Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Để du lịch phục hồi sau đại dịch

Thứ Sáu 11/11/2022 | 11:37 GMT+7

VHO- Sau cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra, cần nhìn vào sự kinh nghiệm phát triển du lịch quốc tế, đặc biệt là những bài học từ Thái Lan và Nhật Bản để thấy các nước hồi phục và phát triển du lịch sau đại dịch như thế nào.

 Thái Lan từ bỏ du lịch đại trà sau dịch Covid-19

 Thái Lan từ bỏ việc phát triển đại trà

Trong khu vực châu Á, Thái Lan là một trong những nước rất đáng để chúng ta học tập. Du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Thái Lan, đóng góp tới gần 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở thời điểm trước đại dịch. Khi đại dịch Covid-19 làm gián đoạn hoạt động du lịch toàn cầu đã gây nên những cú sốc đối với ngành Du lịch Thái Lan. Thế nhưng, bên cạnh những tổn thất, cũng chính đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy những thay đổi tích cực trong tư duy quản lý của chính phủ Thái Lan.

Báo cáo “Tái cơ cấu ngành Du lịch Thái Lan: Tìm kiếm sự phát triển bền vững cho tương lai” của Ngân hàng Quốc gia Thái Lan, nhóm tác giả đã nhận định, hình thái phát triển trước đại dịch của ngành Du lịch Thái Lan phụ thuộc nhiều vào du lịch đại trà, hiệu quả kinh tế chưa cao. Mặc dù đã có sự hình thành của nhóm sản phẩm thuộc phân khúc trung - cao với tính cá nhân hóa cao, nhưng cũng chưa đủ để đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành du lịch quốc gia. Đồng thời, cũng chính mô hình này đã tạo nên những áp lực khổng lồ tới những điểm đến nổi tiếng của Thái Lan như: Bangkok, Phuket, Chonburi, Surat Thani và Chiang Mai (với 80% du khách quốc tế tham quan các điểm đến kể trên), từ đó gây ảnh hưởng tiêu cực tới cảnh quan, môi trường và đời sống của cộng đồng địa phương.

Bản báo cáo đã vạch ra một định hướng mới, đó là từ bỏ việc phát triển du lịch đại trà, thay vào đó, tập trung phát triển những sản phẩm du lịch chất lượng cao dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa quốc gia. Cùng với đó là tại các điểm đến mới, phát triển nhóm sản phẩm theo hướng niche - bao gồm du lịch sức khoẻ, du lịch cộng đồng, du lịch MICE phục vụ phân khúc cao cấp, khách du lịch nội địa và khách du lịch công vụ. Trong đó, phát triển du lịch nội địa được đề cập như một trong những nhiệm vụ chủ yếu trong công tác hồi phục ngành Du lịch Thái Lan sau đại dịch.

Những định hướng kể trên đã tác động không nhỏ tới cách tiếp cận của Cơ quan quản lý Du lịch Thái Lan (TAT) đối với việc phát triển du lịch nội địa. Nhằm mục tiêu đảm bảo du lịch nội địa mang lại sự phát triển bền vững hơn cho ngành du lịch quốc gia, thông qua việc hình thành các địa điểm du lịch mới, điều phối lại của cải trong xã hội và giảm thiểu áp lực tới các điểm đến nổi tiếng. TAT đã phát triển chiến lược REAL, gồm 4 thành tố: Du lịch có trách nhiệm, Trải nghiệm độc đáo, Quảng bá du lịch với định hướng tiên phong và Nền kinh tế “Less for more” (có thể hiểu là nền kinh tế trải nghiệm thiên về những giá trị mang đến sự khai sáng cho tâm thức con người, vượt ra khỏi những giá trị vật chất tầm thường). TAT cũng phát triển những thông điệp và định hướng marketing cụ thể cho tất cả 5 khu vực trong quốc gia, gắn liền với những đặc điểm vùng miền.

