Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Giảng dạy văn hóa DTTS trong nhà trường: Có hiểu thì mới yêu

Thứ Tư 09/11/2022 | 11:28 GMT+7

VHO- “Khi học sinh có nhận thức tốt đối với văn hóa các dân tộc, các em sẽ yêu văn hóa truyền thống của dân tộc mình hơn. Như một quy luật, khi đã yêu, các em sẽ tìm hiểu sâu hơn để thực hành, bảo vệ văn hóa tộc người. Chính vì lý do đó, chúng ta cần phải đưa thêm kiến thức về văn hóa dân tộc nói chung, DTTS nói riêng vào chương trình dạy học để góp phần phát triển văn hóa đất nước”.

Ngoài chương trình SGK, hoạt động ngoại khóa của học sinh cũng cần được tăng cường các nội dung về văn hóa của đồng bào DTTS Ảnh: LÊ HẢI

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc tăng cường giảng dạy văn hóa DTTS trong nhà trường.

Chương trình SGK “cưỡi ngựa xem hoa”

Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc nói chung và DTTS nói riêng sẽ khó đạt hiệu quả nếu không được chú trọng ngay từ trong trường học. Tuy nhiên, thực tế đang cho thấy, một bộ phận học sinh chưa hiểu hết về giá trị văn hóa truyền thống, nhất là ở những nơi các em không có điều kiện thường xuyên tiếp xúc với đồng bào. Do đó, công tác giáo dục về lĩnh vực này cần được chú trọng hơn nữa để đảm bảo các em có phông nền kiến thức nhất định.

Lý giải về vấn đề trên, cô Trần Diễm Quỳnh, giáo viên trường Tiểu học An Dương (Hà Nội) cho biết, hiện chương trình SGK không có nhiều bài học về văn hóa của đồng bào DTTS, nếu có cũng chỉ giới thiệu theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”. “Chương trình SGK môn Địa lý lớp 4 điểm qua tranh ảnh của một vài dân tộc Tày, Mường, Thái và vùng Tây Nguyên. Thế nhưng, những thông tin này rất chung chung, dừng lại ở mức nêu tên một số phong tục, tập quán, lễ hội chứ không đi vào chi tiết. Một tiết học chỉ kéo dài trung bình 35 phút nên để hết bài, chúng tôi cũng gặp khó khi đề cập kỹ vấn đề cho các em dù rất muốn. Chưa kể, môn Địa lý hiện chỉ có 1 tiết/tuần. Qua quan sát trong quá trình giảng dạy, tôi thấy đa phần học sinh đều rất hứng thú với nội dung này. Do đó, tôi khẳng định văn hóa DTTS rất hấp dẫn, cần sớm được nghiên cứu để tăng cường số tiết cũng như nội dung giảng dạy”, cô Quỳnh nêu.

Tương tự, cô Phạm Thị Huyền Trang, giáo viên Trường Tiểu học Tứ Liên (Hà Nội) cho hay, vì số tiết học và thời lượng mỗi tiết ngắn nên cả giáo viên, học sinh đều gặp khó khăn trong dạy và học. Do đó, nếu muốn dạy về văn hóa DTTS thì giáo viên phải dành ra tiết sinh hoạt cuối tuần cho học sinh. “Ngoài Địa lý, những môn như Tiếng Việt, Tự nhiên và Xã hội cũng có nội dung liên quan đến văn hóa DTTS, nhưng nhìn chung còn ít. Học sinh ở một số khu vực, đặc biệt là vùng nội đô, vốn thiệt thòi hơn về điều kiện tiếp xúc với văn hóa DTTS, cùng với đó, chương trình SGK không có nhiều thông tin về lĩnh vực này nên nhiều em chưa nắm được cũng là điều dễ hiểu. Để tăng cường hiểu biết văn hóa vùng miền cho các em, chúng tôi cũng cố gắng lồng ghép nội dung vào một số hoạt động ngoại khóa hoặc một số môn học, nhưng chắc chắn sẽ khó đạt hiệu quả như mong muốn. Ngoài ra, SGK cũng cần đề cập cụ thể hơn về một số nét đẹp trong văn hóa của đồng bào chứ không chỉ dừng lại ở “chỉ mặt, điểm tên”. Có như vậy, học sinh mới có thêm điều kiện tìm hiểu, giáo viên cũng có thêm tư liệu để phát triển bài giảng cho học sinh”, cô Trang bày tỏ.

Được khuyến khích, sao không làm?

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường giảng dạy về văn hóa DTTS trong nhà trường, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nêu: “Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa DTTS thì việc nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa là giải pháp quan trọng nhất. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy, cần giáo dục văn hóa - nghệ thuật dân tộc cho mỗi cá nhân từ sớm để hình thành nên nhận thức; quan trọng hơn nữa là tình yêu đối với giá trị văn hóa dân tộc. Khi học sinh có nhận thức tốt đối với văn hóa của các dân tộc, các em sẽ yêu văn hóa truyền thống của dân tộc mình hơn. Như một quy luật, khi đã yêu, học sinh sẽ tìm hiểu sâu hơn về văn hóa dân tộc, thực hành, bảo vệ văn hóa tộc người. Chính vì lý do đó, chúng ta cần phải đưa thêm kiến thức về văn hóa dân tộc nói chung, DTTS nói riêng vào chương trình dạy học để góp phần phát triển văn hóa tộc người, phát triển văn hóa đất nước”.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn phân tích thêm: “Chúng ta đang thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với mục đích giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản… để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trong đó, có quan điểm trao quyền chủ động, trách nhiệm cho địa phương, nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch phù hợp với đối tượng, điều kiện của mình. Chúng ta có nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa của dân tộc Ba Na ở Kon Tum, hát Then, đàn tính dân tộc Tày ở Lạng Sơn; thổ cẩm của dân tộc Tà Ôi… tại sao không mạnh dạn thiết kế chương trình giảng dạy để giới thiệu cho học sinh? Khi xác định điều đó là quan trọng, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động bổ sung thêm một số nội dung giảng dạy cho phù hợp. Như vậy, vừa giải quyết được bất cập về việc giảm tải chương trình, vừa đưa thêm được nội dung về giáo dục văn hóa DTTS vào bài giảng”.

Để giải quyết vấn đề, PGS.TS Bùi Hoài Sơn đề xuất, “trước mắt, phải xuất phát từ nâng cao nhận thức, khi chúng ta có nhận thức đúng, đủ về vai trò của văn hóa DTTS đối với sự phát triển đất nước, chúng ta sẽ có hành động phù hợp để đưa các chương trình này vào học đường. Tiếp đến, cần phải xây dựng những nội dung phong phú, hấp dẫn, phù hợp với từng đối tượng học sinh. Đội ngũ giáo viên cũng đóng vai trò quyết định trong việc tạo ra chất lượng cho chương trình này. Vì thế, cần chuẩn bị đội ngũ giáo viên am hiểu chuyên môn, tâm huyết với nghề nghiệp để bảo đảm chất lượng cho nội dung giảng dạy”.

ĐÌNH TOÁN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top