Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động thiết kế sáng tạo ở Việt Nam​​​​​​​: Càng giá trị càng dễ bị mất bản quyền

Thứ Tư 09/11/2022 | 11:31 GMT+7

VHO- “Trong bối cảnh vấn nạn xâm phạm bản quyền ngày càng gia tăng, làm lung lay tinh thần sáng tạo, các nhà thiết kế, nghệ nhân, nghệ sĩ và người thực hành thiết kế sáng tạo của Việt Nam hoàn toàn xứng đáng nhận được sự hỗ trợ từ nhiều phương diện: Khuôn khổ pháp lý, môi trường thực hành, kinh doanh, cơ hội tiếp cận nguồn lực tài chính, cơ hội nâng cao chuyên môn và kỹ năng...”.

 Hội thảo tập trung thảo luận những nội dung quan trọng về vấn đề bản quyền trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam

 PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam nhấn mạnh tại Hội thảo “Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động thiết kế sáng tạo ở Việt Nam” trong khuôn khổ của Tuần lễ thiết kế Việt Nam 2022 do Viện VHNT quốc gia Việt Nam và VietNam Design Group phối hợp tổ chức đã diễn ra sáng qua 8.11 tại Hà Nội.

Thúc đẩy sáng tạo bằng bảo vệ bản quyền

Là dịp để các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo trao đổi, bàn luận về thực trạng bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong các ngành văn hóa và sáng tạo, từ đó đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước, nâng cao nhận thức và củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam, Hội thảo tập trung thảo luận về những nội dung chính: Khuôn khổ pháp lý hiện hành về sở hữu trí tuệ ở Việt Nam trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo; Thực tiễn việc bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo; Vai trò của việc bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam; Giải pháp thúc đẩy việc bảo vệ và thực thi có hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam…

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương chia sẻ, trong vòng hơn chục năm qua, kết quả của các chương trình nghiên cứu và tư vấn chính sách về phát triển văn hóa nghệ thuật nói chung, nghiên cứu và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam nói riêng của Viện VHNT quốc gia Việt Nam đã cho thấy, các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, trong đó có ngành thiết kế sáng tạo có nhiều tiềm năng để phát triển mạnh ở phạm vi vùng và quốc tế.

Theo Viện trưởng, câu chuyện bảo vệ bản quyền cho người sáng tạo đòi hỏi sự tham gia của toàn xã hội bao gồm các Bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị nghiên cứu và đào tạo, doanh nghiệp, nhà đầu tư, công chúng và người tiêu dùng… để cùng chung tay tạo dựng một môi trường nuôi dưỡng và phát triển nhiều thuận lợi cho người làm sáng tạo ở Việt Nam. Từ năm 2020 đến nay, Tuần lễ Thiết kế Việt Nam do VICAS phối hợp với VietNam Design Group tổ chức đã trở thành một trong những sáng kiến nổi bật nhất trong việc tạo nền tảng tôn vinh sức sáng tạo của các nhà thiết kế, nhà sản xuất, thợ thủ công, làng nghề thủ công, sinh viên ngành thiết kế sáng tạo…

“Năm nay, một trong những trọng tâm của VietNam Design Week là nâng cao hiểu biết và kỹ năng của nghệ sĩ, nhà thiết kế về việc bảo vệ và thực thi có hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ...”, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cho biết.

Xâm phạm bản quyền làm thui chột động lực sáng tạo

Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Phạm Thị Kim Oanh với tham luận về “Khuôn khổ pháp lý về bảo hộ bản quyền ở Việt Nam” cho biết, trong thực thi bảo vệ quyền tác giả, hành lang pháp lý của chúng ta đã tương đối hoàn thiện; vấn đề chính còn lại là ý thức. Theo bà Oanh, nguyên nhân của thực trạng vấn nạn xâm phạm bản quyền nói chung và trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo nói riêng có nhiều, trong đó nguyên nhân cơ bản được nhìn nhận là nhận thức của công chúng về quyền tác giả, quyền liên quan còn hạn chế; sự vụ lợi, môi trường kỹ thuật số khiến vấn nạn xâm phạm bản quyền nở rộ như nấm sau mưa. “Giới văn nghệ sĩ, người sáng tạo còn thiếu sự chủ động của chủ thể trong việc bảo vệ quyền của mình. Các tổ chức quản lý tập thể chưa đủ mạnh để tự bảo vệ quyền của các chủ thể quyền tác giả và quyền liên quan. Bên cạnh đó, các lực lượng thực thi còn thiếu nhân lực, vật lực, thiếu kinh nghiệm về bảo hộ quyền tác giả trong môi trường số...”.

