chữ trong văn bia

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật quan trọng, ngày 4.8.1992, chùa Quan Thánh (người dân còn gọi là chùa Tiên Sơn, hay Quan Lão) thuộc cụm di tích, danh thắng núi An Hoạch (núi Nhồi), phường An Hưng, TP Thanh Hóa (Thanh Hóa) đã được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) quyết định xếp hạng di tích, danh thắng quốc gia. Tuy nhiên hiện nay di tích quốc gia này đã và đang bị xâm hại nghiêm trọng khi yếu tố gốc là các tấm bia đá khắc thơ, văn, hình tượng người và con vật có niên đại hàng trăm năm bị tô nhiều màu sơn khác nhau, làm biến dạng nguyên trạng ban đầu của di tích. Ghi nhận thực tế của phóng viên, hiện nay bên trong khuôn viên chùa Quan Thánh có hơn 10 tấm bia khắc trên vách núi đá có niên đại từ niên hiệu Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Thành Thái đã bị tô màu bằng sơn mới. Bề mặt các văn bia được sơn màu vàng, chữ tô màu đỏ, không còn nguyên vẹn như ban đầu. Trong số đó có một tấm bia có niên đại Cảnh Hưng thứ 47 (1786), không những bị tô sơn, quét màu mà còn bị khoan, đục lỗ nham nhở làm biến dạng hoàn toàn một số chữ trên văn bia.

Đáng nói, việc khoan, đục vào đá có khắc bài thơ còn một cây sắt, mới được cắt bỏ đi, nhằm che giấu cho hành động phá hoại di tích quốc gia. Ngoài ra, các bức tượng phù điêu mang đậm nét phong cách nghệ thuật dân gian của thế kỷ XVII-XVIII được chạm khắc trên vách núi cũng đã biến dạng sau khi bị sơn mới. Quan sát trong khuôn viên chùa còn có một mái tôn mới được dựng trái phép, gây mất cảnh quan và tôn nghiêm của di tích quốc gia này.

Là người thường xuyên nghiên cứu về lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật di tích của xứ Thanh, TS Lê Thị Thảo, Trưởng khoa Văn hóa xã hội, Trường Đại học VHTTDL Thanh Hóa khẳng định, hệ thống phù điêu và các văn bia trên vách đá ở di tích chùa Quan Thánh thuộc loại hiếm có và đạt chất lượng nghệ thuật tạo hình khá điển hình ở cuối thế kỷ XVIII, không chỉ ở Thanh Hóa mà cả nước. Việc khoan đục để cố định cột sắt vào tấm bia cổ trên vách núi, làm hư hỏng, biến dạng di sản là vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa. Các bia và tượng ở đây không phải được tô màu từ thời xa xưa. Cách đây nhiều năm, người ta đã có một lần tô màu lên các hạng mục này, thời gian gần đây, các màu này đã phai đi thì người ta lại tiếp tục tô màu lên. Đây là một sự nhiệt tình mà thiếu sự hiểu biết thành ra phá hoại di sản. Bây giờ di tích đã bị phá hoại thì không thể khôi phục lại giá trị như nó vốn có, thật đau xót.

Mái tôn được dựng trái phép, gây mất cảnh quan và tôn nghiêm của di tích quốc gia này

Cán bộ chỉ hiểu đơn giản nên…

Trao đổi với phóng viên Văn Hóa, ông Nguyễn Đình Lợi, Phó Chủ tịch UBND phường An Hưng, cũng là Trưởng ban Quản lý di tích của phường này xác nhận có việc sơn thiếp mới lên các tấm bia, hình tượng người và các linh vật nhưng không biết xảy ra từ khi nào và do ai làm. “Chúng tôi thường xuyên kiểm tra và biết việc tô sơn mới này có từ lâu, thế nhưng anh em bộ phận văn hóa cứ nghĩ đơn giản nên không làm báo cáo. Chiều 8.11, chúng tôi sẽ họp Ban quản lý di tích và cho mời người trông coi (bà Lê Thị Thịnh, người địa phương) tới làm việc. Hiện vẫn chưa biết ai là người tô sơn vụ việc này, có thể họ làm trộm vào buổi chiều tối”, ông Lợi cho biết.

Khi được hỏi việc để di tích quốc gia chùa Quan Thánh đã và đang bị xâm hại nghiêm trọng nhưng đến thời điểm hiện tại UBND phường không lập biên bản, không báo cáo lên cơ quan chức năng có thẩm quyền để có biện pháp xử lý, ông Lợi nói: “Anh em cán bộ địa phương chỉ hiểu đơn giản những tồn tại đã có từ trước, nên không lập biên bản”. Từ trả lời của vị Trưởng ban quản lý di tích này có thể thấy rằng, sự thiếu trách nhiệm trong việc theo dõi, giám sát, bảo vệ, bảo tồn di sản quốc gia trên địa bàn mình quản lý của UBND phường An Hưng.

Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn di sản văn hóa (Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa), nhìn nhận việc tô sơn mới, khoan sắt làm mất chữ trên tấm bia ở vách đá đã làm biến dạng yếu tố gốc. Cũng liên quan đến vụ việc, bà Phạm Thị Việt Nga, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Thanh Hóa khẳng định, việc sơn thiếp lên các tấm bia tại chùa Quan Thánh khi chưa được cơ quan chức năng cho phép đã làm biến dạng và xâm hại đến yếu tố gốc của di tích. Đây là sự việc nghiêm trọng và hết sức đáng tiếc. UBND TP đã yêu cầu các bên liên quan giải trình, đồng thời sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tìm ra ai làm việc này, trách nhiệm của UBND phường An Hưng và Ban quản lý di tích trong việc theo dõi, giám sát, bảo vệ, bảo tồn di sản trên địa bàn khi để xảy ra sai phạm này. 

  Việc sơn thiếp lên các tấm bia tại chùa Quan Thánh khi chưa được cơ quan chức năng cho phép đã làm biến dạng và xâm hại đến yếu tố gốc của di tích. Đây là sự việc nghiêm trọng và hết sức đáng tiếc.

UBND TP đã yêu cầu các bên liên quan giải trình, đồng thời sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tìm ra ai làm việc này, trách nhiệm của UBND phường An Hưng và Ban quản lý di tích trong việc theo dõi, giám sát, bảo vệ, bảo tồn di sản trên địa bàn khi để xảy ra sai phạm này.

(Bà PHẠM THỊ VIỆT NGA, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Thanh Hóa)

NGUYỄN LINH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top