Nhật Bản gắn với trải nghiệm văn hóa

Nhật Bản là một quốc gia châu Á có ngành du lịch nội địa hết sức phát triển. Khác với nhiều quốc gia cùng khu vực, nguồn thu của du lịch nội địa Nhật Bản chiếm tới 80% tổng đóng góp của hoạt động du lịch đến với nền kinh tế Nhật Bản.

Điểm sáng lớn nhất của sự phát triển du lịch nội địa Nhật Bản chính là sự hình thành của một nền văn hóa du lịch gắn chặt với những trải nghiệm văn hóa, tìm về cội nguồn. Người Nhật có một văn hóa du lịch hết sức độc đáo, họ luôn đảm bảo rằng khám phá văn hóa là một trải nghiệm buộc phải có trong chuyến đi du lịch. Nếu như nhiều du khách sử dụng du lịch đơn giản như một hoạt động giải trí, với người Nhật, du lịch là hoạt động đáp ứng nhu cầu tái kết nối với cội nguồn và khẳng định danh tính của bản thân.

Sự phát triển của du lịch nội địa Nhật Bản và sự hình thành của một dạng thức du lịch kiểu mẫu gắn với trải nghiệm văn hóa của người Nhật đương nhiên không hình thành một cách tự nhiên, mà đến từ nỗ lực của chính phủ Nhật Bản gần nửa thế kỷ trước khi triển khai chương trình quảng bá du lịch “Discover Japan”. Mặc dù đã 50 năm trôi qua, nhưng giá trị của nó vẫn vẹn nguyên cho tới tận hôm nay. Chiến dịch “Discover Japan” tập trung vào quảng bá chủ đề đánh thức những hoài niệm quá khứ của người Nhật, thông qua những trải nghiệm du lịch ở nông thôn, gắn liền với những nếp sống từ thuở xa xưa. “Discover Japan” thông qua việc truyền tải những biểu tượng như trang phục truyền thống, sinh hoạt nông nghiệp, phong tục tập quán, nghệ thuật truyền thống đã khơi gợi niềm thương nhớ của người dân Nhật Bản sinh sống nơi đô thị về một nước Nhật trong quá khứ ở bên ngoài những thành phố kiểu mẫu phương Tây.

Nhật Bản thời điểm đó vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh với không ít những vết thương, rồi ngay lập tức phát triển về kinh tế cũng như thu nạp những tư tưởng văn hóa phương Tây một cách mạnh mẽ, đã xuất hiện những sự đứt gãy văn hóa nhất định trong xã hội. Bởi vậy, ắt hẳn trong xã hội sẽ tồn tại một nhu cầu cũng như một yêu cầu về khẳng định danh tính dân tộc, mà văn hóa truyền thống chính là yếu tố cốt lõi. Chiến dịch “Discover Japan” đã trả lời cho câu hỏi mang tính thời đại đó. Thành công của chiến dịch đã không chỉ kích thích người dân Nhật Bản trở về những khu vực nông thôn để nghỉ dưỡng, từ đó giải quyết những vấn đề về phát triển kinh tế, mà còn hình thành một nét văn hóa thụ hưởng những giá trị truyền thống của khách du lịch Nhật Bản, điều vẫn còn vẹn nguyên tới ngày hôm nay.

Thông qua hai điển hình về phát triển du lịch nội địa là Thái Lan và Nhật Bản, có thể rút ra hai vấn đề chính mà du lịch Việt Nam cần tập trung ở thời điểm hiện tại, đó là: Cần có những định hướng, kế hoạch cụ thể để phát triển du lịch nội địa, không chỉ theo hướng thúc đẩy tăng trưởng của khu vực này, mà còn phải khiến du lịch nội địa trở thành một công cụ thúc đẩy tăng trưởng bền vững của ngành Du lịch nói riêng và kinh tế - văn hóa - xã hội - môi trường của quốc gia nói chung; phát triển du lịch nội địa phải được thực hiện một cách bao trùm để rút ngắn chênh lệch giữa các khu vực, cũng như các tầng lớp trong xã hội.

 ĐỖ MINH ĐỨC

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top