Những giải pháp cần thực thi hiện nay là hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ; thu hút và hỗ trợ đầu tư, phát triển thị trường; tăng cường chủ động từ các chủ thể quyền; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý xâm phạm; mở rộng giao lưu, hợp tác, hội nhập quốc tế.

Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch CLB Doanh nhân Sáng tạo (VCE Club) nhấn mạnh, bảo hộ sở hữu trí tuệ và bản quyền là cốt lõi phát triển công nghiệp văn hóa. Thế nhưng hiện nay, dưới nhiều cách thức, xâm phạm bản quyền đang diễn ra ngày càng phổ biến. “Trong bối cảnh công nghệ số, truyền thông số ngày càng phát triển thì lượng người tìm cách tiếp cận, “xài chùa” các sáng tạo cũng ngày càng nhiều thêm. Công cụ Google search chưa bao giờ thôi “hot”, khi nhiều người sử dụng để tìm kiếm các tác phẩm sáng tạo để sử dụng mà không phải trả tiền. Sáng tạo càng giá trị thì càng kích thích vi phạm, vấn nạn “trộm cắp” bản quyền càng phát triển...”, ông Lê Quốc Vinh trăn trở.

Tuy nhiên, cũng theo ông Vinh, một tín hiệu tích cực hiện nay là các nghệ sĩ, các nhà sáng tạo đã ngày càng thay đổi nhận thức về bảo vệ bản quyền. “Ý thức bảo vệ quyền tác giả của chính các chủ thể sáng tạo trước kia rất kém, nhưng nay đã khác, nghệ sĩ, người sáng tạo đều đã chú ý ưu tiên việc bảo vệ quyền tác giả cho chính mình...”, ông Vinh nói.

Các diễn giả tại Hội thảo cũng trình bày nhiều nội dung thiết thực liên quan đến câu chuyện bảo vệ bản quyền trong hoạt động thiết kế sáng tạo tại Việt Nam như: Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong các lĩnh vực văn hóa và sáng tạo tại Việt Nam, Quyền sở hữu trí tuệ đối với thiết kế sáng tạo... “Hội thảo tiếp tục đóng góp cả về lý luận, kinh nghiệm và thực tiễn cho mục tiêu chung, hướng tới củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động thiết kế sáng tạo. Từ Hội thảo đã tạo cơ hội quan trọng cho việc kết nối các bên liên quan về lĩnh vực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động thiết kế sáng tạo ở Việt Nam...”, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương nhấn mạnh. 

 Trong bối cảnh công nghệ số, truyền thông số ngày càng phát triển thì lượng người tìm cách tiếp cận, “xài chùa” các sáng tạo cũng ngày càng nhiều thêm. Công cụ Google search chưa bao giờ thôi “hot” khi nhiều người sử dụng để tìm kiếm các tác phẩm sáng tạo để sử dụng mà không phải trả tiền. Sáng tạo càng giá trị thì càng kích thích vi phạm, vấn nạn “trộm cắp” bản quyền càng phát triển... Tuy nhiên, nếu như trước kia ý thức bảo vệ quyền tác giả của chính các chủ thể sáng tạo rất kém, thì nay đã khác, nghệ sĩ, người sáng tạo đều đã chú ý ưu tiên việc bảo vệ quyền lợi của chính mình...

(Ông LÊ QUỐC VINH, Chủ tịch CLB Doanh nhân Sáng tạo)

 BẢO NGÂN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top